Vòng qua hẻm
Chẳng mấy khi Hội An vắng vẻ như thời còn là một thị xã hiu hắt. Trong giá lạnh ẩm ương mùa này, lạc vào phố cổ rồi thu mình trong hẻm để sống chậm, nghĩ xa đôi khi cũng khiến chúng ta vỡ ra thêm một số câu chuyện chẳng thể cảm nhận được lúc nhịp sống vồn vã, tấp nập.
Nhặt chuyện ở hẻm
Nhắc về đặc trưng của đô thị cổ này không thể bỏ qua hẻm. Hẻm ở Hội An cũng tựa như những con dốc ở Đà Lạt. Chưa vòng vèo ở đó thì hành trang của du khách gói ghém rời đi nghe như thiếu một chút gì. Khác với cảm giác hun hút khi trải bước nơi con dốc Đà Lạt, không gian nơi con hẻm của Hội An dường như chật chội hơn nhưng vẫn ẩn chứa bao câu chuyện mới cũ của thăng trầm thời gian.
Chẳng mấy khi ngõ ngách ở “thị xã” (danh xưng mà du khách vẫn thích hơn khi gọi về Hội An) này cụt đường. Vào hẻm mà chẳng thấy tù túng. Cứ tha thẩn, dăm ba nhịp bước sẽ thấy một nhà thờ tộc, dăm ba giếng nước cổ hay có khi là quán cà phê, tiệm cơm gà nữa. Mùa này, trong cơn gió se sắt lùa, vài ba bản nhạc không lời du dương trong cơn mưa giăng ở mọi ngõ ngách dễ khiến du khách say lòng chẳng muốn rời đi.
Hay ho hơn là những cánh cửa chính, cửa sổ mở toang. Chẳng bậc thềm, vỉa hè. Ngoảnh qua, ngó lại, sẽ đập vào mắt một giàn phong lan xanh mướt mắt, một cụ ông thủng thẳng đọc báo bên tách trà. Hẻm và nhà ở đây chẳng có ranh giới. Có khi hẻm chỉ rộng vừa một sải tay, nhưng chẳng nghe va vấp, to tiếng bao giờ. Chỉ nghe dăm ba câu chuyện tỉ tê của cư dân vọng từ trên mái gác, từ nhóm lữ khách phải lòng với đô thị có tuổi này. Hẻm này khép lại, lại mở ra một con đường mới. Những con hẻm nhỏ nhắn nhưng không tù túng. Hẻm nghe nhỏ bé nhưng lại minh chứng cho tư duy mở của vùng đất này. Nhỏ bé nhưng tinh tế, luôn khát khao hòa nhập với cái mới, chạm vào sự hào hoa. Đô thị này luôn mở, từ hẻm.
Nghĩ xa từ hẻm
Khách đến Hội An chắc chắn ấp ủ mong chờ tìm về cái… cũ. Và hẻm là cái cũ đáng trải nghiệm. Nhiều người tư lự hàng giờ ở đó chỉ mong bắt gặp khoảnh khắc một cụ bà quảy gánh hàng rong thong thả rảo bước trong nắng xế hay bầy trẻ con túm tụm nô đùa lúc bình minh.
Nói như ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam thì thương hiệu Hội An đã quá nổi tiếng với du khách thập phương và có chăng nếu cần xúc tiến sau dịch bệnh thì hãy truyền vào đó những thông điệp nhân văn tạo sự lay động nơi du khách để họ tiếp tục yêu thương và trở lại với di sản này. Nhiều ý kiến tâm huyết cũng cho rằng, du lịch nơi đây hãy làm mới lại từ những điều cũ. Phải chăng hẻm là một trong những “vốn liếng” của di sản này cần được khai phóng?
Một bức tranh về dòng thời gian, từ xưa cũ đến hiện đại của Hội An đều có thể tái hiện nơi con hẻm. Đừng nên trang hoàng và cần dè dặt trong cải tạo. Hết thảy du khách đều muốn khám phá cái nếp mộc mạc, cũ kỹ nhất có thể ở vùng đất này. Hẻm ở Hội An vốn đã tích tụ được những câu chuyện sống động của một di sản sống, đồng thời cũng tồn tại đủ lâu để nhuốm gam màu rêu phong của thời gian.
Theo ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty Du lịch và dịch vụ Hoa Hồng: “Những con hẻm trong phố cổ hoàn toàn có thể là nơi giảm tải sức ép cho các tuyến phố chính, cho chợ đêm Nguyễn Hoàng. Nếu được quy hoạch lại bài bản thì sức hấp dẫn của hẻm tạo ra cũng rất lớn”.
Hẻm còn đủ dư địa để “sắp xếp” lại, và chăm chút để nó trở thành một sản phẩm có giá trị gia tăng trong hoạt động du lịch. Sự tương tác của bức tường rêu cũ kỹ với lối đi, của khung cửa sổ với du khách sẽ trở thành những câu chuyện hấp dẫn để Hội An kể với khách, để khách kể với mọi người sau một chuyến đi. Ở đó, họ đã nghiền ngẫm hoặc “lục lọi” lại được một điều cũ, một mẩu chuyện cũ nhưng lắm khi hay ho hơn cả nhiều thứ mới mẻ. Vì Hội An, là nơi ẩn chứa cả kho tàng giá trị xưa.