Vết hằn của nước phía bờ
Tiếng của nước, lúc thì thầm khi gầm gào. Mỗi thanh âm đều mang trong mình bao nỗi lòng, câu chuyện. Con nước nơi cuối sông, đầu biển luôn xao động, dềnh dàng theo từng giờ, từng ngày. Dòng nước gắn chặt với đời người. Chỉ có lắng nghe, mới mong thấu hiểu…
1. Gió bấc xào xạc thổi. Vạt bông lau rộ trắng nghiêng ngả một góc đồng. Con đường ra bờ sông Thu vẫn nham nhở sình lầy. Mắt mèo, cỏ dại bị ngâm lụt héo úa nằm như ngả rạ. Thấp thoáng trên cánh đồng, những người nông dân lụi cụi dọn cỏ, làm đất chuẩn bị cho một mùa vụ mới.
Ông Năm bỏ mặc đàn bò đang nhẩn nha gặm cỏ để cùng tôi men theo bờ sông thôn Phước Trung (xã Cẩm Kim. Hội An). Con nước vẫn còn đục ngầu, nhưng đã thôi xoáy òng ọc. Ông Năm chỉ tay về phía bờ đối diện (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) kể: “Nhánh sông ni hồi đó chỉ là cái lạch nhỏ thôi, còn đất Cẩm Kim chạy miết ra giữa lòng sông kia. Lở riết một hồi bờ sông thành dựng đứng, đất trôi từng mảng theo mỗi đận lụt. Không có vạt kè ni thì nước còn ăn sâu vào nữa”.
Vạt kè ông Năm đề cập chính là hỗn hợp gốc tre, rọ đá, rừng bần, cỏ bói và trong cùng là dương liễu. Đoạn kè dài chừng hơn 1 cây số đã hình thành từ hai năm nay sau khi rút kinh nghiệm từ mô hình kè ở làng Triêm Tây “hàng xóm” ngay bên cạnh. Trước mắt tôi, cành dương liễu ngả nghiêng, cọc tre xiêu vẹo, một ít gốc bần ngã rạp nhưng bãi đất thì... vẫn còn nguyên. Thế là đủ. Đoạn kè này nằm ngay đối diện nơi con nước sông Thu Bồn cuồn cuộn chảy xuống. Tôi hình dung lại một trận chiến tơi bời của “tổ hợp” này với con nước hung hãn trong những ngày dông gió.
Cọc tre phân tán ngọn nước xoáy, rễ bần níu đất ở lại, còn dương liễu cản bớt những luồng gió thốc. Mỗi thứ một chức năng, “hiệp đồng tác chiến” bảo vệ mục tiêu, là đất. Trước mắt là “chúng nó” đã đùm bọc nhau qua một mùa bão lũ. Bất giác, tôi nhớ tới hình ảnh những khóm tre gầy guộc bên triền sông Vu Gia - Thu Bồn ngang qua Đại Lộc, Duy Xuyên bật gốc trơ trọi trôi theo nước. Mỗi mùa mưa trôi qua, nỗ lực của người dân ở đó lại như “dã tràng xe cát”…
TS.Nguyễn Thị Anh Đào – Công ty Tư vấn quy hoạch và thiết kế cảnh quan LAPAT International, người miệt mài tư vấn hỗ trợ, triển khai hệ thống kè mềm ở Điện Bàn, Hội An xuýt xoa lặp đi lặp lại: “Quảng Nam có một hệ con nước quá đẹp. Đẹp hoàn hảo”. Vị chuyên gia về kè sinh thái này phân tích, nước từ trên núi xuống hạ lưu rồi ra cửa biển. Con nước không chỉ đại diện cho sông, suối, biển hay đời sống nông nghiệp mà bao quát cả hình ảnh về văn hóa, đời sống xã hội của địa phương.
“Cũng vì lẽ đó mà vùng hạ lưu Vu Gia – Thu Bồn rất nhạy cảm khi giao thoa chế độ nước giữa bờ biển, cửa sông. Theo nghiên cứu của chúng tôi thì lưu vực sông này có đến chín hệ con nước, nên chúng ta phải hiểu cặn kẽ định nghĩa của nó. Từ cái tên, cho đến tính chất thì mới có thể ứng xử phù hợp” - TS. Nguyễn Thị Anh Đào nói.
Trở lại câu chuyện kè ba lớp sinh thái Cẩm Kim, TS.Nguyễn Thị Anh Đào tạm cho là nó đã thành công phần nào đó khi giữ được đất và hệ sinh thái “sống sót” qua thử thách của lũ lụt. Tuy nhiên, kè Cẩm Kim chỉ là một phần nhỏ bé trong hệ thống bờ đang bị tổn thương âm ỉ của Hội An chứ chưa cần nói rộng ra toàn tỉnh.
“Tôi phải khẳng định là chúng ta phải cân nhắc, suy nghĩ lại giải pháp tổng thể về vấn đề chống sạt lở hiện nay ở bờ sông hay bờ biển. Việc luôn bị ám ảnh phải vá bằng mọi giá, giữ khư khư bằng được mọi thứ mà không nắm được tín hiệu, lời nhắn nhủ của con nước dẫn đến việc can thiệp sẽ chẳng đem lại hiệu quả” - TS. Nguyễn Thị Anh Đào trầm ngâm nói.
Theo các chuyên gia, eo biển gần Cửa Đại từ lâu lẽ ra đã tạo thành một đảo nhỏ nhưng do con người cố gắng giữ lại bằng việc kè chắn đã tạo ra hiệu ứng “domino” góp phần tác động đến dải bờ biển Cửa Đại bị vỡ vụn, tách dần ra như hiện nay...
2. Hai tuần từ lúc cơn bão số 13 đi qua. Những đợt sóng gầm gào từ biển không còn thốc sâu vào An Bàng. Sóng dữ bỏ đi. Để lại một dãy nhà ngả nghiêng, tơi tả. Sóng còn vằn vện vết hằn trên bãi cát trắng hiền hòa. Những rãnh nước ngang dọc cứa vào cát, tựa nhát roi quất. Nhưng tệ hơn, vết hằn của một lần trân mình chịu đựng bể dâu thì cứ mỗi khi trở trời mưa gió nó sẽ âm ỉ và nhức nhối hơn qua thời gian. Tôi đã thấy những vệt loang lổ thế này trên bờ biển ở đâu đó từ lâu rồi. Là biển Cửa Đại, và cả một số khu vực ở dọc biển Đà Nẵng. Và e là không chóng lành trong một sớm, một chiều.
Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An ví von: “Việc giữ bờ phải triển khai ngay. Mà làm với giải pháp tổng thể, làm đồng bộ. Chứ nếu cứ mạnh ai nấy kè như hiện nay thì từ cái áo chỉ rách chỗ cánh tay đến một lúc nào đó toàn bộ tấm áo của ta thành tấm áo rách hết”.
Tại hội nghị tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm công tác kè, chống sạt lở bờ biển Hội An hồi giữa tháng 11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Hồ Quang Bửu thông tin, dự kiến trong quý 1.2021, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thi công dự án kè ngầm chắn sóng từ xa trị giá 300 tỷ đồng với chiều dài hơn 1km nối tiếp với khoảng 200m kè chắn sóng đã có hiện tại. Ngoài ra, còn có dự án do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) hỗ trợ, chủ yếu làm kè về phía cửa sông và chỉnh trị dòng sông vẫn đang xúc tiến nhưng khả năng phải đến giai đoạn 2022 – 2023 mới bắt đầu triển khai.
Cách đây chừng mươi năm, biển Cửa Đại sạt. Giao thương, dịch vụ du lịch Hội An túc tắc dịch chuyển lên An Bàng. Nhưng nếu An Bàng lặp lại bi kịch của Cửa Đại, thì Hội An sẽ không còn đường lùi. Đáng quan tâm, sạt lở đang lầm lũi chuyển bước về phía bắc bờ biển thành phố, còn một số đoạn bị tác động nặng trước đây lại đang có dấu hiệu bồi tụ ngay trong mùa mưa bão.
Mạn đàm về chuyện sạt lở biển, ông Nguyễn Sự kể một chi tiết khá thú vị: “Chẳng phải bây giờ Cửa Đại, An Bàng mới có cớ sự như vậy đâu. Năm 1988, lúc tôi còn làm Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Thanh thì vùng này đã xuất hiện sạt lở nghiêm trọng. Lở mở cả ra một cửa lạch dài gần 200 mét, đủ để ngư phủ cánh An Bàng theo ngả đó dong buồm ra khơi mà chẳng cần phải vòng xuống Cửa Đại. Hội An quýnh quáng báo cáo lên trên, chuyên gia thủy lợi của tỉnh về khảo sát nói ráo hoảnh là các ông cứ để im đó đừng làm chi hết, hai năm sau là hắn trở lại bình thường. Mà đúng là sau đó hắn bình thường lại. Lạ nữa là nó trở lại nguyên trạng chỉ đâu chừng một năm”.
Như thế, phải chăng việc xâm thực, thay đổi dòng chảy đã diễn tiến từ lâu hơn? Thậm chí hàng trăm, hàng ngàn năm trước. Minh chứng rõ rệt là việc bồi tụ, nghẽn dòng của sông Trường Giang và sông Cổ Cò - hai dòng sông vốn chạy song song và rất gần bờ biển.
Biển tiến, con người thoái lui là giải pháp tối ưu được đúc rút từ bao đời. Nhưng với người Hội An thì không thoái lui được nữa. Gia tài, vốn liếng, sinh kế của cộng đồng cư dân, doanh nghiệp đã gắn chặt theo dải bờ biển. Rồi nơi “đất chật người đông” như Hội An sẽ lấy đâu ra quỹ đất để tái định cư sau khi thoái lui?
Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An bộc bạch: “Giải pháp kè mềm sinh thái như các chuyên gia nhận định là đúng rồi và lâu dài Hội An phải có giải pháp tổng thể để giải quyết căn cơ bài toán sạt lở. Còn bây giờ chúng ta đã phóng lao thì phải theo lao. Nếu không triển khai giải pháp trước mắt thì cứ mỗi cơn bão quét qua bờ biển địa phương lại bị xâm thực thêm mấy chục mét chẳng mấy chốc đến tuyến đường ven biển sợ cũng không còn mà đi. Việc cấp thiết trước mắt là phải giữ bờ cái đã”.
Có vẻ, việc “giải cứu” bờ biển Hội An vẫn đang dùng dằng trong việc đi tìm một giải pháp tối ưu. Bài toán dung hòa được cả trong ngắn hạn và lâu dài xem chừng vẫn chưa thể có đáp số...