Liên hiệp quốc: Thiên tai khắc nghiệt tăng đáng kinh ngạc
(QNO) - Theo đánh giá mới nhất của Liên hiệp quốc, thảm họa thiên tai gia tăng trong 20 năm đầu tiên của thế kỷ 21 gây thiệt hại nặng về nhân mạng và kinh tế trên toàn cầu.
Những con số thiệt hại
Số liệu từ Văn phòng Liên hiệp quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR) cho thấy, có khoảng 7.350 sự kiện thiên tai được ghi nhận trên toàn cầu trong 2 thập kỷ qua, khiến 1,23 triệu người chết (xấp xỉ 60.000 người mỗi năm) và ảnh hưởng đến 4 tỷ người.
Các quốc gia nghèo hơn có tỷ lệ tử vong cao hơn 4 lần so với các quốc gia giàu có. Cạnh đó, thảm họa thiên tai trong giai đoạn này cũng gây ra thiệt hại khoảng 2,97 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.
Hai mươi năm trước đó (giai đoạn 1980 - 1999), thế giới chứng kiến khoảng 4.210 thảm họa được báo cáo do thiên tai với 1,19 triệu người chết, hơn 3 tỷ người bị ảnh hưởng và thiệt hại kinh tế tổng cộng 1,63 nghìn tỷ USD.
Nguy cơ khí hậu tăng đột biến
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, sự gia tăng đáng kể các trường hợp khẩn cấp liên quan đến khí hậu là lý do chính dẫn đến sự gia tăng đột biến, với lũ lụt chiếm hơn 40% các thảm họa - ảnh hưởng đến 1,65 tỷ người, bão 28%, động đất 8% và nhiệt độ khắc nghiệt 6%.
UNDRR đưa tin, trên đây là bằng chứng rõ ràng nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2019 cao hơn 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp với các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng tần suất bao gồm nắng nóng, hạn hán, lũ lụt, động đất, bão và cháy rừng.
Reuters cho biết, tháng 9 vừa qua cũng là tháng nóng nhất trong lịch sử trên thế giới, với nhiệt độ bất thường ghi nhận ở nhiều nơi trên toàn cầu.
Đại dịch đã “đặt ra nhiều thiếu sót trong quản lý rủi ro thiên tai dù đã được cảnh báo nhiều lần”. Do đó, báo cáo của UNDRR khuyến nghị các chính phủ cần hành động khẩn cấp để quản lý tốt hơn những thảm họa chồng chéo như vậy.
Những nguy cơ cần giải quyết từ nghèo đói, biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, gia tăng dân số ở các địa điểm nguy hiểm, đô thị hóa không kiểm soát đến mất đa dạng sinh học.
Thảm họa là vậy, nhưng trên thực tế, chỉ có 93 quốc gia thực hiện các chiến lược rủi ro thiên tai ở cấp quốc gia trước thời hạn cuối năm.
Do đó, UNDRR cảnh báo, thế giới đang có xu hướng tăng nhiệt độ từ 3,2 độ C trở lên, trừ khi các quốc gia công nghiệp phát triển có thể giảm phát thải khí nhà kính ít nhất 7,2% hằng năm trong 10 năm tới để đạt được mục tiêu 1,5 độ C theo như Thỏa thuận Paris.
Việc phát triển nền kinh tế xanh, bền vững là xu hướng rất thiệt thực để giảm thiểu nhiều nguy cơ, thảm hỏa trên.