Tạo động lực bứt phá, phát triển bền vững

ĐINH VĂN ĐÀO (Nguyên Cục trưởng Cục Thống kê Quảng Nam) 09/10/2020 11:06

Quảng Nam những năm đến cần cơ cấu lại nền kinh tế với chiến lược phát triển mới, các chủ trương, chính sách đột phá. Trong đó cần định hướng, kiến tạo các động lực tăng trưởng mới; nâng cao chất lượng, hiệu quả nền kinh tế, trọng tâm là nâng cao năng suất lao động và thay đổi, bứt phá vùng nghèo. Quy hoạch phát triển từng vùng, theo hướng tích hợp đa ngành, lĩnh vực; đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo khả năng liên kết, lan tỏa phát triển hài hòa.

Cần tạo động lực mới để tiếp tục phát triển ngành dịch vụ - du lịch. Ảnh: H.Q
Cần tạo động lực mới để tiếp tục phát triển ngành dịch vụ - du lịch. Ảnh: H.Q

Động lực tăng trưởng mới

Thời gian tới, Quảng Nam cần phát triển nền nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện phân vùng quy hoạch sản xuất, phù hợp nhu cầu thị trường, điều kiện đất đai, cây trồng, vật nuôi gắn với liên kết doanh nghiệp ứng dụng công nghệ; tạo vùng nguyên liệu chế biến sâu. Vùng tây cần triển khai quy hoạch tổng thể; đầu tư xây dựng phát triển vùng nguyên liệu trồng rừng gỗ lớn gắn với hình thành các cụm ngành động lực trọng điểm như: khu công nghiệp chế biến nông lâm sản cấp vùng (Hiệp Đức và Trung Mang - Đông Giang); quy hoạch đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ phát triển vùng dược liệu phục vụ chế biến (trồng sâm Ngọc Linh, ba kích...). Phát triển kinh tế trang trại doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đầu tư mới khu nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao (chăn nuôi, trồng trọt năng suất cao, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường).

Vùng Đông quy hoạch vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là vùng ven sông Trường Giang (Tam Kỳ - Thăng Bình - Duy Xuyên) thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất, hình thành cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao, chuyên canh cây thực phẩm. Vùng đồng bằng ổn định quy mô diện tích 2 vụ lúa nước/năm, sản xuất lúa giống thâm canh năng suất cao; vùng chuyên canh cây hàng năm. Tăng cường đầu tư phát triển đội tàu xa bờ, hậu cần cảng cá, cơ sở chế biến và quy hoạch vùng nuôi tôm, ứng dụng công nghệ, năng suất cao, an toàn dịch bệnh vùng ven biển... Đó là hướng chuyển đổi hiệu quả, góp phần gia tăng năng suất, quy mô giá trị và chất lượng tăng trưởng nền nông nghiệp của tỉnh.

Về công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Vùng Đông cần quy hoạch, đầu tư hạ tầng kết nối, hình thành các cụm ngành động lực mới (dọc hành lang kinh tế ven biển – quốc lộ 14E, 14G, 40B…). Vùng Tây xây dựng hai khu công nghiệp tập trung chế biến nông lâm sản (Hiệp Đức, Trung Mang -  Đông Giang); khu chế biến dược liệu (có thể ở Tiên Phước); các cụm công nghiệp, dịch vụ mới dọc theo các hành lang giao thông nêu trên. Mở rộng quy mô đầu tư các khu công nghiệp và đầu tư mới khu công nghiệp tập trung chế biến sâu về nông sản (Khu kinh tế mở Chu Lai); đầu tư mới khu công nghiệp công nghệ thông tin theo Đề án kinh tế số (Tam Thăng - Tam Kỳ); đầu tư hạ tầng kết nối các khu công nghiệp vùng giữa với phía Nam của tỉnh (Đông Quế Sơn – Hà Lam -  Chợ Được - Tam Thăng); các cụm công nghiệp phía tây quốc lộ 1, 14E, 40B, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến sâu, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, phục vụ chuyển đổi giảm gia công, khai khoáng thô, nâng cao hiệu quả nền công nghiệp của tỉnh.

Phát triển du lịch bất động sản nghỉ dưỡng và chuỗi đô thị du lịch vùng Đông Nam ven biển của tỉnh. Phát huy lợi thế về hạ tầng kết nối (tuyến đường Đà Nẵng - Hội An - Tam Kỳ - Chu Lai và quốc lộ 1, cao tốc); các đô thị vùng (Đà Nẵng, Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ); trung tâm du lịch vùng hai di sản văn hóa thế giới (Hội An, Mỹ Sơn) và Khu kinh tế mở Chu Lai. Tăng tốc đầu tư hạ tầng đô thị Bình Minh (ven biển Thăng Bình), vùng đông Tam Kỳ, đô thị Núi Thành và Tam Hòa. Vùng này triển vọng phát triển thành cực tăng trưởng mới liên vùng của tỉnh về công nghiệp, dịch vụ du lịch và đô thị hóa, cần bổ sung quy hoạch du lịch vùng tây nam Tam Kỳ (Phú Ninh, Tiên Phước, Trà My) và Núi Thành (Tam Hải, Biển Rạng - Hội An - Lý Sơn và du lịch sinh thái Tam Mỹ Tây), liên hoàn tuyến du lịch vùng Đông ven biển và đô thị tỉnh lỵ Tam Kỳ.

Phát triển du lịch tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Lợi thế về giao thông đường Hồ Chí Minh và các tuyến kết nối thuận lợi (các quốc lộ 14B, D, E, G, H, các ĐT, kết nối Tây Nguyên, Đà Nẵng, ven biển). Tỉnh cần có chủ trương đầu tư xây dựng cụm công trình quy mô lớn như tượng đài và di tích lịch sử Trường Sơn huyền thoại, tạo động lực đột phá du lịch vùng Tây. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch sinh thái, kết nối với các làng du lịch cộng đồng (Khâm Đức, Thạnh Mỹ, Đông Giang, Tây Giang), và các tuyến du lịch sinh thái làng quê, vườn đồi đặc trưng vùng Trung Tây của tỉnh (Tiên Phước, Hiệp Đức, Quế Sơn, Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc...). Đẩy mạnh liên kết vùng Đông - Tây, để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, trở thành động lực của nền kinh tế. Tập trung đầu tư đào tạo nâng cao tiềm lực, chất lượng nhân lực nghiên cứu và triển khai; hình thành các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng chuyên sâu một số lĩnh vực quan trọng; phục vụ các mũi nhọn; các động lực tăng trưởng của nền kinh tế đã nêu trên. Trước hết là công nghệ gen về giống nông nghiệp, sinh học, các mô hình chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, y học điều trị, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, kinh tế số...

Đẩy mạnh chương trình giảm nghèo, phát triển bền vững

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia nông thôn mới, giảm nghèo bền vững với những điều chỉnh hướng đầu tư gắn trực tiếp lên cộng đồng; hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo tại các địa bàn khó khăn, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và giảm nghèo bền vững. Mỗi huyện miền núi cần có đề án cụ thể, khả thi đến tận cơ sở, hộ nghèo. Thay đổi phương thức đầu tư theo hướng hỗ trợ và lồng ghép nguồn lực các đề án tạo sinh kế cộng đồng.

Thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, xây dựng, triển khai các kế hoạch hành động, tăng cường lồng ghép nguồn lực; thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh tác động thiên tai, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Tập trung đầu tư công trình và phi công trình; quản lý tổng hợp, kiểm soát nguy cơ cao sạt lở đất miền núi, ven sông, ven biển, vùng trũng thấp và hạn chế tác động “nhân tai”. Tại các vùng dự án động lực, tập trung đúng mức quản lý tài nguyên; đầu tư hạ tầng; công tác giải tỏa, tái định cư, tạo quỹ đất, mặt bằng thuận lợi triển khai nhanh các dự án. Đồng thời có các giải pháp đồng bộ quản lý, kiểm soát tình trạng vi phạm xây dựng, gây xâm hại đến môi trường.

Tỉnh cần xây dụng các cơ chế chính sách đặc thù vùng. Đối với vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc; nhất là cơ chế lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ ngân sách cho các mục tiêu ưu tiên quan trọng (cơ chế hỗ trợ xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng; tạo sinh kế gắn với chính sách thụ hưởng từ bảo vệ rừng; các mô hình khởi nghiệp ở miền núi...). Tăng cường đầu tư và có chính sách bảo đảm an sinh xã hội; cải thiện chất lượng giáo dục, y tế cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có cơ chế để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư liên kết, đào tạo nhân lực và triển khai các dự án, mô hình tạo sinh kế, việc làm cho cộng đồng vùng đồng bào dân tộc khó khăn.

Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển, hỗ trợ các vùng động lực tăng trưởng mới. Tạo khung pháp lý về cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư công về hạ tầng, tài trợ có mục tiêu, các đề án phát triển động lực; cơ chế huy động nguồn lực xã hội hóa từ các thành phần kinh tế, hợp tác đầu tư công tư (PPP)... Trong nông nghiệp, cần thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, năng suất thấp; hình thành các mô hình, khu sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, phải có quỹ đất tập trung, đủ lớn, thuận lợi về hạ tầng… Tỉnh cần có chú trương chính sách và giải pháp toàn diện, đột phá về tích tụ ruộng đất.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) sẽ tổng kết những thành tựu, hạn chế; hoạch định chiến lược phát triển mới; xác lập các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển; xác định các đột phá. Với thế và lực mới, vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ, thuận lợi mới, khơi dậy sức dân, toàn tỉnh bước vào thời kỳ phát triển mới, tin tưởng rằng, trong những năm đến, Quảng Nam sẽ thực hiện thành công nghị quyết đại hội, lập nên những kỳ tích mới, xây dựng quê hương đất Quảng trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; giàu đẹp và nghĩa tình.

ĐINH VĂN ĐÀO (Nguyên Cục trưởng Cục Thống kê Quảng Nam)