Tinh thần vùng cao
(QNO) - Hàng chục thanh niên ở xã A Xan (Tây Giang) thay nhau khiêng người bệnh vượt rừng đi cấp cứu; các bác sĩ góp sức dọn dẹp nhà cửa cho đồng nghiệp bị ngập lũ và nhiều câu chuyện cảm động khác nữa được kể ăm ắp tình người…
Xuyên đêm, khiêng người bệnh
Sau lũ, tuyến đường lên 4 xã biên giới Tây Giang bị sạt lở nghiêm trọng. Xe cộ không thể lưu thông. Trong thời gian ấy, chị Cơlâu Thị Nhút (trú xã A Xan) bị đau bụng dữ dội kèm theo sốt cao. Không thể dùng xe chở đi cấp cứu, gần 20 thanh niên địa phương dùng cáng thay phiên nhau khiêng chị Nhút vượt qua quãng đường cả chục cây số xuống trung tâm huyện cấp cứu.
Ông Ta Ngôn Thiếu - Chủ tịch UBND xã A Xan cho biết, chị Nhút là người xã Tr’Hy nhưng lấy chồng tại A Xan. Trước đó, chị Nhút được đưa đến Trạm Y tế xã A Xan thăm khám. Các y sĩ nhận định bị ruột thừa viêm. Do địa phương bị mất điện, thiết bị không đủ để tiến hành phẫu thuật nên buộc phải chuyển lên tuyến trên.
Anh Pơloong Hùng (chồng Nhút) nhớ lại, ngày 19.9, sau bữa cơm chiều, chị Nhút đau bụng dữ dội. Thời điểm này đường từ thôn đến trung tâm xã, rồi xuống huyện đều bị sạt lở nên không thể di chuyển bằng xe máy. Không còn cách nào khác, Hùng huy động thanh niên trong làng giúp khiêng vợ xuống huyện cấp cứu. Xuất phát từ 20 giờ tối 19.9, nhưng do đường lầy lội khó đi, đến rạng sáng 20.9 mới đến nơi.
Sau lũ, nhiều đoạn đường bùn lầy ngập trên đầu gối. Anh em phải chặt những khúc cây ngã gãy bên đường để lót tạm làm bàn đạp bước qua. Người khiêng, người dò đường. Trong đêm tối, hiểm nguy chực chờ.
Hỗ trợ đồng nghiệp
Nhiều ngày trước, mưa lũ khiến hơn nửa căn nhà của bác sĩ Pơloong Lốp - cán bộ Trung tâm Y tế huyện Tây Giang bị ngập, nhiều tài sản hư hỏng. Bùn đất nhão nhoẹt ngập đầy nhà. Để kịp thời hỗ trợ động viên, trung tâm đã vận động quyên góp, rồi trực tiếp đến từng gia đình đồng nghiệp bị thiệt hại để chia sẻ, cùng chung tay khắc phục.
Bác sĩ Nguyễn Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang cho biết, sau khi lũ rút, bên cạnh triển khai công tác đảm bảo nhân lực làm nhiệm vụ sơ, cấp cứu, đơn vị còn huy động lực lượng cán bộ trẻ tham gia công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ gia đình cán bộ địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Nhiều ngày qua, hàng chục cán bộ trung tâm và nhân viên y tế cộng đồng tham gia hỗ trợ công tác sơ, cấp cứu người bệnh; góp sức dọn dẹp nhà cửa giúp đồng nghiệp sớm ổn định cuộc sống. “Riêng tại các xã bị cô lập như A Nông, A Xan, Ga Ry… ngoài tập trung tuyến, chúng tôi chỉ đạo làm nhiệm vụ theo phương châm tại chỗ, đảm bảo song song giữa cứu chữa người bệnh với công tác tham gia khắc phục sự cố, nhất là tiến hành phun thuốc khử trùng sau lũ” - bác sĩ Thông nói.
Tại các nơi bị ảnh hưởng, cùng với lực lượng liên ngành, các tình nguyện viên áo trắng miệt mài khiêng vác từng vật dụng, trang thiết bị bị lũ cuốn đến vị trí an toàn; tham gia xịt rửa, lau dọn bùn đất, xử lý môi trường.
Trước đó, Trung tâm Y tế huyện Tây Giang cũng đã tổ chức biểu dương, khen thưởng hành động tham gia cứu người dân bị mắc kẹt trong đợt mưa lũ của anh Yđêl Sơn - Phó Trưởng khoa Y tế dự phòng.
San sẻ trong hoạn nạn
Vài ngày trước, dù trong thôn cũng bị ngập lũ, nhưng nhiều thanh niên ở Tà Vàng (xã A Tiêng, Tây Giang) vẫn tình nguyện sang tận thôn Z’rượt (xã A Nông) để giúp bà con khắc phục lũ.
Bà Bh’ling Akêu - Trưởng thôn Tà Vàng cho biết, trước đây Z’rượt thuộc xã A Tiêng, nhưng sau khi sáp nhập hành chính cấp thôn, Z’rượt thuộc A Nông. Dù khác xã, nhưng nhiều năm qua, hai thôn vẫn duy trì kết nghĩa, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. “Mấy ngày nay, do cây cầu về thôn Z’rượt đã bị gãy nên việc đi lại của bà con hết sức khó khăn.Vì thế, mình huy động cả làng đến giúp Z’rượt, chia sẻ với nhau lúc khó khăn, hoạn nạn” - bà Akêu nói.