Thiết thực mô hình "dân vận khéo"

HOÀNG LIÊN - THU PHƯƠNG 17/09/2020 06:06

Những năm qua, phong trào “Dân vận khéo” tại huyện Nông Sơn được xem là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Phong trào từng bước đi vào chiều sâu, xuất hiện nhiều mô hình thiết thực.

Ban CHQS huyện Nông Sơn triển khai công tác dân vận với nhiều hoạt động thiết thực. Ảnh: T.PHƯƠNG
Ban CHQS huyện Nông Sơn triển khai công tác dân vận với nhiều hoạt động thiết thực. Ảnh: T.PHƯƠNG

Thắm tình quân dân

Hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo” và xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”, Đảng ủy - Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Nông Sơn chú trọng triển khai công tác dân vận và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trung tá Ngô Hồng Vân - Chính trị viên Ban CHQS huyện Nông Sơn cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, Ban CHQS huyện hỗ trợ cho 3 hộ nghèo theo chủ trương xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ giúp người dân thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng công trình đoàn kết quân dân cho địa phương kết nghĩa; duy trì thường xuyên “Hũ gạo vì người nghèo”; đóng góp ủng hộ quỹ “Ngày vì người nghèo”... với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng. Đơn vị còn làm tốt công tác hậu phương quân đội, vận động hỗ trợ xây dựng 6 nhà tình nghĩa, tình thương, nhà đồng đội với tổng số tiền 420 triệu đồng...

Công tác dân vận được lồng ghép trong các đợt huấn luyện khung cán bộ dự bị động viên Tiểu đoàn 116 huyện Nông Sơn với những việc làm hiệu quả, thiết thực như: giúp dân dọn vệ sinh, phát quang cây bụi phòng chống sốt xuất huyết, sửa chữa nhà ở cho hộ gia đình khó khăn; tặng quà, cắt tóc, giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn; tham gia sửa chữa, xây dựng khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ…

Đại úy Phan Thành Xuyên - Trợ lý tham mưu Tiểu đoàn 116 huyện Nông Sơn chia sẻ: “Bên cạnh công tác huấn luyện nâng cao nghiệp vụ thì bản thân tôi thấy công tác dân vận cũng rất quan trọng và có nhiều ý nghĩa. Việc giúp đỡ các gia đình khó khăn, hộ gia đình chính sách đã tạo động lực cho các hộ vươn lên trong cuộc sống. Cùng với đó bằng các việc làm cụ thể của tiểu đoàn đã góp sức chung tay phát triển kinh tế, chung tay xây dựng nông thôn mới, gắn kết tình quân dân”.

Đa dạng cách làm

Được sự hỗ trợ của Ban CHQS huyện Nông Sơn, anh Lê Ngọc Thanh đã có điều kiện xây dựng được căn nhà kiên cố, khang trang tại thôn Dùi Chiêng 2 (xã Phước Ninh). Căn nhà được xây dựng trên diện tích gần 70m2 với tổng kinh phí 140 triệu đồng. Trong đó, Ban CHQS huyện hỗ trợ 50 triệu đồng. Từ khi có nhà “Nghĩa tình đồng đội”, cuộc sống gia đình anh ổn định hơn, không còn nơm nớp lo lắng bão lũ. “Có được nơi ở ổn định gia đình tôi rất mừng, có động lực vươn lên làm ăn. Từ nay mưa bão, lũ lụt cũng không lo lắng như trước nữa” - anh Thanh xúc động nói.

Tại đợt tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con của đoàn Quân - dân y huyện cách đây không lâu, ông Phạm Minh Lễ (thôn Dùi Chiêng 2, xã Phước Ninh) là một trong những cụ già được thăm khám, cấp thuốc miễm phí. Ông Lễ nói: “Phước Ninh là xã vùng xa, việc đi lại rất khó khăn, nhất là người già chúng tôi. Được các anh bộ đội về khám bệnh cho nhân dân, chúng tôi rất vui mừng”.

Ông Nguyễn Bảy - Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nông Sơn nhìn nhận, qua 10 năm triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”, toàn huyện có 29 mô hình, điển hình thuộc các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng chính trị... Trên lĩnh vực kinh tế có các mô hình hiệu quả như mô hình “Vận động nhân dân phát triển kinh tế rừng, kinh tế trang trại”; “HTX, tổ hợp tác phát triển kinh tế”; “Vận động thanh niên lập thân, lập nghiệp; “Vận động nhân dân hiến đất, cây cối, vật kiến trúc xây dựng nông thôn mới”; “Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi”... Thực tiễn đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào được khen thưởng, vinh danh, nhiều mô hình được nhân rộng trong thực tiễn.

Theo ông Nguyễn Bảy, để phong trào thi đua “Dân vận khéo” đi vào chiều sâu, có hiệu quả thì phong trào phải được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, nhất là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị. Mặt khác, cán bộ, đảng viên phải nêu gương, phải gần dân, sát dân, “nói đi đôi với làm”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, có như vậy mới nêu gương, mới thu hút sự tham gia, hưởng ứng của quần chúng nhân dân.Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phải đa dạng và xuất phát từ tình hình, đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị...

HOÀNG LIÊN - THU PHƯƠNG