Thấp thỏm đường thủy nội địa
Hàng loạt vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa (ĐTNĐ) được Ban ATGT tỉnh liệt kê, tiêu biểu là bến thủy không phép, không đáp ứng quy định khai thác, phương tiện hết hạn đăng ký, đăng kiểm; thuyền viên, người điều khiển vi phạm về trọng tải, tiêu chuẩn. Đây đang là “sóng ngầm” khiến sông nước chưa bao giờ yên.
Hai vụ tai nạn đường thủy đặc biệt nghiêm trọng khiến 11 người tử vong vào ngày 25.2 và ngày 8.5 lại gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề quản lý hoạt động và an toàn phương tiện thủy gia dụng. Chưa bao giờ, nguy cơ tai nạn sông nước lại hiển hiện khắp nơi như hiện nay.
Ngoài phương tiện thủy gia dụng vẫn đang loay hoay tìm giải pháp quản lý, xử lý cho phù hợp thì chế tài xử phạt vi phạm trật tự ATGT liên quan đến cảng, bến thủy nội địa, chủ khai thác mỏ cát, phương tiện, thuyền viên hay người điều khiển phương tiện ĐTNĐ đã có nhưng việc kiểm tra, xử lý từ phía cấp thẩm quyền địa phương lại chưa nghiêm. Thế nên trên nhiều tuyến sông, những chuyến ghe chở cát quá vạch mớn nước (quá tải trọng) ngang nhiên qua lại. Thuyền viên, người điều khiển chưa đáp ứng về điều kiện, tiêu chuẩn chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận máy trưởng, thuyền trưởng vẫn không ngần ngại cầm lái.
Tại nhiều địa phương, bến khách ngang sông phục vụ đi lại của nhân dân trong vùng hình thành từ lâu, song chưa có giấy phép hoạt động. Người dân sử dụng tàu cá để vận chuyển khách du lịch tham quan quanh đảo Cù Lao Chàm (Hội An), mõm Bàn Than (Núi Thành) cũng chưa thấy bị “tuýt còi”. Tại đô thị Hội An, “sóng ngầm” đang rình rập thuyền ở làng gốm Thanh Hà, Cẩm Thanh chưa được phép nhưng cố tình chở khách tham quan.
Những hành vi trên nếu tiếp tục tái diễn, nhất là trong mùa mưa sẽ đe dọa nghiêm trọng trật tự ATGT trên ĐTNĐ. Chính vì vậy, các lực lượng chức năng, trực tiếp là chính quyền địa phương cần xử lý nghiêm vi phạm theo Nghị định số 132/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ. Chẳng hạn, đổ rác hoặc rơm, rạ xuống ĐTNĐ, vùng nước cảng, bến thủy nội địa thì phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 200 nghìn đồng. Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng người nào đánh bắt thủy sản, hải sản lưu động gây cản trở giao thông. Đưa phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 5 tấn hoặc có sức chở đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người vào hoạt động mà không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ dụng cụ an toàn theo quy định sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 200 nghìn đồng.
Theo điều 34 Nghị định 132, chủ tịch UBND cấp xã được quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 5 triệu đồng; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 5 triệu đồng; buộc khôi phục tình trạng ban đầu; buộc tháo dỡ phần công trình, nhà, nhà nổi, lều quán xây dựng không đúng quy định.