Cao hơn đá núi

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 09/08/2020 04:09

Nắng quái đâm xiên vạt đồi, hắt lên thứ màu huyền nhiệm của chiều. Chúng tôi đứng trên đồi cao, nhìn xuống ngôi làng bên con đường xẻ ra từ vách núi, thấy khói bếp bảng lảng bay lên như quyện vào ráng chiều, hắt bóng những người đàn bà từ rẫy trở về, lưng gùi đầy củi. Không phải dáng người oằn mình trĩu nặng, tất tả ở những người đàn bà xứ núi thường gặp, mà ở đây, cảm giác thật yên bình…

Những căn nhà khang trang đã được dựng lên ở khu tái định cư Kà Dâu, giúp người dân ổn định cuộc sống. Ảnh: N.C
Những căn nhà khang trang đã được dựng lên ở khu tái định cư Kà Dâu, giúp người dân ổn định cuộc sống. Ảnh: N.C

1. Nhà của Alăng Ngọ - Bí thư Chi bộ thôn Kà Dâu (xã Zà Hung, Đông Giang) nằm ngay chân dốc, chưa kịp lắp cửa. Anh đánh trần bào gỗ, tấm lưng đen trùi trũi lấm tấm mạt cưa. Nghe tiếng chào, anh ngẩng lên nhìn, mất mấy giây để “nhận diện” rồi tắt máy cưa, mời chúng tôi vào nhà. Trải chiếu, rót nước xong, lại biến mất vài phút. Quay lại, đã tươm tất cứ như cái người vừa đánh trần bào gỗ ngoài kia với người ngồi trước mặt là hai người khác nhau. Không lạ. Người Cơ Tu ở đâu hình như cũng vậy, hiếu khách như một sự mặc định, chưa cần biết cái người lạ vừa đến là ai, đến để làm gì, tuyệt nhiên không nhìn thấy chút hoài nghi nào dù chỉ là trong ánh mắt.

Căn nhà của Ngọ đã làm được vài tháng. Dỡ nhà cũ, mang lên dựng cái bếp, rồi cứ thế túc tắc làm dần. Bà con trong xóm chung sức nhau làm từng nhà như thế, hết nhà này, lại xoay sang nhà khác, đổi công. Bắt đầu từ năm 2018, khi chủ trương tái định cư ra đời, đến giờ đã có hơn nửa làng di dời từ nơi cũ sang nơi mới, những mái tôn sáng lần lượt mọc lên lấp đầy cả vạt đồi. Ngọ kể, trước đây bà con ở làng cũ, cách đó chừng vài cây số. “Nhà ở làng cũ không đến nỗi xập xệ, nhưng mà sợ. Trên đầu, trên lưng là đá. Lổn ngổn đá to, đá nhỏ. Ở thành quen, nhưng không hết sợ. Mưa ở núi dữ lắm. Có khi mưa ầm ầm đổ xuống, nghe tiếng mưa đổ xuống tôn mà nóng ruột. Sạt lở chừ đâu phải chuyện hiếm. Làng A Điêu của xã A Rooi, mấy năm trước từng bị một trận lở vùi hẳn hàng chục nhà, chỉ kịp quơ mấy cái ché, cái nồi quăng vào gùi rồi chạy” - anh vừa nói, vừa chỉ tay về phía ngọn núi xa trước mặt.

Về nơi ở mới, đồng bào Cơ Tu ở Kà Dâu giúp nhau trong việc phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: N.C
Về nơi ở mới, đồng bào Cơ Tu ở Kà Dâu giúp nhau trong việc phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: N.C

Hiểm nguy rình rập, bà con họp nhờ cán bộ thôn báo cáo lên xã. Xã báo lên huyện, xin chủ trương tái định cư. Chỗ bà con chỉ, là đồi Axanh. Phương án tái định cư được khảo sát, đánh giá, huyện đồng ý chủ trương, bắt đầu vận động để đầu tư hạ tầng. Bà con ủng hộ ngay tắp lự. Từ việc những nhà có rẫy nằm trên đồi Axanh đồng ý hiến toàn bộ cây cối đất rẫy, vốn đang trồng quế, trồng keo mà chưa thu hoạch. Vài chục, vài trăm, thậm chí vài nghìn mét vuông, cả ngọn đồi Axanh với tổng diện tích gần 4ha trở thành “điểm đến” của cuộc di dân thôn Kà Dâu sau vài cuộc họp phổ biến chủ trương, vận động của chính quyền. Không lâu sau khi có mặt bằng, những nhà đầu tiên bắt đầu lên dựng bếp, thắp sáng niềm tin ấm no an bình nơi sắp dựng cuộc sống mới. Bếp lửa đỏ, đánh dấu cho sự ra đời của một làng mới…

2. Chuyện hiến đất của người vùng cao từ lâu đã không còn hiếm. Con số trong các báo cáo thường là diện tích đất, là tổng số cây trồng, ao cá, là những nền nhà cũ mà chủ nhân tình nguyện dỡ bỏ để rời đi, nhường lại cho cộng đồng. Định giá cho những con số đó bằng tiền, sẽ là khập khiễng với những “tấc đấc tấc vàng” dưới xuôi, nhưng nếu so với mồ hôi của bao tấm lưng còng đổ xuống đất rừng, so với công sức để dựng từng mái nhà, chăm từng gốc cây, thì khác gì… nước hồ thủy điện. Mà họ đâu có kêu ca. Những thỏa thuận, cũng chỉ là một nền nhà ở nơi mới. Vậy thôi, như bao nhà khác.

Những người được đến ở trên mảnh đất của chính bà con mình nhường lại thì có cách “đền bù” khác đầy tình cảm: trả công. Họ phụ dỡ nhà, phụ dựng lại nhà mới. Mồ hôi trả bằng mồ hôi. Ân tình, trả bằng những ân tình. Nơi này cũng vậy. “Bà con vui vẻ lắm. Ai lên trước dựng nhà bếp trước. Dỡ nhà cũ, khiêng vác từng cây cột, đan từng tấm vách. Xong nhà này lại qua nhà khác, chủ nhà thết đãi một bữa cơm rượu đơn sơ. Số tiền địa phương hỗ trợ cho mỗi hộ là 23 triệu đồng theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, thật ra cũng không đủ vì giá cả vật liệu xây dựng ngày càng đắt đỏ. Cứ tùy theo điều kiện, khó quá thì cả làng lại xúm vào giúp, to nhỏ gì cũng có một mái nhà, yên tâm mà làm lụng” - Alăng Ngọ nói thêm về chuyện rời đi của dân làng.

Ngọ cũng hiến hơn 5.000 mét vuông trồng keo và quế, được Nhà nước hỗ trợ 50% giá trị cây trồng, đổi lại là một nền nhà để có nơi che chắn khỏi mưa núi, lũ rừng. Thoát khỏi nỗi lo là những hòn đá núi treo lơ lửng trên đầu, đã là một sự “đền bù” mà tất thảy đều chấp nhận, hài lòng. Anh kể lại chuyện cũ, rằng mỗi lần họp dân, tới từng nhà nhắc, đến lúc tổ chức cuộc họp cũng không bao giờ đủ vì nhà cửa thưa thớt, đường tối, bà con không đến. Giờ thì đường sá rộng rãi, ô tô vào tới nơi, điện đường sáng choang. Lên làng mới, vận động dễ dàng hơn hẳn nơi cũ, từ chuyện làm nhà vệ sinh, dọn dẹp cảnh quan, tập kết rác đúng nơi đúng chỗ. Có ba hộ dân từ chỗ chỉ làm rẫy, trồng rừng, nay mở quán bán buôn tạp hóa trong làng. An cư thực sự đã mở lối cho một đời sống khác, một nếp nghĩ khác.

3. Chưa hết hẳn những lam lũ trong cuộc sống thường nhật, nhưng yên bình ở Kà Dâu như một cái kết đẹp cho sự đồng hành của người dân và chính sách. Tiếng nói, từ phía bao nóc nhà cơ cực đã được lắng nghe. Và mở lối. Ông Bh’nướch Bíp - Chủ tịch UBND xã Zà Hung thông tin, chính quyền đã chú trọng đến việc xây dựng hạ tầng cơ sở, nhiều hạng mục công trình dân sinh thành hiện thực như đường bê tông, kè dốc, điện đường, bể chứa nước tự chảy… tạo nên một bước chuyển mới trong diện mạo của thôn Kà Dâu nói riêng, trở thành một điểm nhấn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương. Niềm tin cũng lớn lên, từ đó.

Chúng tôi hỏi về sinh kế của dân, về bài toán thoát nghèo và cả những ngóng đợi đang còn dở dang, câu trả lời là cái tên người này, người kia, rất thật, đến mức bà con đếm từng con bò con heo, từng hecta trồng keo, trồng chuối… Kiếm ra tiền, và hưởng thụ thành quả từ chính sự chắt chiu dựa vào rừng, vào sức lao động, bớt trông chờ vào chính sách hỗ trợ, một cuộc đổi thay hiện hữu trong nếp nghĩ đồng bào, sau những đổi thay về nơi ở, về cuộc sống hiện tại. “Về nơi ở mới này, người dân yên tâm hơn rất nhiều so với nơi ở cũ. Bởi nỗi lo về sạt lở, về thiên tai bão lũ đã kịp thời được giải quyết. Nhà cửa từng ngày được xây dựng, nhiều thanh niên đã bắt đầu xuống các khu công nghiệp để lao động kiếm thêm thu nhập, nâng cao cuộc sống. Ai cũng phấn khởi, chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế. Chuối, keo ngày một được trồng nhiều hơn, gia trại, trang trại cũng theo đó mà càng mở rộng, giúp Kà Dâu dần đổi thay rõ nét” - ông Bíp nói.

Chiều hắt nắng qua đồi Axanh kỳ ảo lạ thường. Làng mới Kà Dâu yên bình giữa xanh thẳm của rừng. Khang trang và vững chãi. Đâu chỉ có những nóc nhà, rời làng cũ, nếp nghĩ cũng thoát khỏi những đè nặng âu lo, tù mù về sinh kế. Chở che cho họ, là ngôi nhà mới kiên cố, là rừng xanh, và nhiều hơn thế. Bếp lửa an bình, những tấm lưng bớt gập cúi chịu đựng khó nghèo, Kà Dâu giờ cao hơn đá núi…

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC