Tiếp tục đối phó Covid-19

NAM VIỆT 01/08/2020 06:36

Nhiều quốc gia từ Á đến Âu ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh trở lại, buộc phải tái áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để khống chế dịch bệnh. Lúc này, việc sản xuất vắc xin phòng Covid-19 có nhiều tiến triển.

Châu Âu chuẩn bị ứng phó làn sóng nhiễm corona mới khi dịch bệnh bùng phát vào thời điểm hàng triệu người đang du lịch khắp lục địa với kỳ nghỉ hè. Nhiều nước châu Âu cho biết có thể phong tỏa các khu vực nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát tốt trong tuần này, bên cạnh thực hiện giãn cách xã hội. Thậm chí, Chính phủ Bỉ cảnh báo nước này có thể sẽ được đặt vào tình trạng “phong tỏa hoàn toàn” lần thứ hai sau khi ghi nhận số ca nhiễm tăng vọt.

Đầu tuần này, Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmè công bố một loạt biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn để chống Covid-19. Bà Sophie Wilmè nói: “Nếu chúng ta không thể làm suy yếu con vi rút corona, đây sẽ là một thất bại tập thể”. Cũng như Pháp, nước Bỉ đang lo ngại một làn sóng dịch mới, trước tình hình các ca nhiễm corona tăng 90% từ giữa tháng 7 đến nay sau khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ trước đó. Còn Thủ hiến bang Saxony (Đức) Michael Kretschmer cho rằng: “Làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 đã là đây rồi”. Cơ quan y tế của Đức báo cáo khoảng gần 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong những ngày gần đây.

Tại châu Á, những quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ có số ca nhiễm mới  Covid-19 liên tục tăng. Đáng chú ý, các ca nhiễm không liên quan đến người trở về từ nước ngoài đạt con số cao nhất. Như Trung Quốc ghi nhận hàng chục ca nhiễm mỗi ngày, mức cao nhất kể từ giữa tháng 4 do các cụm dịch bùng phát ở Tân Cương, Liêu Ninh và Cát Lâm. Hồng Kông (Trung Quốc) công bố một loạt hạn chế bao gồm lệnh cấm ăn uống tại nhà hàng và đeo khẩu trang khi ra ngoài, nếu không sẽ bị phạt 5.000 HKD (khoảng 15 triệu đồng), cấm mọi hoạt động tụ tập quá 2 người bởi chỉ trong hơn hai tuần qua đã có hơn 1 ngàn ca nhiễm mới. 

Theo đài Úc, Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews mới đây lên tiếng kêu gọi những người trẻ tuổi trên khắp tiểu bang nên hành động đúng đắn để khống chế dịch, nếu không, các quy tắc giãn cách xã hội sẽ bị siết chặt hơn. Chính quyền bang Victoria khuyến cáo lệnh phong tỏa sơ khởi 6 tuần có thể sẽ kéo dài thêm khi các ca nhiễm tăng mạnh. Tại Nhật Bản, việc một số khu vực ngoài Tokyo có số ca mới tăng đột biến dẫn đến những lo ngại rằng dịch bệnh sẽ tăng nhanh và rộng ra toàn quốc.

Trong khi đó, vắc xin phòng chống Covid-19 triển vọng nhất của Mỹ do công ty Moderna sản xuất đang bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối. Theo thông báo của giới chức Mỹ, vào cuối năm nay, vắc xin này có thể sẵn sàng cho sử dụng rộng rãi sau khi Moderna thông báo khởi sự thử nghiệm trên 30 ngàn người để chứng tỏ vắc xin hiệu quả và an toàn trước khi được cấp phép về luật lệ. Moderna cho biết có thể sản xuất 500 triệu liều mỗi năm và đẩy lên tới 1 tỷ liều/năm. Mỹ đã tăng gấp đôi chi tiêu cho vắc xin phòng corona mới tiềm năng - gần 1 tỷ USD. Còn Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Thái Lan (NRCT) cho biết, một loại vắc xin Covid-19 dự kiến ​​sẽ được cung cấp cho công chúng vào giữa năm tới với giá 620 baht mỗi mũi. Đồng thời Bộ trưởng Y tế Công cộng Anutin Charnvirakul tiết lộ chính phủ đã phân bổ 3,5 tỷ baht để hỗ trợ nghiên cứu và đầu tư vắc xin.

Như vậy tính đến nay, thế giới có khoảng 30 loại vắc xin đang được thử nghiệm trên người.

NAM VIỆT