Tin ở ngày mai
Không nghĩ về du lịch như một “giấc mơ” xa xăm, rất nhiều định hướng được huyện Bắc Trà My cụ thể hóa bằng những bước đi chậm nhưng chắc, để câu chuyện làm du lịch gần hơn với tầm tay. Bắt nguồn từ nỗ lực bảo tồn văn hóa, phát huy các giá trị sẵn có về sinh thái, lịch sử, quyết tâm đưa du lịch thành một mảng mới đóng góp giá trị vào nền kinh tế đã và đang được khởi nguồn.
Gần hơn với kỳ vọng
Dù chỉ mới đón chừng vài nghìn lượt khách tham quan lưu trú mỗi năm, nhưng bằng sự ra đời của Đề án phát triển du lịch huyện giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030, ghi dấu một cái nhìn nghiêm túc và quyết tâm đầu tư cho câu chuyện làm du lịch của Bắc Trà My.
Theo đánh giá, trên địa bàn huyện có khá nhiều lợi thế để phát triển song song các loại hình du lịch. Bên cạnh quần thể Khu di tích lịch sử Trung Trung bộ - Nước Oa, huyện Bắc Trà My còn có cảnh quan thiên nhiên vô cùng đa dạng, phong phú như lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, hệ thống các suối, thác hùng vĩ, nguyên dạng.
Ngoài ra, bản sắc văn hóa các tộc người qua những lễ hội truyền thống còn lưu giữ như tục ăn trâu huê, mừng lúa mới; các làn điệu dân ca, dân vũ của bà con đồng bào dân tộc thiểu số là điểm nhấn trong chuỗi những tài nguyên du lịch của địa phương.
Tháng 3.2019, chính quyền các địa phương gồm Tiên Phước, Bắc Trà My và Nam Trà My cùng ngồi lại bàn tính chuyện xây dựng mối liên kết vùng trong phát triển du lịch. Rất nhiều nội dung được những địa phương này thống nhất, tạo tiền đề cho du lịch bằng tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, xây dựng các mô hình đặc trưng, có tính hấp dẫn cao để xác lập vị thế của chuỗi điểm đến mới nơi vùng tây nam Quảng Nam.
Các dịch vụ mũi nhọn được xác định bao gồm du lịch sinh thái, du lịch khám phá bản sắc văn hóa đặc trưng làng quê xứ Quảng, văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, du lịch khám phá đỉnh Ngọc Linh gắn với trải nghiệm vùng Sâm Ngọc Linh. Đây là cơ sở quan trọng để kích hoạt được thế mạnh phát triển du lịch của từng địa phương, để Bắc Trà My nói riêng, ba huyện vùng tây nam Quảng Nam nói chung đến gần hơn với kỳ vọng đưa du lịch trở thành một thành phần kinh tế mới, bền vững.
Đầu tư và quảng bá
Theo bà Lê Thị Thu Vân - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, đề án phát triển du lịch của huyện cũng như việc ký kết hợp tác giữa ba địa phương là động lực quan trọng nhằm khai thác, phát huy tốt các nguồn lực tài nguyên du lịch, tận dụng các cơ hội thuận lợi sẵn có của địa phương. Điều này không chỉ tạo bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội nói chung, phát triển du lịch nói riêng trong tương lai, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống, vốn là một nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh hiện tại.
Hiện nay, bên cạnh mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch “Về nguồn”, “Đi tìm địa chỉ đỏ” tại quần thể Khu di tích lịch sử Nước Oa (xã Trà Tân), Bia di tích chiến thắng Đồn Xã Đốc (xã Trà Đốc), Bia di tích Sơn phòng Dương Yên (xã Trà Dương)…, huyện Bắc Trà My cũng đã đầu tư xây dựng làng du lịch cộng đồng thôn Cao Sơn (xã Trà Sơn). Đến nay, nhiều hạng mục được hoàn thiện bao gồm xây dựng nhà làng truyền thống, tuyến đường bê tông vào nhà làng, phục hồi đội múa cồng chiêng, thành lập tổ nấu ăn phục vụ du lịch, hình thành đội đan lát mây tre truyền thống…
Huyện đang xây dựng thêm hạ tầng đón tiếp, dự tính hoàn thành trong năm 2020, đồng thời kết nối, giới thiệu các đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm văn hóa ẩm thực của người Ca Dong bản địa và sử dụng các dịch vụ du lịch tại làng. Bắc Trà My cũng quy hoạch đầu tư, xây dựng làng du lịch cộng đồng người Co tại xã Trà Kót, phát triển nóc Xơ Rơ tại xã Trà Bui thành các điểm du lịch trên cơ sở phát huy hiệu quả từ mô hình du lịch cộng đồng thôn Cao Sơn.
Nhiều hoạt động quảng bá văn hóa, thể thao, tạo sức hút cho du khách như lễ hội cầu mưa, giải đua thuyền, du thuyền dạo quanh lòng hồ, tham quan các thác nước, đảo nổi trong khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 đã được khởi động và ít nhiều có những tín hiệu khả quan. Trong khi đó, tiềm năng du lịch sinh thái, trải nghiệm còn khá dồi dào với thác Tân (xã Trà Tân), suối Nước Ví (xã Trà Kót), hang Nai, hố Dội, thác 5 tầng (xã Trà Giang), thác Bà Nô (xã Trà Bui)…
“Còn khá sớm để nói về hiệu quả du lịch mang lại, nhưng trước hết là quyết tâm của chính quyền, các ban ngành lẫn người dân địa phương trong từng bước xây dựng, định hình sản phẩm du lịch, tạo điểm nhấn thu hút du khách. Thời gian tới, cùng với tranh thủ các nguồn lực đầu tư, bảo tồn văn hóa, tạo sinh kế bền vững gắn với phát triển du lịch, địa phương sẽ tính toán đến việc tạo các diễn đàn giới thiệu, mời gọi đơn vị lữ hành, doanh nghiệp chung tay, đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, để du lịch không còn là “khoảng trống” ở miền đất này” - bà Vân nói.