Bùng nổ kinh doanh phát trực tiếp

KIM OANH 04/07/2020 04:40

Live stream (phát trực tiếp), một nền tảng công nghệ đang góp phần đa dạng hóa kênh thương mại điện tử toàn cầu, đặc biệt giữa mùa dịch Covid-19.

Một video phát trực tiếp quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Ảnh: WEDODESIGN
Một video phát trực tiếp quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Ảnh: WEDODESIGN

Theo báo cáo từ hãng phân tích dữ liệu iiMedia, phát trực tiếp - hình thức quay video trên điện thoại thông minh và phát trực tiếp chủ yếu trên các kênh mạng xã hội đang được các nhà bán lẻ tận dụng để giới thiệu sản phẩm và dịch vụ, tương tác với khách hàng và tiêu thụ sản phẩm rất hiệu quả.

Donna Davis - chủ sở hữu công ty sản xuất video và phát trực tiếp Pro Video Talent tại Atlanta (Mỹ) cho rằng, thương mại điện tử qua phát trực tiếp sử dụng sức mạnh của phương tiện truyền thông trực tiếp để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ. Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba thống kê cứ 100 người xem phát trực tiếp bán hàng của Alibaba thì gần 40 người chốt danh sách các sản phẩm cần mua và tiến hành giao dịch. Các nhà bán lẻ thì nhận phản hồi của khách để cải tiến kinh doanh.  

Năm 2019, mua sắm qua phát trực tiếp mang về cho nền thương mại điện tử thế giới hàng tỷ USD và dự báo tiếp tục tăng gấp đôi trong năm nay. Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến các cửa hàng, tạp hóa truyền thống... phải đóng cửa dài ngày và mọi người hạn chế tương tác xã hội. Đây là cơ hội để phát trực tiếp thực sự trở thành một trong những cách mà các nhà bán lẻ đang kết nối với người mua, duy trì hoạt động kinh doanh. Các thương hiệu trực tuyến liên tục tìm ra những biện pháp mới để tăng doanh số dẫn đến cuộc đua đầy gay cấn trong ngành thương mại điện tử về nội dung, tính sáng tạo và giải trí.

Ning Wang, người đồng sáng lập và Giám đốc kinh doanh của công ty cung cấp các giải pháp thanh toán xuyên biên giới PingPong Financial nói: “Phát trực tiếp là cơ hội mới cho các thương hiệu truyền thống thích ứng với thời đại kỹ thuật số và thử nghiệm các kênh bán hàng mới để duy trì hoạt động kinh doanh. Đại dịch Covid-19 có thể đẩy nhanh việc áp dụng của các nền tảng công nghệ trong thương mại điện tử”.

Năm 2019, Amazon và Wayfair đều ra mắt dịch vụ phát trực tiếp và một số thương hiệu riêng lẻ cũng nắm bắt xu hướng. Điển hình, Amazon phát triển Amazon Live bao gồm đa dạng kênh dành riêng cho nhiều loại sản phẩm, dịch vụ. Sau sự kiện ra mắt năm 2018 của AliExpress Live, một công ty con của Alibaba, công ty này báo cáo lên tới 320.000 hàng hóa được thêm vào giỏ hàng trên một triệu lượt xem. Mặc dù thương mại qua phát trực tiếp không thể tạo ra trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng, nhưng sức hấp dẫn của nó là không thể phủ nhận và được xem là một cơ hội tuyệt vời để thu hút bán hàng trực tuyến. Ước tính đến năm 2021, phát trực tiếp sẽ tạo ra hơn 500 triệu giao dịch bán hàng.

Theo các chuyên gia, ngoài những mặt hàng được ưa chuộng như đồ trang sức, thời trang, mỹ phẩm, phụ kiện…, doanh thu bán hàng trực tiếp của các sản phẩm nông nghiệp cũng đang rất tốt và tạo ra thu nhập cho lao động nông nghiệp và nhiều việc làm khác.

Đáng chú ý, thương mại qua phát trực tiếp đang phát triển nhanh nhất ở châu Á, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 46,4%. Nhất là các sàn thương mại điện tử quốc tế đang nhắm đến thị trường Đông Nam Á bao gồm Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển. Khu vực này có kết cấu dân số trẻ, xu hướng tiêu dùng cao. Hiện có 360 triệu người dùng internet trong khu vực và 90% trong số họ kết nối internet chủ yếu thông qua điện thoại di động.

KIM OANH