Thương lắm Trường Sa...
Giữa những ngày tháng 5, tôi vinh dự được tham gia cùng đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương đi thăm, làm việc với quân, dân quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Một chuyến đi với xúc cảm thiêng liêng...
Vững vàng nơi đảo xa
Đi Trường Sa, đoàn chúng tôi được Bộ Tư lệnh Hải Quân sắp xếp trên chuyến tàu Kiểm ngư Việt Nam - KN 491; với hải trình đến các đảo: Đá lớn (A), Đá Thị, Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le (B), Tốc Tan (A), Phan Vinh (A), Đá Tây (B), Trường Sa, Huyền Trân (DK1)... 10 ngày lênh đênh trên biển (17 - 26.5), vượt hải trình gần 1.200 hải lý, là hành trình chan chứa yêu thương biển đảo. Mọi thành viên trên tàu đều có chung quan điểm, Trường Sa là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam.
Chiến sĩ hải quân Trịnh Minh Tư (quê ở phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) công tác ở đảo Đá Thị, chia sẻ: “Là người con Quảng Nam tôi rất tự hào khi có mặt tại Trường Sa để cùng góp sức trẻ bảo vệ đảo”. Thượng úy Lê Hồng Dũng, ở đảo Sơn Ca, quê huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, gia nhập lực lượng hải quân từ năm 1997, cho biết thêm: “Trong điều kiện xa đất liền, để khắc phục khó khăn, bộ đội Trường Sa đã tận dụng từng mét đất, chắt chiu từng bát nước ngọt, từng hạt gạo, miếng cơm; tranh thủ thời gian trồng rau xanh, nuôi gia cầm, gia súc, đánh bắt tôm cá để cải thiện bữa ăn hàng ngày”.
Chuyến ra đảo lần này, Chuẩn Đô đốc Hải quân - Thiếu tướng Phạm Văn Quang làm trưởng đoàn công tác. Gặp gỡ các chỉ huy, động viên từng chiến sĩ, Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang luôn nhắc nhở bộ đội: “Cán bộ chiến sĩ hải quân trên đảo hôm nay phải phát huy truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, truyền thống của Hải quân Việt Nam chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết tâm bảo vệ vững chắc quần đảo Trường Sa, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội giao phó”.
Rực rỡ Trường Sa
Đã từ lâu tôi vẫn thường ước ao, có một ngày mình được đặt chân đến đảo Trường Sa để được ngắm nhìn cái bao la xanh thẳm của biển trời quê hương, để được chạm tay thật chặt vào cột mốc chủ quyền trên đảo xa ruột rà Tổ quốc. Hôm xuất phát tại Cảng Cam Ranh, bác tài trẻ của Vùng 4 Hải Quân mở loa thật to khúc ca Lướt sóng ra khơi: “Dạt dào biển mênh mông, sóng vỗ nhịp thân tàu/Đoàn ta ra khơi tiếng máy reo vang tràn ngập tình đất nước quê hương/ Nhìn bầu trời xanh tươi, tay súng ta không rời/Lướt sóng ra khơi rộn ràng khúc ca yêu đời...”. Thế là, mọi người vỗ tay cùng hát vang, hết bài này đến bài khác về quê hương, biển đảo, về người chiến sĩ.
Sau 3 hồi còi tàu vang lên báo hiệu xuất phát, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân của huyện đảo Trường Sa tập trung tại cầu cảng vẫy tay lưu luyến tiễn đoàn, cùng hô vang khẩu hiệu: Cả nước vì Trường Sa! Trường Sa vì Tổ quốc! Thật xúc động. Tôi cũng nghẹn ngào và thầm nói với lòng mình: Thương lắm Trường Sa!
Hải trình đầu tiên hơn 200 hải lý và tàu phải chạy hơn 30 tiếng đồng hồ mới đến được đảo Đá Lớn A. Chặng này là chặng dài nhất và thử thách các thành viên trên tàu không hề nhỏ. Sóng cứ nhấp nhô, chồm lên chồm xuống, lúc hiền hòa, lúc dữ dội khiến các thành viên mới đi Trường Sa lần đầu tiên như tôi bắt đầu bị say sóng, thấm mệt, vật vã... Quần đảo Trường Sa còn được mệnh danh là “quần đảo bão tố” nằm ở phía Đông - Đông Nam bờ biển Nam Trung Bộ với nhiều đảo, bãi đá, bãi cạn. Khí hậu ở vùng biển quần đảo Trường Sa khác biệt lớn so với các vùng biển ven bờ, mùa hè mát, mùa đông thì ấm hơn. Trong năm quần đảo Trường Sa có khoảng trên 270 ngày nắng, có tới 131 ngày có gió mạnh từ cấp 6 trở lên.
Trường Sa không chỉ có nắng, gió mà chúng ta còn cảm nhận một màu xanh thẳm của biển, màu xanh mướt của cây, hoa lá đặc trưng trên biển như phong ba, bão táp, bàng vuông, tra (nho biển), cả màu xanh tươi của những vườn rau đủ loại đã tạo nên sức sống mãnh liệt giữa muôn trùng sóng vỗ. Ở Trường Sa cũng có rất nhiều loài chim di cư lưu trú lại và sinh sống, phát triển như hải âu, sơn ca. Ngoài ra, “những người bạn thân thiết” được các các chiến sĩ, nhân dân mang ra từ đất liền như ngan, gà và cả chú chó luôn theo chân lính đảo tuần tra canh gác nơi đại dương. Một chi tiết khá thú vị, khi màn đêm buông xuống, từ trên boong tàu quan sát chúng tôi bắt gặp hình ảnh cá chuồn bay nhảy, cá heo nhào lộn như diễn xiếc, tạo nên những đốm sáng huyền ảo, lấp lánh như ánh bạc trên Biển Đông - Trường Sa. Còn nữa, bình minh, hoàng hôn và cầu vồng cũng là “đặc sản” nơi đây. Với nhà báo Vũ Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng Ảnh Báo Nhân dân, đây là lần thứ 3 ra đảo, nhưng Trường Sa luôn mang lại xúc cảm mới mẻ, đặc biệt hình ảnh quân - dân trên đảo thôi thúc anh trở lại. “Có thể nói rằng, nơi đây là địa chỉ rất hấp dẫn, có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời làm báo, cầm máy của mình” - anh Tuấn tâm sự.
Không thể nào quên
Trong hải trình thăm, động viên quân dân trên đảo, mỗi điểm đến là một trải nghiệm quý giá. Khi tìm hiểu về những tấm gương dũng cảm, mưu trí và hy sinh trên biển, dường như cán bộ, chiến sĩ hải quân đều nhớ rất kỹ, ghi lòng tạc dạ. Đó là, anh hùng liệt sĩ, Trung tá Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng 146; Anh hùng liệt sĩ, Đại úy Võ Phi Trừ - Thuyền trưởng tàu HQ-604; Anh hùng liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước lúc hy sinh anh đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội: Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng Hải Quân.
Tên các anh đã trở thành biểu tượng cao đẹp, là những viên gạch hồng xây nên tượng đài bất khuất của dân tộc Việt Nam trên Biển Đông. Có mặt tại đảo Tiên Nữ, Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Doãn Tiến, xúc động ghi vào sổ truyền thống của đảo: “Chúng tôi bày tỏ sự cảm phục về tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió của cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam anh hùng”.
Trong lời tưởng niệm của lớp lớp cán bộ chiến sĩ hôm nay trước anh linh các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biển đảo của chúng ta; những ai có mặt đều không thể nào quên: “Các anh đã nằm lại nơi đây, hòa mình vào trong lòng biển đảo quê hương. Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cấp, ngành, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã cố gắng làm hết sức mình. Song, biển thì rộng và sâu mà sức người có hạn, hoàn cảnh bất lợi nên đến nay, hình hài nhiều đồng chí vẫn còn nằm lại nơi biển sâu lạnh lẽo… Sự ra đi của các anh rất đỗi vinh quang. Song, để lại phía sau là nỗi đau tột cùng của gia đình, đồng bào, đồng chí; để lại nỗi nhớ khôn nguôi của những người mẹ, người cha, người vợ; hằn trong ký ức thơ ngây của những đứa con hằng ngày vẫn đau đáu bên cửa đợi trông các anh trở về...”.
Và không phải ngẫu nhiên mà Chuẩn Đô đốc - Thiếu tướng Phạm Văn Quang trong buổi giao lưu văn nghệ tổng kết hải trình của đoàn, đã gửi thông điệp lòng mình qua giai điệu Người chiến sĩ ấy: “Tổ quốc ơi, Người kiêu hãnh xiết bao. Có Đảng ta, Đảng Cộng sản Việt Nam. Có Bác Hồ và muôn vạn người con. Suốt đời tận trung với nước với dân. Như anh người chiến sĩ ấy. Như anh người chiến sĩ ấy...”.