Dành sân chơi cho trẻ
Không gian công cộng tại các đô thị đang bắt đầu nhận được nhiều hơn sự quan tâm của nhiều người. Trong đó, dành chốn cho trẻ vui chơi là điều được nhiều người mong ngóng.
Chơi ở không gian công cộng
Một ngày cuối tuần, lượng người tìm đến tại Quảng trường 24.3 (TP.Tam Kỳ) đông đúc hơn ngày thường gấp nhiều lần. Đây gần như thành một điểm đến thú vị cho trẻ em, với tất cả trò chơi từ sử dụng dịch vụ vui chơi giải trí cho trẻ đến các thiết bị vui chơi được bố trí cố định.
Dưới các vòm cây xanh, trẻ chạy nhảy nô đùa cùng bè bạn và người thân. Những tiếng reo vui thích thú của trẻ khiến không gian này trở nên sinh động hẳn. Được ví như một “lá phổi xanh” của thành phố trẻ, không gian quảng trường được chăm chút từ từng bụi cỏ bồn hoa. Các bậc phụ huynh cũng an tâm hơn khi đưa trẻ đến đây.
Cùng với địa điểm này, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Nhà Văn hóa thiếu nhi TP.Tam Kỳ hay khu vui chơi và nhà sách của Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ là các địa chỉ được đa số trẻ em thích thú khi được cha mẹ đưa đến.
Nhiều năm nay, tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em ở đô thị đã được cảnh báo. Đến thời điểm này, dường như đã có nhiều sự chuyển biến từ chính các không gian xanh đang nhiều lên mỗi ngày.
Tại nhiều khu dân cư, thay vì thụ động chờ đợi, người dân đã chủ động vào cuộc bằng cách dành những diện tích dù còn hạn chế, đầu tư trang thiết bị làm chỗ vui chơi cho trẻ. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp nắm bắt được thực trạng về không gian vui chơi cho trẻ, chủ động kiến tạo nên những khu vui chơi khá bề thế.
Tại TP.Hội An, không gian phố cổ cùng các vùng ven đô trở thành nơi để tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế cho trẻ. Trung tâm Quản lý Di sản văn hóa Hội An đã dựa vào các lợi thế trên để hình thành các hoạt động trải nghiệm, khám phá, thu hút khá nhiều trường học từ Hội An, TP.Đà Nẵng tham gia.
Xuất phát từ ý tưởng làm mới các hoạt động của bảo tàng, tạo sinh khí cho không gian này, hoạt động “Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng” đã gợi mở hình thành nhiều chương trình trải nghiệm từ bảo tàng cho đến các làng nghề. Các em nhỏ được học trồng rau cùng các bác nông dân của làng rau Trà Quế. Được hiểu như thế nào là phân bón hữu cơ, được biết mỗi loại rau đều hình thành như thế nào. Chưa kể, việc khám phá làng nghề được các em lẫn phụ huynh hào hứng tham gia.
Ý niệm mới về sân chơi
“Với tốc độ đô thị hóa này, sân chơi trẻ em đã trở thành một câu hỏi khó tìm thấy câu trả lời. Những thành phố ngột ngạt chúng ta đang xây lên là để làm gì và cho ai? Đó là câu hỏi chắc chắn mang tới hoài niệm và băn khoăn cho không ít người. Ngày nay chúng ta thường xuyên phải sống trong những xã hội không chấp nhận rủi ro. Điều này không chỉ tước mất đầu óc phiêu lưu ở trẻ nhỏ, mà còn cả sự ngây thơ quý giá ở người lớn. Những trò nghịch ngợm trẻ nít giờ bị coi nhẹ trong nền văn hóa thị dân tiêu thụ, quảng cáo và văn phòng”.
(Bà Lê Diệu Ánh - chuyên gia về phát triển đô thị bền vững)
Tuy đã có nhiều cải thiện nhưng trẻ đô thị vẫn đối diện với tình trạng thiếu sân chơi. Đặc biệt, một sân chơi gần với thiên nhiên là điều còn khá xa lạ.
Một nghiên cứu xã hội học cho thấy, tính chất dồn dập của thông tin và những bất ổn xã hội ngày nay đã mở ra một thời kỳ sợ hãi về con cái chúng ta, dịch chuyển các chuẩn mực xã hội rất nhanh chóng theo hướng giám sát liên tục và các tiêu chuẩn an toàn gần như tuyệt đối.
Nghiên cứu này cho rằng, “một nạn nhân của kiểu tư duy mới chính là các sân chơi - với các kiểu cầu trượt, nhà hơi, sân cát ngày càng giống nhau - được thiết kế với mục đích tối thiểu hóa rủi ro, chứ không phải tối đa hóa niềm vui và sự khám phá. Chúng ta lẽ ra phải thiết kế thành phố để khuyến khích trẻ con tụ tập và sân chơi là nơi tốt nhất cho điều đó, thay vì bắt chúng phải về nhà ôm điện thoại hay máy tính bảng. Đó cũng là điều nhiều nhà thiết kế đô thị, các tổ chức phi chính phủ và người vận động xã hội đã nghĩ tới”.
Liệu rằng trong thiết kế của một đô thị thông minh, bao nhiêu phần trăm trong các dự án ấy là không gian cho trẻ vui chơi, hoạt động ngoài trời? Bà Phạm Thúy Loan - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia cho rằng, các đô thị hiện nay đang xảy ra tình trạng một mặt thiếu trầm trọng không gian, nhưng mặt khác lại có chỗ rất lãng phí không gian.
“Có rất nhiều không gian trống đang “chết” - tức là bị bỏ hoang, là không có tiếp cận, thường trở thành nơi đổ rác hoặc lui tới của những đối tượng xã hội phức tạp. Chúng ta có thể tận dụng những không gian đó. Nơi đất đai càng quý hiếm thì mọi mét vuông đất đều cần được phát huy hết giá trị của nó. Chẳng hạn một mảnh đất nằm trong quy hoạch “treo” trước mắt có thể biến thành sân chơi cho cộng đồng xung quanh đó” - bà Phạm Thúy Loan nói.
Quy hoạch các không gian ngoài trời, bảo đảm an toàn và tương tác xã hội đang và sẽ trở thành một nhu cầu cấp thiết khi hiện nay, số trẻ em ở các thành phố đang tăng lên mỗi ngày. Nhưng giải quyết được câu chuyện này không phải điều giản đơn.