Giới y tế toàn cầu kêu gọi “phục hồi xanh”

QUỐC HƯNG 29/05/2020 15:28

(QNO) - Hàng trăm tổ chức đại diện 40 triệu nhân viên y tế (tương đương một nửa lực lượng y tế toàn cầu) vừa có thư ngỏ gởi các nhà lãnh đạo khối G20 và cố vấn y tế rằng phục hồi kinh tế phải gắn liền bảo vệ môi trường.

Nhân viên y tế toàn cầu khẳng định “Phục hồi xanh” có thể giúp hồi sinh nền kinh tế và chống biến đổi khí hậu. Ảnh: gettyimages
Giới y tế toàn cầu kêu gọi “Phục hồi xanh” sau đại dịch Covid-19 có thể giúp hồi sinh nền kinh tế và chống biến đổi khí hậu. Ảnh: gettyimages

Khối G20 bao gồm các quốc kinh tế và chiếm đến 90% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, 65% dân số và đóng góp tới 80% tăng trưởng kinh tế và thương mại quốc tế trên thế giới. 

Những người ký tên trong thư ngỏ cho biết, nhân viên y tế là những người tham gia tuyến đầu chống dịch và trực tiếp chứng kiến những thảm kịch mà thế giới gánh chịu, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và môi trường. Sự thiếu đầu tư cho y tế công và tình trạng môi trường bị tàn phá, nhiệt độ trái đất đang nóng lên và thiên tai ngày càng khốc liệt khiến cuộc sống chúng ta trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.   

Chưa kể đến các thiệt hại với hàng trăm nghìn người tử vong do đại dịch Covid-19, bệnh tật và tổn thương tinh thần, ô nhiễm không khí giết chết 7 triệu người mỗi năm trên thế giới, một tổn thất vô cùng to lớn vì chúng ta hành động quá muộn. Theo giới y tế, ô nhiễm môi trường làm suy yếu cơ thể của chúng ta nên các vi rút gây bệnh dễ tấn công chúng ta hơn, nghiêm trọng hơn.

Dịch bệnh làm cho nền kinh tế toàn cầu bị tê liệt, ngược lại làm giảm mạnh khí thải. Tuy nhiên, với việc kinh tế hồi phục trở lại sau Covid-19, ô nhiễm và nạn phá rừng, có thể sẽ tăng mạnh. Chủ tịch Hiệp hội y tế thế giới Miguel Jorge cho biết: “Bây giờ hơn bao giờ hết, chúng ta biết rằng, cuộc sống khỏe mạnh phụ thuộc vào một hành tinh khỏe mạnh. ”.

Dù còn quá sớm để kết luận về những tác động đầy đủ, các nghiên cứu cho rằng ô nhiễm không khí có thể đóng vai trò góp phần làm khiến các triệu chứng Covid-19 càng trầm trọng hoặc làm tăng tỷ lệ tử vong vì bệnh này.

Cạnh đó, an ninh lương thực và việc làm cũng là mối đe dọa chung. Do đó, thư ngỏ của nhân viên y tế toàn cầu kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới chuyển sang năng lượng tái tạo, làm cho không khí sạch hơn, cắt giảm khí thải nhà kính và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gần 100 nghìn tỷ USD trong ba thập kỷ tới.

Một số quốc gia đang xem xét phục hồi xanh từ cuộc khủng hoảng bằng cách gắn các điều kiện nghiêm khắc vào bất kỳ gói cứu trợ nào cho các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, như hàng không và bơm tiền hỗ trợ các cơ sở hạ tầng làm giảm khí thải nhà kính.

Ông Miguel Jorge nhận định: “Khi chúng ta đi trên con đường phục hồi, chúng ta cần xây dựng một hệ thống sẽ bảo vệ chúng ta khỏi thiệt hại hơn nữa. Chúng ta cần một sự phục hồi khỏe mạnh và xanh".

Còn theo Chủ tịch Hội đồng điều dưỡng quốc tế Annette Kennedy: "Chúng tôi đang kêu gọi các chính phủ đảm bảo rằng mức độ ô nhiễm không trở lại mức trước đó, để con cháu chúng ta có thể lớn lên khỏe mạnh trong một khí hậu dễ sống và bền vững. Chỉ bằng cách đầu tư vào cả chăm sóc sức khỏe và môi trường, chúng ta mới có thể tạo ra một tương lai bền vững". 

QUỐC HƯNG