Khó khăn vẫn bủa vây doanh nghiệp
Nền kinh tế đã vận hành trở lại bình thường, nhưng dấu hiệu phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu. Số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường tiếp tục gia tăng... Nhiều doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần thêm những giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Những cuộc khảo sát của Sở KH&ĐT theo yêu cầu của UBND tỉnh đã được tiến hành thông qua các hiệp hội doanh nghiệp, chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp, thông báo trên các cổng thông tin điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh, sở, ngành, địa phương và cơ quan truyền thông. Cuộc khảo sát hơn 1.000 doanh nghiệp đã nhận lại 150 ý kiến phản hồi, trong đó nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế đã vận hành trở lại bình thường nhưng những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp vẫn khó giải quyết. Phần lớn doanh nghiệp cho biết hàng không bán được, đối tác hủy đơn hàng dẫn đến tồn kho lớn. Nguyên liệu đầu vào qua sơ chế tồn đọng nhiều nên doanh nghiệp không thể thu hồi vốn; chuỗi cung ứng bị gián đoạn nên không đủ vật tư để sản xuất, triển khai dự án...
Không chỉ hụt hơi bởi đại dịch, doanh nghiệp Quảng Nam đứng trước vô vàn khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, đầu tư, kinh doanh. Hầu hết doanh nghiệp may mặc đối mặt với tình trạng khan hiếm lao động, tay nghề công nhân thấp. Doanh nghiệp ngành xây dựng, sản xuất, vật liệu xây dựng thiếu nguồn nguyên liệu đất sét để làm gạch, giá vật liệu theo báo giá quý không theo kịp và không sát thị trường. Thủ tục pháp lý đối với các dự án đang triển khai như thủ tục về đất đai, xây dựng, giải phóng mặt bằng... còn rắc rối. Thiếu điện, nước sản xuất kinh doanh ở một số vùng, địa phương vẫn xảy ra. Thiếu nguồn vốn triển khai dự án, khó tiếp cận…
Các chủ doanh nghiệp đồng loạt lên tiếng Nhà nước cần hỗ trợ các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án, giãn, gia hạn tiến độ, hoàn trả tiền ký quỹ thực hiện dự án, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về chuỗi cung ứng từ các nước bị gián đoạn… Doanh nghiệp cần một kênh tương tác giữa chính quyền – doanh nghiệp – ngân hàng để có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn lãi suất ưu đãi. Không chỉ vậy, doanh nghiệp cần cơ quan quản lý đẩy mạnh xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ. Một trong những cách giải cứu doanh nghiệp trong thời buổi khó khăn này là cần một cuộc tuyên truyền dài hơi về vận động doanh nghiệp ưu tiên tiêu thụ hàng hóa đặc thù của địa phương để hỗ trợ, duy trì đầu ra cho sản phẩm…
Ông Trần Văn Ẩn – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT nói toàn bộ ý kiến, kiến nghị của 150 doanh nghiệp gửi đến thông qua các cuộc khảo sát đã được đệ trình lên UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh hay tái gia nhập thị trường.
Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp
Chính quyền Quảng Nam đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, không thể trông chờ vào các chính sách của trung ương. Tự mỗi cơ quan quản lý đã lên kế hoạch hỗ trợ. Cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua việc nhanh chóng thực thi các chính sách mới từ Chính phủ. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho biết đang lấy ý kiến đề xuất của doanh nghiệp, tìm ra các giải pháp cung ứng hàng hóa, cấp điện, tìm kiếm thị trường bán lẻ, thương mại nội địa. Cơ quan quản lý đang rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.
Kinh tế địa phương không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực riêng lẻ mà còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh toàn cầu, khả năng phục hồi của các nền kinh tế, của các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu. Giới ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp; thiết lập, công khai số điện thoại, đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời tiếp nhận, xử lý triệt để các kiến nghị của doanh nghiệp. Cục Thuế vẫn tiếp tục thu nhận hồ sơ và giải quyết gia hạn thuế của doanh nghiệp... Song có thể thấy, những giải pháp đưa ra vẫn chưa thực sự hữu hiệu để vực dậy sự khả quan của nền kinh tế, chưa có tác dụng đủ mạnh để vực dậy doanh nghiệp trước áp lực của thị trường.
Một thống kê cho thấy, 4 tháng đầu năm trong khi số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm 22,3% so cùng kỳ thì số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động tiếp tục gia tăng đến 31,55% so cùng kỳ, số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng 7,7%. Chỉ số sử dụng lao động giảm 3,6%. Theo Cục Thống kê, hiện vẫn còn quá nhiều doanh nghiệp thiếu nguyên vật liệu kinh doanh, thiếu nguyên liệu đầu vào nên hoạt động cầm chừng. Không thể đẩy mạnh sản xuất theo kế hoạch của đơn vị. Vẫn tiếp tục sử dụng lao động luân phiên để duy trì hoạt động. Một số doanh nghiệp khác phải tạm ngưng hoạt động hoặc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh.
Theo ông Trần Văn Ẩn, chưa có một con số cụ thể nhưng số lượng doanh nghiệp tiếp tục rời bỏ thị trường vẫn đang có xu hướng gia tăng. Doanh nghiệp vẫn đứng trước khó khăn của nguồn cung nguyên liệu, linh kiện đầu vào cho sản xuất, thiếu hụt đầu ra, khó khăn tài chính, không còn đủ lực để duy trì sản xuất. Lệnh phong tỏa hay giãn cách xã hội được gỡ bỏ, hầu hết doanh nghiệp đã trở lại sản xuất, sức mua của thị trường bắt đầu tăng trở lại, nhưng vẫn còn chậm. Nền kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi đáng kể!...