Tiếng nói của vật liệu xanh
Ngày càng nhiều các không gian gần gũi, thân thiện với thiên nhiên ra đời. Ở đó, vật liệu được lựa chọn để xây dựng mang yếu tố tiên quyết. Đó có thể là tài nguyên từ chính vùng đất, hay tận dụng những bóng cây xanh làm nên không gian đô thị có bản sắc...
Cảm hứng bản sắc địa phương
“Action for the city” – Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị, bao năm qua theo đuổi duy nhất tiêu chí liên kết các nhóm cộng đồng và các tổ chức xã hội để tạo ra thay đổi và nâng cao chất lượng môi trường sống. Hẳn đây đã là một cái tên quen thuộc với những người muốn dựng xây đô thị theo một kiểu thức khác.
Lựa chọn Hội An với các dự án của mình, Đặng Hương Giang - chủ nhân của trung tâm cùng các cộng sự của mình đã làm thay đổi nhiều thứ về một lối sống đô thị hiện đại. Khá nhiều hoạt động đề cao việc tôn trọng tự nhiên đã nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng.
Năm 2015, nhà cộng đồng Cẩm Thanh do trung tâm thiết kế và thực hiện, đã đoạt giải tại hạng mục Kiến trúc dân dụng - cộng đồng tại Liên hoan Kiến trúc thế giới (WAF) tổ chức ở Singapore. Đây là công trình được xây dựng theo lối kiến trúc nhà cổ Việt Nam, có sân chơi trẻ em, vườn cây, vườn rau, khu thể thao. Kết cấu kiến trúc công trình khá đơn giản, nguyên vật liệu xây dựng chủ yếu lấy từ địa phương. Những hàng cau, giàn dây leo, nhà tre dừa... tạo ra một không gian thực sự thân thiện và mang bản sắc địa phương.
Nói kỹ hơn về công trình Nhà cộng đồng Cẩm Thanh, để thấy nguyên tắc tôn trọng và gần gũi tự nhiên quan trọng như thế nào. Được xây dựng tại thôn Võng Nhi, là nơi sinh hoạt, hội họp của người dân, tổ chức các hoạt động giáo dục đào tạo, văn hóa thể thao, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và là điểm dừng chân dành cho du khách.
Nhiều năm liền, đây trở thành chốn gặp gỡ cũng như tạo cơ hội cho người dân cùng làm việc với nhóm cộng đồng khác nhau, tìm ra những sinh kế mới. Dài dòng nhắc lại không gian này, vì đây gần như là mô hình lựa chọn hoàn toàn vật liệu từ tự nhiên cũng là tài nguyên bản địa. Các vật liệu chủ đạo của công trình là gạch xây không nung, tre, gỗ và lá dừa nước.
Theo các kiến trúc sư, đây là công trình tiêu biểu cho hình ảnh nông thôn với rừng cau, hệ cấu trúc mái lá thích nghi gió bão, hình thành lớp vỏ kép giảm đáng kể bức xạ mặt trời, tạo diện tích bóng mát lớn, sinh động. Lấy cảm hứng từ hình ảnh sân trong, mái dốc phố cổ, kết hợp vườn cau, giàn dây leo đặc trưng thôn dã, công trình này được kỳ vọng sẽ là mô hình để các khu vực nông thôn chịu tác động của quá trình đô thị hóa học hỏi, góp phần dần định hình bản sắc kiến trúc nông thôn mới Việt Nam. Kiến trúc này được lựa chọn giữa vùng đệm đô thị để phần nào đó như cách gieo một hạt mầm cho thế hệ sau cấy nên một cánh đồng rộng.
Vùng xanh trong đô thị
Mọi bức bối giữa chốn đô thị chật hẹp sẽ được giải tỏa, khi màu xanh sinh thái len lỏi vào các ngóc ngách. Vừa để khỏa lấp màu xám của những khối bê tông, vừa hướng đến một cuộc sống bền vững với chất lượng sống cải thiện đáng kể. “Xanh” đang trở thành màu chủ đạo, đặc biệt với các không gian công cộng. “Công trình xanh”, “Tòa nhà xanh”, “Kiến trúc xanh” và “Đô thị sinh thái” đang là những tiêu chí được nhiều đô thị lựa chọn.
Trong một cuộc tọa đàm về văn minh đô thị tại Quảng Nam, TS.Nguyễn Văn Hiệu (khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học - xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, phần lớn đô thị tại Việt Nam dựa trên nền tảng văn minh nông nghiệp. Với đô thị hiện đại, chất lượng sống của người dân phải được đặt lên hàng đầu. Sống chất lượng trong một đô thị phát triển bền vững, chính là tạo không gian, sinh hoạt của con người trong không gian, và sau đó sẽ dẫn đến ý nghĩa tinh thần của không gian. Không gian đẹp mắt, tiện nghi, an toàn, hấp dẫn sẽ là môi trường tuyệt vời cho con người. Không gian trở thành nơi chốn có bản sắc. Chính các vùng xanh trong đô thị sẽ là nơi tạo nên các hoạt động động hình thành bản sắc của đô thị đó.
Các vùng xanh trong đô thị là điều tất yếu phải có. Nó đáp ứng yêu cầu sức khỏe của người dân. Nó cũng chính là dấu ấn riêng cho vùng đất. Ông Hồ Xuân Tịnh - Nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL từng chia sẻ, với TP.Tam Kỳ, cần bảo tồn và chỉnh trang các làng quê dọc theo những dòng sông, chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa sang trồng rau màu, trồng hoa để tạo cảnh quan tươi tắn cho làng quê.
“Tam Kỳ còn nhiều tiềm năng về đất đai, thuận lợi cho việc mở rộng khu đô thị mới. Trong quá trình xây dựng đô thị mới, cần quan tâm đến việc giải quyết hài hòa giữa không gian đô thị và không gian truyền thống. Giá trị của khu đô thị sẽ được nâng lên nhiều lần khi đó là đô thị sinh thái - văn hóa” - ông Tịnh nói.
Tại TP.Hội An, việc khơi mở các không gian bên cạnh di sản đang được đặt lên ngang hàng với câu chuyện bảo tồn. Vì đây cũng chính là những di sản đô thị trong tương lai - nơi để người ở đô thị kết nối và sinh hoạt văn hóa cùng những thiết chế đáp ứng nhu cầu giải trí về văn hóa tinh thần. Định hình để xây dựng và cùng hướng đến một không gian sống chất lượng là điều nên chăng sau một đoạn thăng trầm...