Kích cầu du lịch nội địa
Bộ VH-TT&DL vừa phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, thời gian triển khai bắt đầu từ ngày 1.6 - 31.12.2020 nhằm kích cầu du lịch nội địa sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc hưởng ứng chương trình hiện vẫn chưa được các địa phương và ngành du lịch Quảng Nam mặn mà.
Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam
Ngày 8.5, Bộ VH-TT&DL ban hành Kế hoạch số 1749/KH-BVHTTDL phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Theo đó, Bộ VH-TT&DL yêu cầu sự vào cuộc tích cực của các địa phương, hãng hàng không, doanh nghiệp liên quan để đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn; xây dựng, triển khai các gói kích cầu du lịch; giới thiệu các gói sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng với giá hợp lý kèm theo những ưu đãi và cam kết của các nhà cung cấp dịch vụ theo chương trình du lịch trọn gói hoặc từng phần dịch vụ nhằm khôi phục thị trường nội địa, đồng thời đảm bảo các quy định, điều kiện về an toàn phòng chống dịch cho khách du lịch, người lao động và cộng đồng địa phương.
Ngoài ra, Tổng cục Du lịch cũng sẽ phối hợp tổ chức phát động chương trình tại một số địa bàn du lịch trọng điểm có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm phí, lệ phí tham quan tại các di tích, bảo tàng, điểm du lịch... do địa phương quản lý; đề xuất Hiệp hội Du lịch Việt Nam và hiệp hội du lịch các địa phương hưởng ứng tham gia và chủ động có kế hoạch triển khai chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”; khuyến khích các doanh nghiệp thành viên xây dựng chính sách giảm giá dịch vụ, phục vụ khách du lịch, phối hợp với các hãng hàng không, vận tải, các bên cung ứng dịch vụ thành lập liên minh kích cầu du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Cung cấp thông tin, thông báo về dịch vụ và giá cả, các khuyến mại, thực hiện đúng cam kết với khách du lịch; đồng thời tích cực xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới và nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách. Xây dựng môi trường du lịch chất lượng, vệ sinh, văn minh, thân thiện và thực hiện tốt các quy định về an toàn trong phòng chống dịch...
Không mặn mà
Theo ông Nguyễn Sơn Thủy – Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, trong tình hình hiện nay việc tập trung vào khách nội địa theo chủ trương của Bộ VH-TT&DL là hợp lý. Tuy vậy, cũng không quá kỳ vọng nhiều vì hiện tại người Việt Nam đã thay đổi xu hướng du lịch do kinh tế khó khăn, người dân còn e dè đi lại, chưa kể thời điểm này học sinh cũng đã trở lại trường, do đó việc thu hút khách nội địa đến Quảng Nam rất khó.
“Trong tuần này hiệp hội sẽ tổ chức họp trực tuyến với các doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ thống nhất tập trung vào khách nội địa. Quan điểm khuyến khích một số doanh nghiệp tiên phong giảm giá sâu để tạo ra những gói kích cầu sốc vì sau dịch vấn đề cạnh tranh vùng rất cao nên phải tạo ra sự nổi bật để thu hút khách; phải có những công cụ mạnh để tạo ra cú hích và các giá trị dịch vụ tốt hơn. Sau khi thống nhất gói kích cầu sẽ chào mời đến đối tác và du khách” - ông Thủy nói.
Một số doanh nghiệp đang sốt sắng với chương trình nhưng ngược lại, tại các điểm du lịch như phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn dường như vẫn đứng ngoài cuộc.
Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn thừa nhận, đơn vị chưa có kế hoạch gì để hưởng ứng chương trình này bởi sản phẩm Mỹ Sơn không phù hợp với khách nội địa.
Tương tự, theo bà Trương Thị Ngọc Cẩm – Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH TP.Hội An, hiện tại đơn vị cũng chưa tính đến phương án trình thành phố xem xét miễn hoặc giảm vé tham quan phố cổ khi mở cửa hoạt động trở lại.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL, việc xây dựng kế hoạch đón khách theo chương trình của bộ vẫn đang được đơn vị nghiên cứu để có giải pháp phù hợp theo đặc thù của Quảng Nam, vì tỉnh vừa ban hành bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên lĩnh vực du lịch. Tuy vậy, từ đây đến cuối năm sở cũng sẽ điều chỉnh chương trình xúc tiến, quảng bá tập trung cho thị trường nội địa trước khi có giải pháp dài hơi hơn.
Ông Nguyễn Sơn Thủy cho rằng, chính quyền và ngành du lịch cần hỗ trợ nhiều hơn cho cộng đồng doanh nghiêp bằng cách tham gia gói kích cầu để tạo sự đồng bộ, qua đó giúp gói dịch vụ phong phú hơn.
“Hiệp hội cũng đã đề xuất Hội An xem xét vấn đề giảm vé hoặc miễn vé nhưng được trả lời là khó vì vướng các thủ tục... Tôi nghĩ, trong tình hình hiện nay các điểm tham quan nên cố gắng tham gia với cộng đồng doanh nghiệp cho đồng bộ và tốt hơn cho gói kích cầu chứ một mình doanh nghiệp dù có chủ động bao nhiêu nhưng ngành du lịch và các địa phương không mặn mà thì cũng khó thành công được” - ông Thủy nói.