Đầu tư phát triển y tế tuyến xã: Thừa và thiếu (bài 1)

XUÂN HIỀN 07/05/2020 10:09

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, các địa phương đều đẩy mạnh đầu tư cho y tế, trong khi vẫn chưa nắm bắt đầy đủ nhu cầu của người dân. Hiện tại, y tế tuyến xã ở miền núi Quảng Nam vẫn còn những khoảng trống về hạ tầng, thiết bị, con người, trong khi đó ở đồng bằng đầy đủ hơn nhưng không thu hút được người bệnh.

Thiết bị y tế hiện đại cấp về Trạm Y tế xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) đành phải nằm kho do không có kỹ thuật viên vận hành. Ảnh: X.HIỀN
Thiết bị y tế hiện đại cấp về Trạm Y tế xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) đành phải nằm kho do không có kỹ thuật viên vận hành. Ảnh: X.HIỀN

BÀI 1: NGHỊCH LÝ Ở TRẠM Y TẾ

Nhiều trang thiết bị đầu tư cho trạm y tế (TYT) xã vẫn chưa một lần sử dụng; có những TYT được xây mới ngay tại nơi vừa có trung tâm y tế, vừa có bệnh viện. Trong khi ở một số nơi, TYT thực sự cần điều kiện để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân lại không có nguồn lực đầu tư.

Thiết bị nằm kho

Bà Trần Thị Trọng - Trưởng TYT xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) cho biết, TYT xã Duy Nghĩa được cấp 2 máy siêu âm và điện tim, tuy nhiên không có kỹ thuật viên vận hành nên từ khi được cấp đến nay máy vẫn ở nguyên trong kho.

Lấy ra từ trong kho của trạm 2 chiếc máy được cấp, một nữ nhân viên của TYT xã Duy Nghĩa cho biết, từ sau khi nhận máy vào năm 2017 đến nay cũng đã có một lần mang ra lắp đặt nhưng không phù hợp với hệ thống máy chủ của trạm, lại thiếu nhiều phụ kiện nên nhân viên không đọc được kết quả, máy lại được cất nguyên kiện vào kho. Thêm một nghịch lý là, khi TYT xã chưa tìm hoặc đào tạo được kỹ thuật viên vận hành thì máy móc đã được cấp về, nên dù thiếu các thiết bị đi kèm cũng không ai có thể phát hiện để thắc mắc.

Tương tự, có nhiều TYT được cấp trang thiết bị y tế khá hiện đại, từ nhiều chương trình khác nhau. Có nơi tranh thủ nguồn từ ngân sách tỉnh; có nơi được trang bị để địa phương đạt chuẩn quốc gia về y tế trong xây dựng nông thôn mới; có nơi được cấp từ các chương trình, dự án, tổ chức phi chính phủ... Tại huyện Duy Xuyên, có 3 TYT xã gồm Duy Hải, Duy Nghĩa và Duy Thành được trang bị 2 loại máy móc khá hiện đại là máy siêu âm và máy điện tim. Bác sĩ Nguyễn Văn Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên cho biết, thiết bị y tế của 2 xã Duy Nghĩa và Duy Thành được tỉnh cấp từ nguồn trái phiếu, các máy của TYT xã Duy Hải do một tập đoàn tài trợ. Do chưa có người vận hành, các loại máy móc, thiết bị y tế này được “nghỉ” dài hạn.

“Lúc cấp và nghiệm thu thì máy móc được mở ra và hoạt động tốt. Tuy nhiên, hiện nay do thiếu nhân lực cộng với cơ chế tài chính thì TYT không hoạt động được vì phải bù chi phí. Nếu thực hiện siêu âm thì phải mua gel, khăn lau, giấy…, mà làm thì bảo hiểm không thanh toán, lấy tiền đâu để bù đắp chi phí” - ông Thạnh nói. Tương tự, ông Chơ Rum Thanh Vòm - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Giang cho biết, trang thiết bị cấp cho TYT hiện nay so với nhu cầu chưa phù hợp, vì bảo hiểm y tế  không thanh toán khi sử dụng trang thiết bị này. Lãng phí là điều hiển nhiên!

Cần, gặp khó; có, không cần

Ngoài việc máy móc được trang bị nhưng không có người vận hành dẫn đến tình trạng máy nằm kho, còn có nghịch lý trong đầu tư xây dựng hạ tầng TYT ở một số nơi. Chẳng hạn ở nơi đã có bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế, bệnh viện tư nhân, việc đầu tư quy mô cho các TYT cần phải có sự cân nhắc nhất định. Bởi theo chia sẻ của một cán bộ trung tâm y tế, mỗi TYT được sửa chữa hoặc xây mới phải mất khoảng 3,5 - 5 tỷ đồng mới đáp ứng cơ sở vật chất và trang thiết bị theo Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế…

Trạm Y tế xã Tiên Cẩm (Tiên Phước) xuống cấp nghiêm trọng đang cần được đầu tư. Ảnh: X.HIỀN
Trạm Y tế xã Tiên Cẩm (Tiên Phước) xuống cấp nghiêm trọng đang cần được đầu tư. Ảnh: X.HIỀN

Tại huyện Duy Xuyên, đến thời điểm này đã có 13 TYT xã được đầu tư sửa chữa hoặc xây mới. Ông Nguyễn Văn Thạnh nói, Duy Xuyên đã hoàn thành các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, trong đó các cơ sở hiện nay đã được đầu tư xây dựng khang trang. Tuy nhiên, cũng tại địa phương này, khi chúng tôi thăm dò ý kiến một số người dân tại các khu vực vùng đông và vùng tây huyện về nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế, phần lớn người dân tại các xã vùng đông lựa chọn đến các bệnh viện tại Hội An; còn người dân vùng tây nghiêng về xu hướng chọn đến Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc đóng tại Đại Lộc. “Từ khi cầu Cửa Đại lưu thông, chúng tôi hầu như đau chi cũng tới Bệnh viện Thái Bình Dương hoặc Bệnh viện Hội An. Còn TYT, nhà có trẻ nhỏ mới đến để tiêm chủng theo lịch” - một người dân xã Duy Nghĩa nói. Tương tự, với cơ sở khá hoành tráng, TYT xã Duy Hải vẫn vắng vẻ dù phòng ốc còn rất mới.

Trong khi đó, tại TYT xã Tiên Cẩm (huyện Tiên Phước), cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng, phòng ốc đều rất cũ, khu vực phía trước trạm đã không còn hoạt động, nhưng vẫn chưa được đầu tư cải thiện hạ tầng. Điều đáng nói là TYT này đảm đương việc chăm sóc y tế của người dân nơi đây rất lớn, bệnh dù nhẹ hay nặng người dân Tiên Cẩm cũng đến trạm trước. Ông Lê Tú Ân - Trưởng TYT xã Tiên Cẩm nói, khu vực phía trước xuống cấp, toàn trạm phải dời hết về khu vực phía sau, phòng ốc chật chội gây khó khăn trong việc khám chữa bệnh cho nhân dân. Trang thiết bị của trạm còn thiếu, một số dụng cụ đã dự trù nhiều năm vẫn chưa được cấp. Tiên Cẩm là một xã vùng núi với hơn 3 nghìn nhân khẩu, cách trung tâm y tế huyện gần 10 cây số, đi lại khó khăn nên khi có bệnh, người dân thường đến trạm thăm khám trước, tuy nhiên một số thuốc được dự trù để nhận nhưng vẫn không có. TYT lại không được khâu vết thương, đây là quyền lợi của người bệnh nhưng không được đáp ứng.

Theo số liệu từ Sở Y tế, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn  50% số TYT xã xuống cấp, trang thiết bị còn thiếu, chủ yếu tại khu vực miền núi. Tại các huyện Nam Trà My, Nam Giang, Đông Giang..., tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đều ở mức rất thấp.

_______

Bài 2: Nút thắt từ nhiều phía

XUÂN HIỀN