Chuyển đổi số là xu thế tất yếu
Đại dịch Covid -19 khiến cuộc sống bị đảo lộn. Một trong những hình thức được áp dụng để duy trì công việc bộ máy hành chính… là ứng dụng công nghệ “ngồi nhà làm việc”. Có thể hình dung chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu đã, đang và sẽ diễn ra ở mọi quốc gia trên thế giới. Việt Nam không nằm ngoại lệ và địa phương cũng phải thay đổi để theo kịp tiến trình phát triển.
“Chuyển đổi số, thành phố thông minh, chính phủ điện tử là một xu thế không thể cưỡng. Siêu kết nối, tự động hóa, thông minh kết hợp công nghệ tiên tiến, sẽ tạo ra sự bứt phá, thay đổi toàn bộ về lực lượng sản xuất. Theo thống kê hiện có hơn 41 quốc gia đã xây dựng các chủ trương chiến lược tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, kể cả các quốc gia kém phát triển hơn Việt Nam và hàng chục quốc gia xây dựng đề án chuyển đổi số quốc gia. Như vậy, không bàn đến chuyện có làm hay không công nghiệp 4.0 mà đó là xu hướng, xu thế tất yếu.
* Thưa ông, dẫu vậy nhưng vẫn còn không ít ý kiến lo ngại. Làm sao để thích ứng?
TS.Nguyễn Đức Hiển: Ngay cả ông tổ đưa ra thuật ngữ cách mạng công nghiệp 4.0 (Henning Kagermann và Siegfried Dais cùng các cộng sự) cũng không biết được tương lai sẽ diễn biến như thế nào. Nhưng có một doanh nhân phát biểu rất hay rằng cách tốt nhất để biết tương lai thì chúng ta phải tạo ra tương lai.
Quan điểm chỉ đạo thứ nhất của Bộ Chính trị (Nghị quyết 52 – NQ/TW ngày 27.9.2019) khẳng định chủ động tham gia 4.0 là nhiệm vụ chiến lược quan trọng, có tính cấp bách và lâu dài. Nghĩa là chấm dứt việc bàn luận có tham gia hay không hoặc tư tưởng thiếu tự tin, bàng quan với cuộc cách mạng công nghiệp này. Chủ động tham gia 4.0 là gì? Đó là chủ động cốt lõi phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh và xây dựng chính quyền điện tử tiến đến chính quyền số. Phải thay đổi hệ thống các cơ quan Đảng, Nhà nước theo hướng số hóa. Không phải cứ đến văn phòng ngồi đó thì cần gì hệ thống thông tin!
Nhà nước tạo môi trường động lực còn doanh nghiệp, người dân làm chủ thể quyết định tham gia. Quan điểm thứ hai của Bộ Chính trị nêu rõ là kịp thời tận dụng các cơ hội để chuyển đổi trong việc triển khai (kể cả thành phố thông minh). Có rất nhiều kịch bản cho chúng ta chuyển đổi rồi thích ứng dần dần làm chủ. Câu chuyện là phải nhìn vào thực tế, thực dụng và hiệu quả trong triển khai dựa vào lợi thế của quốc gia hay địa phương!
* Sẽ không dễ dàng chút nào. Tiền đâu thực hiện, thưa ông?
TS.Nguyễn Đức Hiển: Yêu cầu đầu tiên là đổi mới tư duy. Không phải là chuyện công nghệ (dù quan trọng). Không bàng quan, thiếu tự tin, nhưng cũng không chủ quan, duy ý chí. Cần trước tiên là con người và quy trình. Sau đó là công nghệ. Không ai đặt công nghệ đi trước mà con người với đổi mới tư duy phải được đặt lên hàng đầu! Làm một cuộc cách mạng mới, sáng tạo mà dùng cơ chế cũ thì rất khó. Buộc phải thay đổi tư duy quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Chuyển đổi số không phải là một đề án mà tất cả cấp ngành, địa phương nhìn vào đó để làm răm rắp và đừng hy vọng sẽ thực hiện được ngay. Tất cả phải được cụ thể hóa trong từng ngành, địa phương cụ thể.
Nhà nước đưa ra rất nhiều chủ trương nhưng không bố trí nguồn lực thì không thể triển khai được. Không thể vẽ ra được. Theo quan điểm của tôi là không nên trông chờ vào chính sách của Trung ương. Quảng Nam phải thu hút phát triển công nghiệp hỗ trợ và tạo thương mại điện tử.
* Một khuyến nghị cho Quảng Nam, thưa ông?
TS.Nguyễn Đức Hiển: Ưu điểm của Quảng Nam là công nghiệp - dịch vụ - xây dựng chiếm 88%, nông nghiệp 12%. Có nhiều dư địa, có nhiều ngành như công nghiệp ô tô để “hội nhập” 4.0. Nhưng phụ thuộc quá lớn vào Trường Hải cũng không phải là điều tốt, cần dịch chuyển đa dạng hơn.
Tôi nhấn mạnh, không có địa phương nào có thế mạnh phát triển du lịch như Quảng Nam. Từ di sản, kiến trúc đến ẩm thực và quỹ đất. Nên phát triển du lịch thông minh. Ngành văn hóa cũng đã có đề án, nhưng chờ bộ thì lâu lắm. Tốt nhất là địa phương tự chủ xây dựng, triển khai. Còn dệt may hiện chỉ gia công nên cần hướng đến thiết kế diện tích trồng bông, tạo chính sách, môi trường kinh doanh, phát triển các sản phẩm kỹ thuật số.
Đến Hội An là thanh toán không dùng tiền mặt, tại sao không? Cái này thuộc thẩm quyền của địa phương. Có chính sách phát triển về công nghiệp thông minh về hạ tầng công nghệ, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân địa phương tham dự. Không nên trông chờ vào chính sách của Trung ương mà mạnh dạn phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo ra thương mại điện tử. Còn xây dựng đô thị thông minh không thể làm dàn trải. Nó phải được xuất phát từ điều kiện, yêu cầu của địa phương, phải tạo ra sự khác biệt. Cái gì là quan trọng? Đó phải là hạ tầng xã hội, công nghệ thông tin và truyền thông, hình thành nền tảng cơ sở dữ liệu, nhưng Quảng Nam làm một lúc 4 hay 5 thành phố chì chưa chắc làm được. Đầu tiên phải tích hợp cho được cơ sở dữ liệu có hệ thống rồi sau đó hãy bàn, không thể triển khai mỗi nơi mỗi chút thì dữ liệu (cực kỳ quan trọng) sẽ không đồng nhất được.
* Quảng Nam có thể xây dựng thành công đô thị thông minh, chính quyền điện tử?
TS.Nguyễn Đức Hiển: Khi tư tưởng lãnh đạo quyết tâm xây dựng đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử, chứ không phải mỗi nơi làm mỗi kiểu, tách rời thì sớm muộn gì Quảng Nam cũng sẽ xây dựng nên hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn ứng dụng số hóa một cách triệt để. Nhưng dữ liệu số và hạ tầng dữ liệu, giao dịch trên internet thì quy trình, thủ tục… của các cơ quan phải đơn giản và hợp nhất. Điều cốt lõi là đổi mới tư tưởng, mạnh dạn thuê các dịch vụ, chuyên gia chuyên môn hóa các lĩnh vực này, tránh bộ máy cồng kềnh, không hiệu quả.
Ứng dụng đầu tiên của thành phố thông minh là người dân. Nhưng diện tích và mật độ dân cư phân tán, hiểu biết khác nhau thì điều đầu tiên chỉ cần đơn giản hóa dịch vụ công để người dân vùng sâu, vùng xa có thể sử dụng được. Có thể trong cả đời người dân ấy chỉ có vài ba dịch vụ sẽ được thực hiện như làm chứng minh, khai sinh, báo tử, giấy tờ đất đai… Nếu chỉ có vài thủ tục mà phải lên lịch đào tạo cán bộ thôn bản, dân chúng trong vùng về công nghệ số, công nghệ thông tin, an toàn an ninh mạng một cách máy móc, khi người dân không thể áp dụng kỹ thuật được thì sẽ không bao giờ có thể đạt được.
Quảng Nam cần tăng tốc cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kinh tế số và kinh tế chia sẻ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Quy hoạch xây dựng thành phố thông minh Hội An, Tam Kỳ và Chu Lai. Người dân phải ở vị trí trung tâm, hướng đến mọi thành phần trong xã hội có thể hưởng thụ lợi ích.
Tự địa phương phải chủ động trên nền tảng các hệ thống quy định pháp lý và chính sách hỗ trợ. Phải xác định lộ trình và hình thức đầu tư phù hợp, cần khung pháp lý và sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Bố trí ngân sách cho việc nghiên cứu ứng dụng 4.0 cần cân đối ngân sách theo hướng tăng đầu tư cho khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ… Kinh tế số với hệ thống chung doanh nghiệp trong các chuỗi cung ứng với Khu kinh tế mở Chu Lai là nòng cốt và các khu công nghiệp, kết nối Khu kinh tế Dung Quất. Kinh tế số, đặc biệt là hệ thống chính quyền điện tử tại Tam Kỳ và hệ thống đất đai phải được quản lý bằng GPS, nhúng vào trong hệ thống internet.
Nghị quyết, chương trình hành động tốt nhưng chỉ hỏng một khâu là chẳng ai làm! Phải trả lời cho được câu hỏi nếu không làm thì sao, chứ không phải làm đúng hay sai.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!