Xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế

TRỊNH DŨNG 13/04/2020 04:27

Không chỉ liên tiếp ban hành các chính sách tài khóa, tiền tệ lẫn gói hỗ trợ an sinh, việc xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế hậu đại dịch là câu chuyện được bàn nhiều nhất tại phiên họp Chính phủ vào cuối tuần qua.

Tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, gia tăng đầu tư công, hỗ trợ người yếu thế, lên kịch bản cụ thể phục hồi sản xuất sau đại dịch là một trong những vấn đề được Chính phủ đặt lên hàng đầu. Ảnh: T.D
Tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, gia tăng đầu tư công, hỗ trợ người yếu thế, lên kịch bản cụ thể phục hồi sản xuất sau đại dịch là một trong những vấn đề được Chính phủ đặt lên hàng đầu. Ảnh: T.D

Nền kinh tế chao đảo

Điểm sáng duy nhất được đề cập chính là mức tăng trưởng GDP của Việt Nam cao nhất khu vực khi đạt đến 3,82%, nhưng lại là mức thấp nhất của đất nước trong 10 năm qua, chỉ bằng hơn nửa so kế hoạch đề ra. Đại dịch đã khiến chuỗi cung ứng, giao thương bị gián đoạn. Sản xuất, kinh doanh đình trệ. Doanh nghiệp buộc phải dừng, thu hẹp quy mô hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng… dẫn đến gia tăng thất nghiệp và mất việc làm ngắn hạn.

“Phải quyết tâm biến nguy thành cơ, nền kinh tế phải tăng trưởng tốt, bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho các thành phần yếu thế trong xã hội. Hàng chục triệu dân, hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang chờ đợi các chính sách hỗ trợ sớm đi vào cuộc sống”.

(Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc)

Cuộc khảo sát nhanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hồi cuối tháng 3 và đầu tháng 4, trung bình mỗi tháng có hơn 11.600 doanh nghiệp rời bỏ thị trường. Hiện có khoảng 85% số doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường, 60% doanh nghiệp thiếu vốn, đứt dòng tiền kinh doanh, hơn 40% thiếu nguồn cung nguyên liệu, 43% doanh nghiệp thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm. Khoảng 82% doanh nghiệp cho biết doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019 và có tới 30% doanh nghiệp dự báo có thể sụt giảm tới 30 - 50% và 10% doanh nghiệp buộc phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nói, đây là con số kỷ lục sau hàng thập kỷ kinh doanh. Chưa ai dự báo được khi nào dịch bệnh kết thúc, nền kinh tế khó khắc phục ngay được, khó khăn vẫn chất chồng trên vai doanh nghiệp. Nếu dịch bệnh tiếp tục, sẽ có gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động không quá 3 tháng, và 50% chỉ trụ được nửa năm. Hệ lụy của xu hướng này là hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.

Tăng trưởng GDP, thay vì 6,8% như ấn định đã được dự báo, chỉ còn đạt khoảng 5,32% và 5,05% nếu dịch bệnh được khống chế trong khoảng thời gian tương ứng quý II và III. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng công bố ngân sách Việt Nam sẽ thất thu 140 - 150 nghìn tỷ đồng nếu như đại dịch được khống chế trong quý II. Bội chi ngân sách sẽ tăng từ mức 1,5 - 1,6% lên mức 5 - 5,1%/tổng GDP. Bộ Tài chính dự kiến sẽ vay từ các tổ chức tiền tệ quốc tế 1 tỷ USD.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói chống dịch là mục tiêu chính trị hàng đầu. Ngăn chặn được dịch bệnh mới có thể giảm thiểu tác động đến đời sống xã hội. Nhưng nếu không có biện pháp phục hồi mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh sẽ kéo theo hệ lụy lớn về kinh tế - xã hội. Nền kinh tế sẽ bị gãy đổ, bị âm trong phát triển.

Khẩn cấp xúc tiến kịch bản phục hồi

Không chỉ gói chính sách tài khóa gia hạn thuế, chính sách tín dụng (đã lên 300 nghìn tỷ đồng) và gói hỗ trợ an sinh xã hội đã ban hành ngay cuối phiên họp, một nghị quyết thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, an sinh xã hội và đầu tư công sắp sửa được ban hành được xem như những “cú hích lớn” để vực dậy nền kinh tế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, hiện 23% dư nợ của hệ thống ngân hàng có thể chịu tác động của dịch bệnh. Ngân hàng Nhà nước sẽ cho vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 16 nghìn tỷ đồng với lãi suất 0% để cho vay người lao động bị ngừng việc tạm thời.

“Nguồn lực dự trữ đủ để bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô, đủ tăng sức chịu đựng và điều kiện cho nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Trong bất kỳ tình huống nào, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều hành hệ thống ngân hàng bảo đảm cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế với mức lãi suất cho vay thấp hơn” - ông Hưng nói.

Ngoài nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay sẽ thực thi “lệnh” Thủ tướng Chính phủ cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, nâng mức giảm trừ gia cảnh thu nhập cá nhân, cân đối nguồn lực để bảo đảm chi ngân sách và cam kết sẽ cung ứng đủ vốn, giải ngân 700 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công, góp phần kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói, sẽ tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp xuất khẩu, duy trì thị trường, ổn định sản xuất, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chuẩn bị cho sự phục hồi nền kinh tế sau dịch. Không chỉ giảm giá điện trong thời gian đến, còn thúc đẩy thương mại song phương, đa phương, tăng cầu nội địa phát triển, khai thác cơ hội mới của thương mại điện tử, kết nối cung cầu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phục vụ tốt thị trường 100 triệu dân.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, không phải “hỗ trợ” hay “giải cứu” mà cần kịch bản chính sách có tầm nhìn dài hạn hơn, để đón đầu sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. Sẽ có 3 nhóm giải pháp và 33 nhiệm vụ cụ thể. Một kịch bản vực dậy nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế chuyển sang trạng thái hoạt động mới, đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vốn giải ngân 30 tỷ USD rất lớn, cần quyết liệt để giải ngân 100%. Đến tháng 9.2020, sẽ tổng hợp. Nếu các dự án giải ngân dưới 60% sẽ điều chuyển vốn, ưu tiên các dự án chống biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn…

TRỊNH DŨNG