Tai vạ từ câu chữ
Trong các cuộc chơi của con người, văn chương có lẽ là cuộc chơi bền bỉ nhất, thú vị nhất, mà cũng nhiều hoang tưởng nhất.
Trần Đức Lương trong tựa Trích Diễm thi tập đã từng phát biểu rằng cái hay của văn chương là vị ngon ngoài cả vị ngon, còn nhân vật Hộ trong Đời thừa của Nam Cao thì tuyên bố dẫu có bạc vạn cũng không đổi được cái thú khi thấm thía một câu văn, đúng ba câu!
Song, cái tai vạ cũng không kém phần... hoành tráng!
1. Tai vạ tầm cỡ nhất có lẽ đến từ một hoang tưởng nghệ thuật của một vị hoàng đế: Nê-rông của đế quốc La Mã, trị vì từ năm 54 đến năm 68 trước Công nguyên.
Nê-rông là một vị vua, biết làm thơ, biết chơi đàn. Chuyện không dừng ở đó, quyền lực vô tận thì hoang tưởng cũng vô tận, Nê-rông nghĩ mình là nghệ sĩ lỗi lạc. Và để cho thiên tài tỏa sáng, nhà vua đã cho thiêu rụi cả kinh thành Rô-ma, chỉ có ngọn lửa vĩ đại, ngọn lửa than khóc ấy mới kích hoạt được năng lượng nghệ thuật vĩ đại của người. Và nhà vua đã đi vào sử sách không phải với tư cách một nghệ sĩ vĩ đại mà với chứng tích của một bạo chúa!
Tai vạ câu chữ có lẽ lâu đời nhất cũng đến từ một hoàng đế: Tần Thủy Hoàng (247 – 221 TCN). Song khác với Nê-rông, ông vua này có lẽ ít học nên rất ghét, rất đố kỵ những người có chữ. Để tuyệt đường văn tự, ông vua này đã đốt sạch sách vở xưa, chỉ giữ lại những sách vở mà ông xem là vô hại, và chôn sống nhiều Nho sĩ, riêng kinh thành Hàm Dương đã có đến 460 Nho sĩ bị chôn sống. Ngọn lửa Tần Thủy Hoàng có lẽ không vĩ đại như ngọn lửa của Nê-rông nhưng tầm cỡ bách hại thì có lẽ vượt xa. Phía sau những bạo chúa luôn lấp ló một lũ nặc nô. Đạo diễn cho sự độc tài của Tần Thủy Hoàng là Thừa tướng Lý Tư.
Vào triều đại nhà Thanh, nhiều vụ Văn tự ngục diễn ra. Kim Dung, vua tiểu thuyết võ hiệp có kể về một vụ Văn tự ngục liên quan đến gia tộc mình:
Một vị tổ tiên của Kim Dung (Tra Lương Dung) là Tra Tự Đình, năm Ung Chính thứ 4 làm Thị lang bộ Lễ, được cử làm chủ khảo trường thi Hương ở Giang Tây, ra đề thi “Duy dân sở chỉ”, toát ý từ câu “Bang kỳ thiên lý, duy dân sở chỉ” có nghĩa là nước rộng ngàn dặm, duy dừng ở dân. Có người tố cáo với Ung Chính, nói rằng hai chữ Duy Chỉ là hai chữ Ung Chính bỏ phần đầu, ra đề thi như vậy là xúi dân lấy đầu vua. Tra Tự Đình bị hạ ngục. Ung Chính hạ lệnh phanh thây, con trai cũng chết trong ngục, gia sản bị tịch biên.
Cách mạng văn hóa Trung Quốc năm 1966 kéo dài 3 năm, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 1,5 triệu văn nghệ sĩ, trong đó có những tên tuổi lớn như Giáo sư Lương Thấu Minh, sử gia Cố Việt Hương, nhà văn Thẩm Tòng Văn...
2. Ở Việt Nam, vạ văn tự nổi tiếng liên quan đến Nguyễn Văn Thành, công thần khai quốc triều Nguyễn, Tổng trấn Bắc thành. Thành có con là Nguyễn Văn Thuyên thi đỗ Hương cống, thích làm thơ ngâm vịnh. Nguyễn Văn Thuyên có làm bài thơ gửi bạn ở Thanh Hóa, thơ rằng:
Văn đạo Ái Châu đa tuấn kiệt,
Hư hoài trắc tịch dục cầu ty.
Vô tâm cửu bảo Kinh Sơn phác,
Thiện tướng, phương tri Ký Bắc kỳ.
U cốc hữu hương thiên lý viễn,
Cao vương minh phượng cửu thiên tri.
Thư hồi được đắc sơn trung tể,
Tá ngã kinh luân chuyển hóa ky.
Dịch nghĩa là:
Ái châu nghe nói lắm người hay,
Ao ước cầu hiền đã bấy nay.
Ngọc phác Kinh Sơn tài sẵn đó,
Ngựa kỳ Ký Bắc biết lâu thay.
Mùi hương hang tối xa nghìn dặm,
Tiếng phượng gò cao suốt chín mây.
Sơn tể phen này dù gặp gỡ,
Giúp nhau xoay đổi hội cơ này.
Thơ xưa hay cốt ở khí. Bài thơ của Thuyên thật khí phách, giàu tự tin, người thơ ấy là có vận quan cách. Oan nghiệt là Nguyễn Văn Thành công quan đều đầu đẳng nên nhiều người ghét. Có người dâng lên vua Gia Long bài thơ và hạch tội muốn làm phản loạn của Thuyên. Đã là vua, quyền bính cả nước, thì án này thà tin rằng có hơn ngờ là không. Cả nhà Nguyễn Văn Thành bị bỏ ngục. Thành bị ép uống thuốc độc chết trong ngục. Nguyễn Văn Thuyên chịu án chém.
Thẩm tra lại thấy các vụ án văn tự đều liên quan đến quyền lực của các bậc đế vương. Thế mới biết vua không ưa gì chữ.
Ngẫm thế mới thấy sự tự do câu chữ ở chế độ ta thật sướng. Bút Tre làm thơ tếu táo tứ bề, ngoa thoại còn nói ông châm chích Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (không biết thật giả bao nhiêu), song câu bất hủ dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì có thật và rất phổ biến:
Hoan hô đồng chí Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên lẫy lừng.
Vậy mà ông Bút Tre ngoài đời vẫn nghiễm nhiên tại vị Trưởng ty Văn hóa Phú Thọ!
Vậy nên, văn cũng phải phùng thời!