Thay đổi thói quen, cân bằng cuộc sống
Huỳnh Thị Sương (ở phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn) cho biết, để thích nghi với cuộc sống thời dịch Covid-19 thì phải thay đổi lịch sinh hoạt thường nhật của mình. Từ khi dịch bệnh bùng phát, Sương và gia đình thực hiện hạn chế ra khỏi nhà nếu không có việc cần thiết. Việc đeo khẩu trang cũng như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng được ghi nhớ tốt hơn.
Những người lâu nay được xếp vào nhóm năng động, ưa di chuyển, thích bay nhảy, hẹn hò,... cũng đồng loạt rủ nhau gác lại hoặc đưa các hoạt động quen thuộc ở bên ngoài về nhà.
Chị Thu Liễu (31 tuổi, nhân viên văn phòng, trú phường An Xuân, TP.Tam Kỳ) chia sẻ, hết thời gian ở văn phòng thay vì bình thường đi cà phê với bạn bè, cùng ăn uống bên ngoài, thì thời gian phòng chống dịch Covid-19, chị và chồng ở nhà nhiều hơn, chăm nấu nướng hơn và có thời gian trao đổi với nhau, cùng uống trà, đọc sách.
“Cuộc sống đảo lộn vì dịch bệnh là điều không ai muốn. Bởi vậy, chúng tôi tự thấy phải thích ứng với hoàn cảnh, tự cắt giảm chi tiêu, sống đơn giản hơn, tiết kiệm hơn và thay đổi những thói quen thường nhật” - chị Liễu nói.
Tạm dừng những hoạt động đời thường trong khoảng thời gian dài nhất định cũng là cách nhiều bạn trẻ đang làm. Nhiều bạn trẻ Việt Nam đã hưởng ứng Hashtag #toionha và chia sẻ mạnh mẽ để góp phần hạn chế chuyện đi lại trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Lướt một vòng mạng xã hội, không khó để bắt gặp bạn trẻ thi nhau “bắt trend”. Trend - xu hướng trong “mùa Cô Vy” đơn giản chỉ là một người cầm tấm bảng ghi tên mình kết hợp một câu nói vần điệu gắn với tên nhằm chia sẻ hoạt động của mình những ngày ở nhà.
Theo đó, xu hướng mới ra đời bởi những bạn trẻ với mong muốn lan truyền nguồn năng lượng dồi dào và cảm hứng tích cực với mọi người trong những ngày cả nước chung tay phòng chống dịch Covid-19.
Những ngày qua, khi các quán ăn, cửa hàng tạm dừng hoạt động, vợ chồng anh Trần Văn Nam (33 tuổi, chủ cơ sở cơ khí) cùng nhau nấu, pha chế rồi ăn sáng, cà phê ở nhà và cảm thấy như thế khá thú vị - điều mà lâu nay vợ chồng anh không có cơ hội để nhận ra.
Còn anh Quân (nhân viên một công ty sự kiện và quảng cáo) cho hay, lâu nay cứ đi làm về tới nhà cơm nước xong thì nằm lướt mạng cho đến khi đi ngủ. Từ lúc công ty cho nhân viên làm việc online ở nhà, anh có thêm thời gian để tĩnh tâm, suy nghĩ. Anh tự tay dọn dẹp lại phòng ngủ rồi trang trí bàn làm việc, ngủ nghỉ đúng giờ giấc và siêng tập thể dục hơn trước. “Thời gian này đã cho tôi cơ hội tự refresh - làm tươi mới lại chính mình” - anh Quân chia sẻ.
Thay đổi thói quen hàng ngày để cân bằng cuộc sống, nhiều bạn trẻ đã chia sẻ bí quyết cùng nhau vượt qua “cuộc chiến” chống dịch bệnh. Chị Thu Liễu nói: “Vợ chồng tôi tìm một thứ mới mẻ để cùng học, cùng làm, như dạy hai con cách đánh đàn, học ngoại ngữ. Thỉnh thoảng chúng tôi chơi cờ cùng nhau”.
Anh Lưu, chồng chị Thủy cho hay, điều ý nghĩa nhất mà anh nhận ra là việc dạy con học hay chăm sóc con cái, nấu ăn, làm việc nhà... không hề là những chuyện nhỏ hay giản đơn như anh từng đã nghĩ. Anh cùng vợ chăm nấu ăn hơn, thay vì thói quen ăn uống ở ngoài tiệm tốn kém và không an toàn. Quãng thời gian này giúp anh biết trân trọng công việc của những người mẹ, người vợ và cả những người thầy, người cô vẫn làm thường ngày mà không một lời ta thán.
“Hãy nhìn tất cả như là một cơ hội, thay vì cứ chán chường trong thời gian phòng chống dịch bệnh. Hãy tìm niềm vui để học thêm những điều mới mẻ, và để yêu thương nhau hơn” - anh Lưu trải lòng.