Xin đừng kỳ thị
Cuối tuần, gia đình người hàng xóm của tôi có các con từ Đà Nẵng, Ninh Thuận về quê để chuẩn bị đám giỗ người thân. Họ đến một quán cà phê ở thị trấn. Khuôn viên sân sau của quán vài bàn đang có khách ngồi. Khi thấy gia đình họ đi vào, ở các bàn đó toàn bộ khách đứng lên, bưng bê ly tách để chuyển ra ngồi ở khu sân trước của quán.
Kể câu chuyện của gia đình mình mà bà T. chạnh lòng. Bà nói: “Chắc họ sợ các con tôi từ những vùng có người bị dịch bệnh về sẽ mang mầm bệnh, nên họ sợ mà tránh xa. Tụi nó ở những địa phương đó thôi, chứ có tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với bất cứ ai có bệnh đâu mà họ ứng xử khủng khiếp vậy. Chắc họ nghĩ, cứ về từ vùng có dịch bệnh là nguy hiểm cả, nên họ xa lánh như thế. Rồi hàng xóm thấy con cháu tôi về cũng không qua nhà luôn, mọi khi thì xóm làng rôm rả, hễ thấy có con cháu nhà nào đi làm ăn xa về thì đến vui cùng. Khi các con tôi đi lại, tui buồn quá không dám đến nhà ai trong xóm bởi họ cũng cửa đóng then cài kín mít như sợ mình ghé qua vậy”.
Những con người đang ngày đêm căng mình điều trị cho bệnh nhân Covid-19 - đội ngũ y bác sĩ cũng đối diện với sự kỳ thị, càng trở nên buồn lòng hơn. Nói như rót bầu tâm sự, bác sĩ Đinh Đạo - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam tỏ bày: “Y bác sĩ của chúng tôi từ ngày bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 đã đối mặt với sự kỳ thị đến từ người dân trong khu vực. Không chỉ y bác sĩ, nhân viên bệnh viện mà cả người thân của họ đang sinh sống ở các khu dân cư cũng bị xa lánh. Nghe nhiều anh em kể mà tôi thấy buồn, người nhà của họ bị hàng xóm nói thẳng là không được đến nhà họ, trẻ con không được qua nhà họ chơi để phòng tránh lây nhiễm bệnh”.
Khi bệnh nhân được tiếp nhận, các ê-kip được phân công trực chiến tại bệnh viện đã xác định “ra trận”, xách ba lô ra khỏi nhà là không thể quay trở về trong ít nhất gần cả tháng trời. Gia đình họ đó, con cái họ đó, họ đành gửi cho ông bà, người thân chăm nom để cống hiến vì sức khỏe nhân dân. Thay vì thay ca kíp theo phương án là mỗi ca trực gồm 2 bác sĩ, 7 điều dưỡng, 2 hộ lý, mỗi ca trực làm việc liên tục trong 12 tiếng đồng hồ và nghỉ ngơi tại chỗ trong khu cách ly 24 tiếng; y bác sĩ đã đề xuất lãnh đạo bệnh viện để họ tình nguyện làm việc liên tục trong 1 tuần liền, thậm chí 10 ngày liền trong khu cách ly đặc biệt, nghỉ ngơi ngay trong khu cách ly, nhằm hạn chế sự hao hụt nhân lực.
Khi ca trực mới vào thay thế, thì ca trực cũ ra ngoài để nghỉ cách ly 14 ngày tại khu cách ly trong khuôn viên bệnh viện, bố trí phù hợp đảm bảo sức khỏe và tránh lây nhiễm chéo cho nhân viên, cho cộng đồng. Họ xung phong, sẵn sàng hy sinh sức khỏe của bản thân để làm việc vì cộng đồng, thậm chí đối diện với nguy cơ lây nhiễm bệnh như trường hợp 2 điều dưỡng ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Điều đó những người nơi tuyến đầu chống dịch không sợ, mà họ sợ nhất là bị kỳ thị, người thân họ bị xa lánh.
Y bác sĩ đang căng mình vì sự bình yên của người dân, vì sức khỏe của cộng đồng, họ xứng đáng nhận được tình cảm trân quý của mọi người hơn là những ánh nhìn dò xét. Xin đừng kỳ thị, và hãy cùng nhau hành động, bảo vệ sức khỏe bản thân, chung tay cùng cộng đồng để đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, để con trẻ lại được tới trường, để người người nhìn nhau bằng ánh mắt an yên.