Thơ thẩn ở Phong Nam
Nép mình ngay bên quốc lộ sầm uất và con đường thiên lý Bắc-Nam chộn rộn tự bao đời nhưng làng Phong Nam (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) vẫn giữ được không gian thanh bình với những nét đẹp mộc mạc qua thăng trầm của dòng chảy lịch sử.
1. Nhìn trên bản đồ, làng Phong Nam (xã Hòa Châu) như lọt thỏm giữa tuyến quốc lộ 1 và tỉnh lộ ĐT605. Làng Phong Nam hiện nay chỉ là một phần của làng Phong Lệ rộng lớn hơn trước kia.
Theo các cụ cao niên trong làng, vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 họ được nghe ông bà, cha mẹ của họ kể lại rằng, dòng sông Cầu Đỏ khi đó chỉ là một con lạch nhỏ, mùa nước cạn có thể lội qua lội về nên chưa phải là ranh giới của làng. Sau này, sông dần mở rộng ra nên mọi người đã gọi phần đất phía nam con sông Cầu Đỏ là Phong Lệ Nam còn phần phía bắc của sông là Phong Lệ Bắc, dần dà gọi gọn dần thành Phong Nam và Phong Bắc.
Sau này, chính quyền địa phương tiếp tục “tách” làng thêm một bận nữa khi chia thôn Phong Nam thuộc huyện Hòa Vang còn đưa thôn Phong Bắc về quận Cẩm Lệ. Dù vậy mỗi đợt chạp họ, chạp làng thì con dân nơi này đều tụ về chốn cũ.
Gió rì rầm đưa hương lúa non từ cánh đồng len lỏi qua các ngóc ngách vào làng. Ánh nắng chiều xua đi thời tiết ẩm ương, mưa rét. Trong sân nhà thờ tiền hiền chư tộc của làng, bầy trẻ hồn nhiên túm tụm nhau chơi trốn tìm càng làm cho Phong Nam “đặc quánh” vị làng dù khu vực này chỉ cách trung tâm TP.Đà Nẵng chừng 10 cây số.
Nhà thờ chư tộc Phong Nam mang dáng dấp đặc trưng của văn hóa đình làng Việt, có niên đại hơn 100 năm, trên mái còn nguyên lớp ngói âm dương và bên trong có nhiều bức chạm khắc long, lân, quy, phụng, trúc, liễu, tùng, mai.
Cách đó không xa là chợ Phong Nam, chợ đã được xây mới khá kiên cố nhưng quanh cảnh buôn bán dường như chẳng khác gì các phiên chợ làng ngày cũ. Gọi là chợ nhưng đếm đi đếm lại chưa được chục sạp nhỏ và chỉ bán đồ lặt vặt cho người trong làng. Trời đã về xế chiều, có bà cụ vẫn chống tay vào gối phẩy ruồi mong bán nốt mớ cá đồng còn lại để kịp về bữa cơm tối ở cuối làng.
2. Dạo quanh Phong Nam không khó để tìm thấy những gốc cổ thụ trơ lá sau mùa đông dài lê thê hay một vài bóng nhà cổ nằm thấp thoáng sau những vườn trái cây sum sê. Tính ra, trong làng còn giữ được 4 ngôi nhà cổ có tuổi đời xấp xỉ hai trăm năm.
Ngôi nhà của cụ Ông Thị Mãng - hậu duệ của danh sĩ Ông Ích Khiêm nép mình bình yên sau lũy tre làng là một trong số đó. Bà cụ bộc bạch rằng nơi này vừa là nhà ở, vừa là nơi thờ phụng tiền nhân, cũng là chốn để con cháu sum vầy những ngày lễ, tết.
Cũng như bao ngôi cổ khác rải rác ở Điện Phương (Điện Bàn), Tiên Châu (Tiên Phước) có lẽ thâm tâm của họ chỉ mong là mái ấm để trú ngụ chứ không mong gì mai này sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách.
Nếu ở Điện Tiến (Điện Bàn) có lễ tịch điền cầu mong mùa màng tốt tươi thì ở Phong Nam cũng có lễ rước mục đồng một thời vang bóng để tôn vinh Thần Nông và vọng về những đứa trẻ chăn trâu ngày trước.
Theo ông Ngô Văn Nghĩa, một bô lão trong làng: “Lễ rước mục đồng không biết có tự bao giờ nhưng đến năm 1936 thì bị gián đoạn bởi chiến tranh. Mãi đến năm 2007 lễ mới được phục dựng và theo thông lệ thì ba, bốn năm sẽ được tổ chức một lần”.
Ở đó không còn hình bóng lam lũ, một nắng hai sương của người nông dân mà chỉ còn tiếng cười, sự nô nức của con trẻ và mọi người. Ở đó câu ca “Ai bảo chăn trâu là khổ?” như có câu trả lời. Điện Tiến không xa Hòa Châu, câu chuyện mở ra để nhắc rằng nơi này cũng từng là một vùng đất nông nghiệp trù phú và khát vọng lao động, sản xuất của người dân địa phương.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, dù là đô thị phát triển song du lịch văn hóa, nông nghiệp, nông thôn vẫn là một trong những trọng tâm ưu tiên phát triển của thành phố và địa bàn trọng điểm hướng đến là huyện Hòa Vang, trong đó có làng cổ Phong Nam với phương án tiềm năng là phục dựng, bảo tồn nhà cổ, phát triển làng sinh thái, văn hóa Phong Nam.