Sagarika Sriram - "chiến binh xanh"

NAM VIỆT 28/01/2020 08:08

(Xuân Canh Tý) - Sagarika Sriram (14 tuổi), một nữ sinh tại thành phố Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) vừa được Liên hiệp quốc ca ngợi là người truyền cảm hứng, đặc biệt cho giới trẻ, vì một hành tinh xanh.

Sagarika Sriram chăm sóc vườn cây gia đình. Ảnh: UNEP
Sagarika Sriram chăm sóc vườn cây gia đình. Ảnh: UNEP

Hành động vì hành tinh xanh

Thế hệ trẻ ngày càng quan tâm đến các vấn đề toàn cầu, từ bình đẳng giới đến biến đổi khí hậu. Học sinh, sinh viên ở đất nước Lebanon vừa phát động chiến dịch trồng cây và tham gia các sáng kiến nâng cao nhận thức giải quyết ô nhiễm không khí, theo kế hoạch Plant For The Planet (Góp xanh cho hành tinh). Đây là chương trình của Quỹ sáng lập Yves Rocher với mục tiêu trồng 100 triệu cây xanh trên thế giới trong giai đoạn 2015 - 2020.

Còn tại Bahrain, thanh thiếu niên tổ chức chiến dịch làm sạch biển trên quy mô lớn, hưởng ứng chiến dịch “Biển sạch” trên toàn cầu của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) phát động từ năm 2017. Greta Thunberg, nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi người Thụy Điển từng gây chấn động tại các hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu với những bài phát biểu nhiệt huyết và cảm xúc về tình trạng khẩn cấp khí hậu, được tạp chí Time của Mỹ vinh danh là “Nhân vật của năm 2019”.  

Đông đảo giới trẻ toàn cầu đã đồng loạt hưởng ứng các chiến dịch hành động vì hành tinh xanh của Liên hiệp quốc cũng như khởi xướng nhiều sáng kiến vì môi trường bền vững. Đặc biệt, họ khai thác sức mạnh của công nghệ tiên tiến để chia sẻ thông tin, lan tỏa những hành động đẹp, thiết thực vì môi trường sống và vận động nhiều người cùng tham gia.

Phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng rất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Sriram là nguồn cảm hứng để thúc đẩy thay đổi hành vi vì môi trường: tái chế, tái sử dụng và chuyển sang sống xanh.

(Bà Nora Isayan, chuyên gia của UNEP)

Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch” do Australia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) phát động trên phạm vi toàn cầu, tổ chức định kỳ vào tuần thứ 3 tháng 9 hàng năm đến nay được nhiều nước trên thế giới ủng hộ.

Ví như: #Youth For Zero Waste, một chiến dịch nói không với rác thải nhựa giới trẻ khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát động và hưởng ứng tích cực. Các thành viên của tổ chức Thanh thiếu niên nói không với rác nhựa tại Philippines, bên cạnh vận động giảm rác nhựa tại các địa phương nơi các em sinh sống là tổ chức các buổi trại hè không rác nhựa cho học sinh, sinh viên tại nhiều trường học. Chương trình được xem là những ngày thực tế hiệu quả để sau này các trại viên sẽ tổ chức tuyên truyền, vận động lối sống xanh trong thanh thiếu niên. 

“Chiến binh xanh” 

Sagarika Sriram - một nữ sinh tại thành phố Dubai là gương mặt nổi bật trong bảo vệ môi trường. Sriram kể lại, khi lên 10 tuổi, em tình cờ đọc bài báo về một sự cố tràn dầu trên biển khiến cá voi bị trôi dạt vào bờ, hoặc những chú rùa được phát hiện đã chết với rác thải nhựa đầy trong dạ dày. Sriram không thể hiểu vì sao có nhiều người lại gây ra tác hại cho môi trường như vậy, khiến động vật dưới biển bị đe dọa.

10 tuổi, Sriram tham gia khóa học từ xa để tự mình lập trang web vì môi trường, vì một thế giới xanh và bền vững hơn, có tên k4bworld.com. Qua đó, Sriram khuyến khích mọi người hành động thiết thực để góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.

Học sinh châu Phi hưởng ứng chiến dịch góp xanh cho hành tinh. Ảnh: internationaltreefoundation.jpg
Học sinh châu Phi hưởng ứng chiến dịch góp xanh cho hành tinh. Ảnh: internationaltreefoundation.jpg

Sriram giới thiệu: “Tôi bắt đầu k4bworld.com vì tình yêu dành cho động thực vật, cây xanh và đại dương. Tôi không muốn thấy hành tinh của chúng ta trở nên xấu xí và ô nhiễm. Tôi bắt đầu suy nghĩ về những cách mà tôi có thể tạo ra sự khác biệt và bây giờ tôi muốn các bạn tham gia vào nỗ lực đó cùng tôi”.

Nhiều năm qua, Sriram tham gia dự án thu gom rác thải tại địa phương, sau đó gửi đi tái chế. Thỉnh thoảng sau giờ học, Sriram thu gom rác trên các bãi biển hoặc trên sa mạc ở Dubai. Cô bé còn gõ cửa từng nhà, cung cấp thông tin phân loại rác thải, quản lý chất thải bền vững, tái chế, tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm để bảo vệ môi trường sống.

Hoạt động của Sriram được mọi người trong thành phố của em ủng hộ tích cực. Cứ mỗi 4 tuần, Sriram đến thu gom khoảng hơn 1.000 giấy thải các loại ở các gia đình để mang tới trung tâm tái chế ở địa phương. Hiện nay, trang web k4bworld.com có khoảng 35.000 lượt truy cập, trong đó nhiều học sinh cùng trang lứa Sriram viết thư bày tỏ mong muốn được gia nhập dự án môi trường cùng Sriram hoặc tại địa phương nơi các em sinh sống.

Sriram cũng thành lập một chương trình có tên là “Mùa hè bền vững”, chủ yếu vận động, tập trung học sinh tại khu vực tham gia các hoạt động mùa hè ý nghĩa, như thảo luận và tìm hiểu thông tin về biến đổi khí hậu, đưa ra các sáng kiến và hành động vì môi trường.

Với Sagarika Sriram: “Chúng ta đều có thể là những người thay đổi cuộc sống, thay đổi thế giới này. Sức mạnh kỹ thuật số sẽ lan tỏa những hành động đẹp vì môi trường”. Sriram cùng gia đình em trồng rau, củ, quả trong vườn và hướng đến một cuộc sống không với rác thải nhựa.

NAM VIỆT