Sẵn sàng chăm sóc sức khỏe cho dân
Sở Y tế vừa yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành có kế hoạch đảm bảo tốt công tác cấp cứu, khám chữa bệnh phục vụ người dân tại các cơ sở khám chữa bệnh vào dịp Tết Nguyên đán.
Đảm bảo cung ứng thuốc
Từ giữa tháng 12.2019, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có công văn về việc đảm bảo cung ứng thuốc chữa bệnh dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Theo đó, Cục Quản lý dược yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm kiểm soát bệnh tật khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc, sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Đồng thời, chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy do virus Rota, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp... có nguy cơ bùng phát trong mùa đông xuân, nhất là dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội. Cùng với đó, sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các bệnh viện, doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ và tăng cường các biện pháp quản lý để tránh tình trạng tăng giá thuốc đột biến vào dịp nghỉ lễ kéo dài và khi bùng phát dịch bệnh.
Tại Quảng Nam, tình trạng trữ thuốc để tăng giá trong dịp tết gần như không xảy ra trong vài năm trở lại đây. Đại diện hiệu thuốc M.A trên địa bàn TP.Tam Kỳ cho biết, gần như không có tình trạng gia tăng đột biến cũng như tăng giá thuốc tại TP.Tam Kỳ. Một yếu tố quan trọng nữa là hiện nay đã có phần mềm quản lý hóa đơn thuốc, các bệnh viện đều làm việc 24/24 giờ nên người bệnh không đến nỗi phải mua thuốc để trữ sẵn như nhiều năm trước.
Sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân
Theo khuyến cáo từ ngành y tế, để đảm bảo sức khỏe trong dịp tết cần chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, chả, mứt, bánh kẹo, rượu, nước giải khát..., bên cạnh việc tăng cường quản lý từ các cơ quan chức năng, người dân nên cẩn thận khi chọn mua và sử dụng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.
Tết Nguyên đán thường là dịp cao điểm tiếp nhận, điều trị bệnh nhân bị tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, nguy cơ các bệnh về nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp... thường tăng lên do thời tiết thay đổi. Do đó, các đơn vị khám chữa bệnh đã xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể đảm bảo tổ chức tốt công tác thường trực cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân trước, trong và sau tết. Cùng với đó, dịp lễ, tết, lượng bệnh nhân bị tai nạn giao thông, ngộ độc rượu thường tăng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các vụ cần cấp cứu vào dịp tết tăng đột biến. Bác sĩ Tô Mười - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam cho biết, hiện nay, các phương án dự trữ thuốc, dịch truyền, máu, trang thiết bị cũng như các phương tiện chăm sóc và hỗ trợ cấp cứu cần thiết đã được bệnh viện trang bị chu đáo, sẵn sàng ứng phó khi có bệnh xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, các bệnh viện hiện nay đã xây dựng kế hoạch sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, tai nạn cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, sở yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm, tại các điểm vui chơi, lễ hội... Ngành y tế cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức trực tết đầy đủ 24/24 giờ trong các ngày nghỉ, giải quyết kịp thời ca cấp cứu vào mọi thời điểm. Đặc biệt lưu ý để có phương án xử lý các bệnh cấp cứu đối với người già, trẻ em, đường dây nóng phải đảm bảo thông suốt theo quy định, kiện toàn các đội cấp cứu lưu động và xây dựng phương án thu dung cấp cứu, điều trị bệnh nhân để sẵn sàng đáp ứng trong các tình huống khẩn cấp...