Nghe đất trở mình
Sau mấy thập niên, dường như nhiều cư dân vùng cát Điện Bàn đang đối mặt với một cơn vật vã khác cũng chính trên mảnh đất quê nhà. Thay vì “đầu tắt mặt tối” trên từng vồng khoai, ruộng lúa như trước kia, giờ đây họ lao đao với cuộc trở mình của đất cứ dập dìu lên xuống giá ngày qua ngày.
1. Mấy năm gần đây, từ khi lên thị xã người ta mới tập quen với tên gọi “5 phường vùng đông” để chỉ các phường Điện Nam Ngọc, Điện Dương, Điện Nam Đông, Điện Nam Trung và Điện Nam Bắc, còn bao đời nay cư dân chỉ quen với danh xưng “ba xã vùng cát” khi nhắc đến vùng đất này.
Ông Lê Văn Đàn (quê phường Điện Ngọc) kể với chất giọng ồm ồm đặc trưng miệt biển: “Cha mẹ tôi bám trụ khai khẩn đất này từ trước năm 1945 được 3.000m2 đất, ở miết đến chừ. Nhưng khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì được trả lời chỉ được chuyển đổi tối đa 1.500m2 đất, còn lại là đất cây lâu năm, ao vườn. Nghe sao vô lý quá?”.
Ở vùng này, chuyện như ông Đàn không hiếm. Là bởi những năm 80, 90 của thế kỷ trước, đất rẻ như cho, có chỗ dọc miệt biển rộng bát ngát heo hút người, các hộ dân thích ở đâu thì ở, khoanh bao nhiêu đất thì khoanh, có hộ còn chả buồn đi đăng ký làm sổ đỏ hoặc khai với diện tích ít đi khi làm sổ vì ngại… nộp thuế phí các loại.
Ông Nguyễn Đạt - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn phân tích, bà con ở vùng giải tỏa thì thấy giá cả bồi thường lúc nào cũng thấp, mà thực sự là nó thấp hơn so với giá thị trường. Nhưng cũng miếng đất đó bà con khi làm nghĩa vụ đất đai đối với Nhà nước trong quá trình chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất thì lại thấy giá quá cao, thế là “vướng” thôi.
Hơn một năm nay, xe cộ lưu thông từ Hội An ra Đà Nẵng theo tuyến ĐT607 có thể thở phào khi dự án đã tái khởi động và cơ bản đã hoàn thiện đoạn qua Điện Bàn. Ngặt nỗi, ai đi ngang qua đoạn thuộc phường Điện Nam Đông cũng phải tạt tránh chướng ngại vật và tò mò vì sao còn một đoạn có mấy chục mét lại không làm nốt cho xong.
Số là, khu vực đó có phần đất của ông Văn Thế. Ông Thế cho rằng diện tích bồi thường của mình bị thiếu, còn đơn giá bồi thường thì không thỏa đáng nên chưa giải tỏa. Thế là xe cộ đành phải “chịu khó” tạt qua làn một chiều đối diện “đi đỡ” một đoạn khi đến khu vực này. Hỏi ra mới biết, ở giai đoạn 4 của việc thi công tuyến ĐT607 có 562 trường hợp cần phải giải phóng mặt bằng, đến bây giờ còn đúng 2 hộ là chưa bàn giao đất trong đó có hộ ông Thế. “Đấy, dự án Nhà nước giải tỏa còn nhiêu khê như thế huống hồ chi là các dự án tư nhân” - ông Nguyễn Đạt tâm tư.
Những dự án tư nhân đang trong quá trình kiểm kê, lên phương án và áp giá bồi thường đang gặp khó khăn mà lãnh đạo địa phương đề cập rải rác khắp vùng đông Điện Bàn. “Chủ đầu tư họ bồi thường bất nhất khiến chúng tôi chấp hành chủ trương bàn giao đất sớm chịu thiệt thòi” - một người đàn ông trung niên sống ven sông Cổ Cò đã vào khu tái định cư từ năm 2012 chua chát nói.
Và thế là câu chuyện râm ran, người ta cứ rỉ tai nhau khi “trúng” dự án thì cứ ở đó xem họ bồi thường các nhà khác trong làng mình ra sao đã. Ở vùng ven biển Điện Dương, câu chuyện còn tréo ngoe hơn khi doanh nghiệp bồi thường xong rồi bỏ bê đất hơn chục năm trời chẳng buồn triển khai, còn người dân nhận tiền xong xuôi cứ thế lại canh tác, xây dựng các kiểu. Đùng cái, đơn vị khác được chuyển giao lại nhảy vào muốn “xây thật, làm thật” thì sinh chuyện bởi người dân tiếc rẻ cái giá bồi thường bèo bọt mà họ “trót” chấp nhận hồi đầu thế kỷ 21.
2. Đợt rồi, một dự án condotel đình đám ở Đà Nẵng “vỡ trận” khi không kham nổi những khoản lợi nhuận hứa hẹn với nhà đầu tư khiến vùng giáp ranh bắc Quảng Nam cũng một phen xôn xao. Cà kê với một người bạn hồi học phổ thông đang phân phối bất động sản tại khu vực, anh chàng quả quyết: “Đó là chuyện của condotel còn dân mình đa phần vẫn thích ôm đất nền nên cứ an tâm đầu tư. Người thì càng ngày càng tăng chứ đất có thêm được đâu mà lo vỡ bong bóng”.
Cũng chuyện đất nền, mới đầu năm ngoái có cặp vợ chồng trẻ mừng húm vì “mua miệng” được miếng đất cắm dùi từ ông chú trong họ. Số là, do không đủ tiền nên hai vợ chồng trên chỉ “chồng” trước một phần ba giá trị và được cam kết sẽ sang tên bìa đỏ khi nào chủ nhân nhận đủ tiền. Đùng cái qua đợt đầu năm nay, giá đất leo thang, miếng đất nho nhỏ đã tăng gấp đôi giá trị nên bên bán cứ lần lữa mãi muốn “hủy kèo” còn đôi vợ chồng trẻ thì như ngồi trên đống lửa bởi chứng từ giao dịch đều bằng “miệng” vì tin họ hàng trong nhà.
Tạt vào quán cà phê trên tuyến ĐT607B - nơi tập trung của giới “cò đất”. Gần hai chục bàn vắng ngắt khách. “Mấy hồi cả “cò” cả khách ngồi túm tụm bàn tán xôn xao bất kể giờ giấc nên quán xá rôm rả lắm” - bà chủ quán chép miệng. Sực nhớ là trên đường đi qua dãy “ki ốt” bất động sản, phần lớn kéo sập cửa lạnh tanh, lác đác vài ô giao dịch mở cửa lèo tèo bóng người ngồi co ro phì phèo thuốc lá trong cái rét ngày đông. Khung cảnh trái ngược hoàn toàn với hồi đầu năm khi giá đất khu vực này “nhảy múa” chóng mặt và hình thành một “chợ đất đai”, lượng người kiếm chác từ bất động sản mọc như nấm sau mưa.
Hôm rồi, nói như một lãnh đạo tỉnh khi tiếp xúc cử tri: “Giá đất ở Điện Bàn có ngày nhảy lên xuống tới 5 giá thì rất khó để giá bồi thường theo sát giá thị trường”. Hiện nay đã có đề xuất bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 trên địa bàn tỉnh, cả đất ở, đất nông nghiệp tại Điện Bàn đều đề xuất điều chỉnh tăng cao so với các thời kỳ trước đây.
3. Theo quy hoạch, toàn bộ đất sản xuất nông nghiệp vùng này trong tương lai đều sẽ dành để phát triển đô thị. Đôi lần tôi có vào cửa hàng nông sản sạch ở quận Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) mua sắm và lân la hỏi về nguồn gốc của những bó măng tây xanh mướt thì chủ tiệm kể: “Mớ măng tây đó trồng trong vùng cát Điện Bàn. Chúng tôi vào tận nơi thu mua nhưng nhiều lần cháy hàng vì sản lượng cũng còn hạn chế”. Cũng đận đó, một cán bộ khuyến nông ở Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Điện Bàn bộc bạch: “Cây măng tây cho giá trị cao, rất có triển vọng ở vùng đông Điện Bàn nhưng chúng tôi không kiếm đâu ra đất để mở rộng canh tác”.
Ở các khối phố Hà Bản, Tân Khai nằm ở rìa trung tâm của phường Điện Dương, đất đai ở đây vẫn còn bạt ngàn lắm. Đã chớm trưa nhưng người dân vẫn còn lúi húi trong vườn nhà tưới nước, tỉa cành, bắt sâu cho các loại cây trồng. “Giải tỏa để phát triển đô thị cũng mừng cho con cháu sau này đỡ cơ cực hơn. Nhưng mà làm răng khi đến nơi ở mới cất xong cái nhà còn thơi thơi ít đất mà trồng cái này, cái kia trang trải thêm chứ chúng tôi năm, sáu chục tuổi rồi không có đất, ruộng thì biết làm cái chi” - bà Phan Thị Bảy tâm tư.
Ông Nguyễn Đạt đưa một thông tin đầy lo ngại: qua khảo sát thì mực nước ngầm ở một số nơi ven biển Điện Bàn đang hạ xuống rất thấp do bị đẩy mạnh khai thác phục vụ các dự án du lịch. Vì vậy giờ trồng cây gì cũng gặp khó. Một bộ phận người trẻ, trung niên qua đào tạo, lâu nay đã theo nghề du lịch, dịch vụ khá ổn định. Còn lớp nông dân đứng tuổi rõ ràng chật vật hơn nhưng cũng chưa có giải pháp thực sự căn cơ.
“Đến quỹ đất tái định cư cho người dân dù Điện Bàn đã chủ động giải tỏa thêm đất hợp tác xã, trường mẫu giáo không còn hoạt động để bố trí nhưng vẫn không đủ. Vì vậy địa phương phải đề nghị tỉnh cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đối với một số khu đất thương mại lân cận để xoay sở nhằm đáp ứng đúng tinh thần nơi tái định cư mới phải tốt hơn chỗ cũ cho người dân” - ông Nguyễn Đạt giãi bày.
Bà Phan Thị Bảy cũng như hàng xóm của mình đã mấy đợt bàn giao đất ruộng cho các dự án phát triển đô thị. Có người nhận bồi thường ba, bốn đợt vẫn chưa hết ruộng. Bởi ngàn đời, nông dân ở đây chỉ biết bám ruộng bám đồng để tìm kế sinh nhai. Rồi mai đây, họ cũng sẽ hết ruộng và quay về với đô thị. Mừng đó, tủi đó, dường như trong họ vẫn còn lấn cấn bao điều…