Không dễ tìm vốn đầu tư

TRỊNH DŨNG 27/12/2019 13:12

Nền kinh tế Quảng Nam hiện vẫn dựa chủ yếu vào yếu tố vốn. Kế hoạch tăng trưởng GRDP từ 7 - 7,3%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm trên 30,2% GRDP, nhưng liệu mức huy động 33.300 tỷ đồng (FDI và tư nhân, kể cả trong dân, chiếm 68,18%) thì mức tăng trưởng theo dự báo có thật sự chu toàn, một khi kết quả không phụ thuộc vào nỗ lực của các cơ quan quản lý mà chính là sức khỏe của doanh nghiệp và các nguồn lực đầu tư bên ngoài?

Sự phát triển mở rộng đầu tư của doanh nghiệp quyết định huy động vốn vào vốn đầu tư xã hội, góp phần tăng trưởng GRDP. TRONG ẢNH: Cảng Chu Lai - Trường Hải.
Sự phát triển mở rộng đầu tư của doanh nghiệp quyết định huy động vốn vào vốn đầu tư xã hội, góp phần tăng trưởng GRDP. TRONG ẢNH: Cảng Chu Lai - Trường Hải.

CHỌN CHẤT LƯỢNG HAY SỐ LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG?

Không chỉ đầu tư công mà các dự án thu hút đầu tư chạy theo số lượng đã bộc lộ những khiếm khuyết cần được gỡ bỏ.

Đầu tư kém hiệu quả

Chuyện đầu tư công kém hiệu quả luôn được nói tới như một căn bệnh cần phải kê đơn bốc thuốc. Có lẽ ít ai nghi ngờ về mục tiêu của những khoản đầu tư mà chính quyền cấp tỉnh, huyện và các ngành nêu ra. Tất cả dự án đều đang rất cấp thiết với nhu cầu dân sinh. Vốn được đổ rất nhiều vào các công trình lớn nhỏ, phân tán khắp nơi với mục tiêu thường được nhắc tới là tạo ra nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế dài hạn hay cải thiện phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít dự án công trình thiếu hiệu quả hay tiêu tốn lượng vốn đầu tư ở mức quá cao nhưng lại không tạo ra động lực.

Sự phát triển mở rộng đầu tư của doanh nghiệp quyết định huy động vốn vào vốn đầu tư xã hội, góp phần tăng trưởng GRDP.Ảnh: T.D
Sự phát triển mở rộng đầu tư của doanh nghiệp quyết định huy động vốn vào vốn đầu tư xã hội, góp phần tăng trưởng GRDP.Ảnh: T.D

Không năm nào tốc độ giải ngân đạt đến 100%, thậm chí năm 2019 không thể đạt đến con số 70% khi hàng trăm dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 30%. Có thể hiểu khi tốc độ chứ không phải chất lượng tăng trưởng GRDP được sử dụng làm thước đo quan trọng nhất cho thành tích phát triển kinh tế thì nghiễm nhiên địa phương sẽ chạy theo các lợi ích cục bộ, tìm mọi cách để tăng tốc GRDP, kéo theo nguồn lực bị phân bổ kém hiệu quả là câu chuyện đã được nhắc nhiều trong vòng 15 năm qua.

Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực ngày 1.1.2020. Cụm từ tái cơ cấu kinh tế hay tái cấu trúc gần đây được sử dụng rất nhiều để kỳ vọng sẽ tạo nên những chuyển biến cho nền kinh tế, mọi nguồn lực phải hướng tới lợi ích của toàn xã hội. Tuyên bố sẽ khắc phục việc bố trí dàn trải, nâng hiệu quả đầu tư, không để phát sinh nợ mới, mất khả năng cân đối từ ngân sách địa phương, tập trung vốn đầu tư công cho các lĩnh vực kinh tế, xã hội có tính kết nối và lan tỏa vùng miền, một lần nữa đặt trên bàn nghị sự. Nhưng nếu không thay đổi cơ chế giám sát thì sẽ khó tạo ra động lực thay đổi hiệu quả đầu tư. Đầu tư công phải được công bố công khai, minh bạch để toàn dân, hay cơ quan dân cử giám sát thì sẽ giải quyết được gốc rễ.

Cần đánh giá đúng hiệu quả đầu tư

Một trong những nội dung quan trọng được đề cập đến tái cấu trúc đầu tư công là sẽ chuyển hướng khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác. Không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư. Đây cũng là vấn đề cần giải quyết rốt ráo. Thực tế nhiều năm, việc coi trọng quá mức chỉ tiêu GRDP đã khiến nó không còn là một chỉ tiêu để hoạch định chính sách mà được sử dụng như một chỉ tiêu làm đẹp báo cáo thành tích. Chỉ tiêu này không phải để phục vụ phân tích kinh tế và hoạch định chính sách mà mang nặng tính thành tích. Tăng trưởng GRDP cao để làm gì trong khi đời sống người dân không tăng hoặc giảm?

Nhưng kèm theo đó là chạy theo số lượng thu hút đầu tư bằng mọi giá. Kết quả những cuộc mời gọi đã tiếp nhận những doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu đầu tư nhưng khi họ không thể triển khai vì đủ mọi lý do thì chính quyền không thể làm gì được. Với FDI, một câu hỏi cũng cần đặt ra, nếu sau này, các nhà đầu tư nước ngoài rút về nước do tình hình khủng hoảng toàn cầu và cả ở nước họ - một điều hoàn toàn có khả năng xảy ra, thì liệu Quảng Nam có thể duy trì hoạt động của các cơ sở này nhằm tiếp tục giữ việc làm cho người lao động, bảo đảm ổn định xã hội?

Chưa có một nghiên cứu độc lập đánh giá liệu các cộng đồng dân cư nghèo ven biển buộc phải hy sinh nhà cửa, ruộng vườn để nhường chỗ cho những resort 5 sao lộng lẫy hay các sân golf thênh thang, có được bồi thường thỏa đáng hay không? Có tìm được việc làm hậu giải tỏa hay không? Mặt sau của tấm huy chương, ít người biết đến cái giá phải trả để mời gọi một dự án là đắt hay rẻ so với lợi ích thực mà dân địa phương đó được hưởng từ dự án. Có lẽ, nên mở nhiều cuộc hội thảo khoa học, phân tích, đánh giá hiệu quả FDI, thu hút đầu tư và thay đổi hình ảnh Quảng Nam trong chuyện mời gọi đầu tư. Không cần đến số vốn đăng ký đầu tư được công bố mà chính đồng vốn thực mà các công ty bỏ vào góp phần tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh cho địa phương mới là một lựa chọn đúng. Chính điều này mới tạo nên sức hút cho môi trường đầu tư và kinh doanh Quảng Nam.

Đường 129 đang được đầu tư mở rộng.Ảnh: T.D
Đường 129 đang được đầu tư mở rộng.Ảnh: T.D

SỤT GIẢM ĐẦU TƯ CÔNG

Kế hoạch hoàn thiện kết cấu hạ tầng trở nên khó khăn hơn khi nguồn đầu tư từ ngân sách ngày càng hạn hẹp. Đầu tư vào đâu để hiệu quả đang là bài toán khó giải.

Kết nối hạ tầng

Con đường 129 thông từ Hội An đến tận Chu Lai vài tháng nay có khá nhiều thay đổi. Trên đại lộ ấy đã thấy từng nhóm nhân công với đầy đủ công cụ xây dựng, mở thêm một làn đường sẽ hoàn tất năm 2020. Kế hoạch của Quảng Nam năm 2020 tiếp tục phát triển, khớp nối hạ tầng giao thông thông suốt, kết nối các tuyến giao thông chính giữa cao tốc với quốc lộ, tỉnh lộ, giữa các tuyến ĐH - ĐT, liên kết các tuyến ven biển. Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay cứ 5km sẽ có một đường nối thông lên quốc lộ 1, kết nối cao tốc, cảng biển, cảng hàng không và các vùng kinh tế năng động.

 Đại hội Đảng bộ các cấp trở thành cơ hội cho các dự án như Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam, kho lưu trữ, các trục giao thông quan trọng như đường quốc lộ 40B đoạn Tam Kỳ - Tiên Phước, đường Hùng Vương (Tam Kỳ), các dự án liên kết vùng sẽ chính thức được đầu tư. Không chỉ vậy, Quảng Nam đang làm việc với các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ để vận động, kêu gọi các dự án đầu tư. Quảng Nam cũng đang hoàn thiện các thủ tục vận động Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) tạo điều kiện để triển khai xúc tiến các dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế đang chọn lọc để đầu tư… Các hạ tầng xã hội thiết yếu như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, nhà ở công nhân, cơ sở khám chữa bệnh... tại các khu công nghiệp nằm trong diện phải được đầu tư.

Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, tổng nhu cầu vốn ngân sách còn lại để thực hiện các chương trình, dự án đã được HĐND tỉnh thông qua giai đoạn 2016 – 2020 là khoảng 6.947 tỷ đồng (chưa tính bổ sung 28 dự án vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 1.158 tỷ đồng). Cần có một giải pháp cụ thể huy động mới đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn hoàn thành dự án.

Tìm vốn ở đâu?

Theo phân tích của ông Lê Quý Đạt - Cục trưởng Cục Thống kê thì vốn đầu tư công năm 2019 đã tăng khá nhiều nên dự kiến năm 2020 sẽ tăng thấp hơn. Có thể định lượng được nguồn vốn đầu tư công xây dựng cơ bản từ các công trình chào mừng đại hội Đảng các cấp, khoảng 5.200 tỷ đồng, sẽ đi vào nền kinh tế bởi các công trình này phải hoàn tất đúng hạn và được giải ngân tốt. Vấn đề còn lại là tiến độ giải ngân các công trình khác. Nếu tình trạng như năm 2019 thì số vốn thực của đầu tư công vào nền kinh tế sẽ thấp. Ngân sách ngày càng hạn chế, vì vậy việc sử dụng nguồn đầu tư công hợp lý, hiệu quả để làm mồi kích thích đầu tư từ các nguồn khác nhất là tư nhân rất quan trọng.

Có thể thấy năm 2020 là năm cuối thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và quyết định thành công các mục tiêu phát triển kinh tế. Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở KH&ĐT nói nguồn vốn đầu tư công năm 2020 dự kiến khoảng 6.552 tỷ đồng, bằng 71% so với thực hiện năm 2019. Nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là hơn 4.000 tỷ đồng, chỉ bằng 62% so với thực hiện năm 2019. Các nguồn vượt thu, tăng thu, tiết kiệm chi giảm nên vốn đầu tư không thể tăng mạnh như năm 2019

Nguồn lực ít, tiền đâu đầu tư và đầu tư thế nào cho hiệu quả đã buộc chính quyền, các cơ quan quản lý sẽ phải tính toán. Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở KH&ĐT nói, cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, không bố trí dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư. Chỉ bố trí vốn kế hoạch năm 2020 cho các dự án thật sự cần thiết đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn đầu tư hoặc các dự án đã được thống nhất bổ sung và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Không bố trí vốn cho các dự án chưa đáp ứng điều kiện theo quy định, không có khả năng giải ngân trong năm 2020.

Giới ngân hàng cam kết cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế.Ảnh: T.D
Giới ngân hàng cam kết cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế.Ảnh: T.D

CHƯA THỂ ĐỊNH LƯỢNG

UBND tỉnh sẽ huy động vốn FDI, doanh nghiệp tư nhân và trong dân sẽ chiếm 68,18% tổng vốn đầu tư xã hội 2020. Nhưng điều này có thực hiện được không khi khó có thể định lượng năng lực từ các khu vực kinh tế này.

Có thể nhận diện điểm tựa đầu tiên để cơ quan quản lý gia tăng huy động từ hai khu vực kinh tế quan trong này nhờ vào con số 1.358 doanh nghiệp gia nhập thị trường (số vốn đăng ký 16.210 tỷ đồng), 22 dự án FDI (121 triệu USD) và 65 dự án đầu tư trong nước (14.137 tỷ đồng). Theo Ban quản lý Khu KTM Chu Lai, những nhà đầu tư bị vướng quy hoạch hay các thủ tục pháp lý trước đây như BRG, TBS, An Thịnh, Đất Xanh miền Trung, TUI – Thiên Minh... vài năm qua đã sẵn sàng cho một giai đoạn đầu tư mới. Những dự án nông nghiệp công nghệ cao như Khu nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam (Thăng Bình) với vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng, Khu công nghiệp Nông - Lâm chất lượng cao với tổng vốn đầu tư hạ tầng là 8.118 tỷ đồng chuẩn bị cho giai đoạn bắt đầu đầu tư. Ngoài ra, cam kết đầu tư giai đoạn 2017 - 2021 của Thaco khoảng 60.000 tỷ đồng chưa rót hết vốn sẽ còn dư địa đầu tư trong năm 2020 và dự kiến sẽ có thêm 1.580 doanh nghiệp thành lập mới năm 2020. Ông Trần Văn Ẩn - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay hầu hết dự án này đều cam kết đổ vốn đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh theo tiến độ đầu tư.

Những con số thống kê đầy hấp dẫn này đã khiến các cơ quan quản lý lạc quan sẽ thu hút khoảng 6.000 tỷ đồng (18,18%) từ FDI và nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân và nhân dân khoảng 18.000 tỷ đồng (50%), nâng tổng số vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến 33.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 30,6% GRDP, tăng hơn 5,52% so với ước thực hiện năm 2019. Nhưng liệu điều đó có dễ dàng thực hiện hay không?

Theo nhận định của các cơ quan quản lý, số liệu điều tra mới đây, tỷ trọng đầu tư của doanh nghiệp chiếm 28% so với 20% như trước đây và khu vực dân cư góp 15% so với 10%, cho thấy xu hướng đầu tư của hai khu vực này ngày càng lớn. Song, hiện tại, doanh nghiệp lớn chỉ mới đang khởi sự đầu tư. Nguồn lực này chỉ có thể tăng khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh, nhưng kinh tế Quảng Nam đang trên đà suy giảm, nên việc tăng vốn trong ngắn hạn là rất khó. Khả năng tìm vốn từ khu vực này sẽ không dễ dàng như dự báo. Việc GRDP chỉ tăng 3,18% là ví dụ cụ thể cho nhận định này.

Không chỉ vậy, hầu như trong các thông báo giao ban thường kỳ của UBND tỉnh đều cho thấy đồng ý chủ trương giãn, hoãn tiến độ đầu tư của nhiều dự án. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương nói thu hút đầu tư nhiều, nhưng một khi tất cả thủ tục đã hoàn tất thì các nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính. Chính quyền, cơ quan quản lý phải giãn, hoãn tiến độ đầu tư cho doanh nghiệp. Có thể sẽ phải làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư dự án thì mới có thể đưa vốn vào nền kinh tế. Tăng trưởng luôn có độ trễ nhưng vốn không đưa được vào nền kinh tế thì lấy đâu tăng trưởng.

Cục trưởng Cục Thống kê Lê Quý Đạt cho hay vốn ngân sách có thể xác định được, nhưng khó có thể định lượng vốn từ FDI, tư nhân hay trong dân. Hiện các công trình đầu tư, dự án, nhà máy lớn đã đầu tư hết. Khoảng 17 dự án ( 3 dự án thủy điện lớn, 4 dự án FDI và 11 dự án đầu tư trong nước) sang năm 2020 đi vào hoạt động thì cũng đã đến cuối chu kỳ đầu tư. Khả năng Thaco sẽ không đầu tư gì thêm. Nam Hội An dường như đã kết thúc xây dựng, chỉ còn lắp đặt thiết bị khi công bố tháng 3.2020 sẽ chính thức hoạt động. Hiện chủ yếu tăng vốn bổ sung lưu động còn đầu tư xây dựng trong doanh nghiệp không còn lớn nữa. Nếu tuyến 129 hoàn tất, kết nối sẽ khơi thông đất thì vốn của dân, doanh nghiệp sẽ đổ vào, nhưng đó là hy vọng. Vốn đầu tư 2020 không thể tăng cao, có thể thấp hơn vì đã hết những năng lực mới tăng thêm!

CUNG ỨNG ĐỦ VỐN CHO NỀN KINH TẾ

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam khẳng định sẽ đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho phát triển kinh doanh và tiêu dùng. Không đưa ra chỉ tiêu cụ thể nhưng sẽ điều chỉnh tín dụng phù hợp với sức khỏe nền kinh tế.

THEO thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, tổng dư nợ cho vay năm 2019 ước trên 24,01% so với đầu năm, cao hơn mức tăng 15,9% của năm 2018. Tín dụng tăng trưởng mạnh ngay từ những tháng đầu năm. Nhu cầu vốn cho kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân tăng cao khi dư nợ cho vay doanh nghiệp 33.449 tỷ đồng, chiếm 45,37% tổng dư nợ; dư nợ cho vay hộ gia đình, cá nhân 39.923 tỷ đồng (54,15% tổng dư nợ). Chiếm thị phần cao trong tổng dư nợ cho vay thuộc về hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình (30,36%), công nghiệp chế biến, chế tạo (19,36%), dịch vụ khác (9,5%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (7,67%), nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (5,11%). 

Tăng trưởng tín dụng này cho thấy nền kinh tế đã hấp thụ khá tốt dòng vốn từ ngân hàng. Nhưng liệu lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6,0 - 9,0%/năm đối với ngắn hạn, 9,0 - 11%/năm đối với trung và dài hạn có ổn định hay có siết chặt tín dụng khiến doanh nghiệp, người dân khó tiếp cận vốn cho năm 2020 là câu hỏi được đặt ra.

Theo nhận định của giới ngân hàng, hệ thống ngân hàng Quảng Nam có đủ vốn, sẵn sàng đáp ứng bất kỳ lượng vốn nào từ nhu cầu thị trường. Nhưng tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào chính bản thân doanh nghiệp và sức khỏe của nền kinh tế. Một khi nền kinh tế yếu, doanh nghiệp không có dự án, không đủ khả năng mở rộng sản xuất, kinh doanh, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường thì dù có muốn cũng không thể đẩy tín dụng ra ngoài được. Tín dụng tăng bao nhiêu không có ý nghĩa nhiều. Điều quan trọng hơn là chất lượng tín dụng, dòng tiền chảy đến nơi cần chảy, đúng nơi cần để nền kinh tế hấp thụ. Điều cần nhất là tạo ra cơ chế tốt hơn để cho cả kinh doanh và tăng trưởng tín dụng đều đạt được “thực chất”.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhưng sẽ không có dấu hiệu gì bất thường cho năm 2020. Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam cho hay mức tăng trưởng trên vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu vốn vay mặc dù các ngân hàng thương mại đã chủ động xin thêm chỉ tiêu tín dụng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phát triển kinh tế. Ông Phạm Văn Quang - Giám đốc Công ty TNHH Đông Phương cho biết nếu có dự án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh tốt thì giới ngân hàng sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với lãi suất hợp lý.

Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam lý giải, như thường lệ, tín dụng sẽ tăng trưởng đột biến vào quý I hàng năm, nhất là những tháng cận tết rồi giảm dần vào cuối năm. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào độ mở của nền kinh tế. Dòng vốn có được khơi thông hay không, không hoàn toàn do giới ngân hàng quyết định mà phụ thuộc nhiều vào các định hướng vĩ mô, chiến lược cạnh tranh của nền kinh tế và sự phối hợp các chính sách tài khóa, hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung đầu tư tín dụng sản xuất, kinh doanh, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, phát triển thủy sản, giảm tổn thất trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp…, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Không đưa kế hoạch tăng trưởng nhiều hay ít nhưng giới ngân hàng cam kết sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn cho các dự án đầu tư hiệu quả. Ngay cả việc huy động vốn không tăng nhiều thì vốn các ngân hàng cũng sẽ không thiếu vì có sự điều phối, bơm vốn từ các hội sở. Như vậy, kế hoạch huy động 18.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ doanh nghiệp, kể cả trong dân đã có thể dễ dàng nhận diện, một khi khu vực này có trợ lực để phát triển!

TRỊNH DŨNG