Lẩn quẩn với rác
Chuyện rác thải, cứ âm ỉ, dai dẳng, và như quy luật tất yếu, có thời điểm đẩy lên thành điểm nóng ở khắp nơi trong cả tỉnh. Năm 2019, suốt mấy tháng ròng Quảng Nam rơi vào khủng hoảng rác thải, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Hội An cũng không ngoại lệ.
Hôm qua 24.12, tại phiên họp cuối năm của HĐND TP. Hội An, cử tri xã Cẩm Hà, phường Sơn Phong và một số nơi khác lại tiếp tục kiến nghị vấn đề này. Và chính quyền lại phải “xin ghi nhận ý kiến của cử tri”, bởi cơ quan chức năng của thành phố ngoài cam kết “thường xuyên kiểm tra, phun chế phẩm sinh học để khử mùi, diệt côn trùng hàng ngày và đóng giếng để dập rác cháy vào mùa khô”, thì những giải quyết căn cơ hơn, vẫn phải tiếp tục chờ. Một lò đốt rác mới được đầu tư xây dựng đi vào hoạt động, trở thành lời hứa từ năm này qua năm khác. Một dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phố Hội An với công suất 120 tấn/ngày đêm đã được trình và đang trong giai đoạn chờ Sở KH&ĐT thẩm định, tham mưu UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án. Nghe ra còn khá xa. Trong nỗ lực tự thân, Hội An đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường kiểm soát, giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ny lon khó phân hủy, tiếp tục thực hiện chủ trương phân loại rác tại nguồn để bảo vệ môi trường thành phố.
Mỗi ngày, trong guồng quay sinh hoạt, sản xuất, rác vẫn cứ thải ra, không cách nào khác; nên sẽ… xà quần ngay nếu đầu xử lý ùn ứ. Tôi muốn mượn bức hình theo trend hai mẹ con đi tới đi lui suốt hai tuần nay của cộng đồng mạng để giễu nhại một chút cho chuyện này: “Đi đâu đó?” – “đi đổ rác!” – “Sao về rồi?” – “Không có chỗ đổ…”. Cho nên, các biện pháp, cả cấp thiết và lâu dài nếu không được triển khai quyết liệt hơn nữa, thì tình trạng khủng hoảng rác thải sẽ tái diễn trong năm 2020. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh. Chẳng ai muốn đến một nơi không thơm tho sạch sẽ, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này.
Theo thống kê, tổng lượng rác thải phát sinh trên địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố khoảng 735 tấn/ngày, trong khi đó khối lượng thu gom, xử lý bình quân khoảng 599 tấn/ngày, chiếm 81,5%. Lượng lớn rác thải hằng ngày không được thu gom thải ra môi trường, gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sống tại các khu vực đô thị, nhất là các địa phương nằm ven sông ven biển. Khi phải đương đầu với những vấn đề bức xúc về sự suy giảm chất lượng môi trường sống, là lúc chính quyền tỏ rõ vai trò của mình. Vì môi trường sống của người dân không chỉ bị tác động bởi chất thải sinh hoạt mà còn bị tác động bởi chất thải công nghiệp, trong đó có nhiều chất thải nguy hại, có độc tính cao, nhiều loại khó bị phân hủy sinh học. Quảng Nam cần có ngay các khu xử lý rác thải tập trung quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến thay thế phương pháp chôn lấp thủ công để xử lý rác thải cho từng vùng, từng khu vực. Nếu không, sẽ là nan giải.
Chợt nhớ câu đồng dao “Con kiến mà leo cành đa/ Leo phải cành cụt leo ra leo vào. Con kiến mà leo cành đào/Leo phải cành cụt leo vào leo ra”. Chúng ta xả rác, một ngày nào đó, chúng ta bị nhấn chìm bởi rác, vì hiện tại, chuyện xử lý rác của chúng ta giống con kiến nọ chăng?