Thiệt hại kinh tế từ lỗ hổng an ninh mạng khu vực ASEAN
(QNO) - Đông Nam Á - một trong những khu vực kinh tế năng động nhất thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức trước tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi và phức tạp.
Theo trang tin ASEAN Post, các quốc gia thành viên Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) cùng nhau chi 1,9 tỷ USD hay 0,06% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho hệ thống an ninh mạng vào năm 2017. Chi phí này vẫn chưa bằng một nửa mức trung bình toàn cầu là 0,13%.
Tuy nhiên, khi công nghệ phát triển và bùng nổ thì các vụ tấn công mạng ngày càng tinh vi và khó lường. Sự thiếu chuẩn bị để đối phó với tin tặc có thể khiến nhiều quốc gia, khu vực, trong đó có ASEAN gánh chịu những thiệt hại không nhỏ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Đó là sự gián đoạn hay tê liệt các hoạt động kinh doanh, nhất là trong các doanh nghiệp truyền thống, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Công ty bảo mật Kaspersky ước tính, tổng thiệt hại do các vụ tấn công mạng toàn cầu là hơn 2.100 tỷ USD chỉ trong năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Đông Nam Á ghi nhận 14 triệu hành vi tấn công mạng các loại. Ngoài các khoản thanh toán tiền chuộc, các chi phí khác sẽ bao gồm phản ứng sự cố mạng, kiểm soát và giảm thiểu thiệt hại, gián đoạn kinh doanh, mất doanh thu và giảm năng suất.
Một nỗ lực phối hợp giữa chính phủ và các nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp và ngành bảo hiểm sẽ được yêu cầu để tăng cường khả năng phục hồi không gian mạng.
Hiện nay, Singapore dẫn đầu khu vực khi đầu tư 30 triệu USD để tài trợ cho Trung tâm Bảo mật không gian mạng ASEAN - Singapore nhằm mục đích tăng cường khả năng không gian mạng của khu vực cũng như khả năng ứng phó với các mối đe dọa mạng mới nổi trên toàn cầu.
Một trong những vấn đề mà các chính phủ quan tâm là các công cụ quản lý rủi ro và an ninh mạng cần dễ dàng và hiệu quả đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có ít vốn để đầu tư vào các lĩnh vực như bảo mật thông tin.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần thúc đẩy văn hóa an ninh mạng trong toàn tổ chức và ưu tiên, kết hợp đào tạo nguồn nhân lực về bảo mật thông tin, quản lý và ngăn chặn sớm các rủi ro tiềm ẩn.
Mark Thomas - Phó Chủ tịch An ninh mạng tại Dimension Data cho rằng, để đảm bảo cam kết bền vững đối với an ninh mạng và giải quyết hiệu quả khoảng cách đầu tư, ASEAN cần chi 0,35 đến 0,61% GDP - hay 171 tỷ USD cho an ninh mạng trong giai đoạn 2017 - 2025.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 tại Bangkok, Thái Lan vào tháng 6 vừa qua, các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí tăng cường hợp tác an ninh mạng khu vực, xây dựng một không gian mạng mở, an toàn, ổn định, dễ tiếp cận và vững mạnh. Qua đó góp phần hỗ trợ nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực ASEAN ngày một phát triển.