Tự hào người lính

THÀNH CÔNG 19/12/2019 11:31

Lặng lẽ và cần mẫn với công việc riêng của mình, họ vẫn đang góp phần viết thêm trang sử dày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, bằng ngọn lửa niềm tin trong trái tim mình.

Lực lượng dân quân biển tham gia công tác huấn luyện. Ảnh: VĂN TOÀN
Lực lượng dân quân biển tham gia công tác huấn luyện. Ảnh: VĂN TOÀN

Nghĩa tình cựu chiến binh

Từ một chiến sĩ du kích trong đấu tranh chống Mỹ, góp mặt trong “đội quân nhà Phật” ở chiến trường Campuchia rồi trở thành sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, ông Đặng Ngọc Nga, ở khối phố An Đông (thị trấn Tân An, Hiệp Đức) tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương cho đến ngày về hưu. Qua chặng đường 40 năm tham gia cách mạng, về với đời thường, người cựu chiến binh này vẫn đau đáu những nỗi niềm với đồng đội đã ngã xuống cho độc lập dân tộc. “Trong tôi luôn ám ảnh những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Cảnh Bình “Người ta nói hết chiến tranh/ Sao con đi tự ngày xanh chưa về!/ Dây diều con thả bờ đê/ Mục trong tay mẹ… con về đi con…”. Sau ngày về hưu, tôi tình nguyện tham gia tìm kiếm thông tin mộ liệt sĩ và đã giúp được nhiều thân nhân tìm thấy hài cốt liệt sĩ. Đó cũng là động lực để năm 2014 tôi chủ động đề xuất kêu gọi hội viên cựu chiến binh địa phương tham gia thành lập “Đội xe máy nghĩa tình”. Thành viên của đội tình nguyện đưa đón miễn phí những ai đến huyện Hiệp Đức tìm mộ liệt sĩ” - ông Nga chia sẻ.

Cựu chiến binh Đặng Ngọc Nga, người đề xuất thành lập “Đội xe máy nghĩa tình” ở huyện Hiệp Đức.
Cựu chiến binh Đặng Ngọc Nga, người đề xuất thành lập “Đội xe máy nghĩa tình” ở huyện Hiệp Đức.

Bỏ công sức, bỏ từng đồng lương hưu, tự nguyện tham gia “Đội xe máy nghĩa tình”, ông Nga cùng đồng đội đã đưa đón, hỗ trợ hàng trăm lượt thân nhân, giúp hàng chục gia đình tìm kiếm được mộ liệt sĩ tại Hiệp Đức để đưa về yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Năm 2018, “Đội xe máy nghĩa tình” đổi tên thành “Đội hỗ trợ gia đình liệt sĩ của cựu chiến binh Hiệp Đức”, tiếp tục đồng hành với gia đình thân nhân liệt sĩ trong những chuyến đi…

Trở về từ Trường Sa

Những năm tháng làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Đông thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) là quãng ký ức khó quên của Trung tá Huỳnh Quốc Trưởng - Phó Chủ nhiệm Hậu cần Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Khi được góp cùng đồng đội canh giữ biển trời Tổ quốc, Trung tá Huỳnh Quốc Trưởng mang theo trong mình niềm tự hào về truyền thống anh hùng của quê hương đất Quảng, lẫn niềm tin phía hậu phương luôn trao gửi. “Tết Nguyên đán năm 2007 là cái tết thứ hai tôi xa nhà, cũng là cái tết đầu tiên làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Ở nơi xa đất liền gần 300 hải lý, chỉ có đồng đội bên cạnh, đêm giao thừa, tôi là một trong số cán bộ chiến sĩ được phân công canh gác. Thời khắc thiêng liêng đó, trong lòng tôi trào dâng niềm cảm xúc tự hào khi là người lính được trao gửi niềm tin giữ đảo, vừa xúc động khi nghĩ tới người thân đang hướng về mình. Niềm tự hào đó luôn thôi thúc tôi phải phấn đấu hoàn thành tốt sứ mệnh thiêng liêng của người lính đảo” - Trung tá Huỳnh Quốc Trưởng nói.

Trung tá Huỳnh Quốc Trưởng - người trở về từ Trường Sa. Ảnh: THÀNH CÔNG
Trung tá Huỳnh Quốc Trưởng - người trở về từ Trường Sa. Ảnh: THÀNH CÔNG

Tuổi trẻ là không ngừng học hỏi và sáng tạo. Về công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Trung tá Huỳnh Quốc Trưởng tiếp tục miệt mài với công việc chuyên môn, tích cực học hỏi, có nhiều sáng kiến hữu ích cho đơn vị. Năm năm liền (2015 - 2019), Trung tá Huỳnh Quốc Trưởng là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, liên tiếp 3 năm được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen bởi những nghiên cứu, sáng kiến cải tiến mô hình học cụ.

Dấu ấn dân quân xã biển

Những nhộn nhịp của dự án Nam Hội An mang về nhiều khởi sắc cho xã biển Duy Hải (Duy Xuyên). Nhưng cùng với đó là không ít áp lực về việc gìn giữ an ninh trật tự, ngăn ngừa tệ nạn xã hội. Hàng nghìn công nhân ở các nơi đến tạm trú, phục vụ thi công công trình. Tệ nạn xã hội nảy sinh, cùng với những áp lực trong vùng dự án liên quan đến bồi thường giải tỏa đất đai.

Đồng hành với chính quyền địa phương, Ban Chỉ huy Quân sự xã Duy Hải đã nỗ lực tham mưu các cấp ủy, hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Duy Hải - Huỳnh Thanh Lĩnh chia sẻ, phụ cấp khiêm tốn, bộn bề công việc nhưng anh em dân quân xã luôn động viên nhau cố gắng vì việc chung.  “Rất nhiều công việc không tên, nhất là khi trở thành xã trọng điểm. Ngoài công việc chuyên môn, ngày nghỉ, giờ nghỉ lực lượng dân quân vẫn duy trì ứng trực. Thời gian dành cho công việc khá lớn, may mắn là gia đình luôn chia sẻ, gánh vác chuyện nhà cửa, chăm sóc con cái. Sự hy sinh của thế hệ đi trước, khí phách của xã anh hùng và sự động viên của gia đình giúp chúng tôi yên tâm công tác, gắn bó với công việc” - anh Lĩnh tâm sự.

Năm 2015, khi dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An tái khởi động, nhiều người dân không đồng tình trong bồi thường giải tỏa, bố trí tái định cư. Thấu hiểu nỗi niềm của bà con, bằng sự đồng cảm, kết hợp với công tác nghiệp vụ, lực lượng quân sự xã bằng nhiều cách, cùng nhiều ngành kiên trì vận động và đã thành công, cơ quan chức năng không phải tổ chức cưỡng chế, tránh được những điểm nóng không đáng có xảy ra trên địa bàn. Những đóng góp thầm lặng của lực lượng dân quân xã Duy Hải đã góp một phần không nhỏ cho công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân, để những đổi thay về trên miền đất cát…

THÀNH CÔNG