Khuyến khích thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn: Khó tiếp cận chính sách
Không thiếu cơ chế, chính sách nhưng doanh nghiệp (DN) không dễ tiếp cận là chuyện được luận bàn nhiều nhất lại hội nghị đánh giá một năm thực hiện Nghị định 57 khuyến khích thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, do Bộ KH&ĐT phối hợp UBND tỉnh tổ chức hôm 13.12.
Tính “ưu việt” của Nghị định 57
Nghị định 57/2018/NĐ-CP ra đời đã cụ thể hơn, thủ tục để hưởng ưu đãi chính sách đơn giản hơn nhiều so với các nghị định trước đó. Tính “ưu việt” của nghị định mới thể hiện trong việc DN thực hiện dự án trên cơ sở định mức hỗ trợ của Nhà nước và được hỗ trợ sau đầu tư. Thủ tục hành chính được đơn giản hóa, cắt giảm 3 thủ tục về xây dựng (cấp phép xây dựng, quy hoạch và thẩm định thiết kế cơ sở), giảm một thủ tục về quyết định chủ trương đầu tư, một thủ tục về công nghệ và các thủ tục còn lại được lồng ghép, vừa thi công vừa hoàn thiện.
Không chỉ vậy, DN có dự án nông nghiệp nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân được miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất…, trao quyền cho các địa phương ban hành chính sách tín dụng cụ thể hỗ trợ DN. Tùy khả năng ngân sách địa phương để hỗ trợ chênh lệch lãi suất vay thương mại, các công trình của dự án được tính làm tài sản thế chấp vay vốn… Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống cho biết, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, 9 tháng đầu năm 2019 có gần 1.500 DN nông – lâm – thủy sản gia nhập thị trường, tăng 11,6% so cùng kỳ, chiếm 1,5% tổng số DN mới thành lập, nâng số DN nông nghiệp nông thôn hiện nay là 9.235 DN với vốn đăng ký bình quân là 17,8% tỷ đồng/DN. Điều này cho thấy, số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có tốc độ tăng trưởng tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước. Kết quả khả quan này được xem là hiệu ứng tác động tích cực từ các giải pháp và chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực còn đầy khó khăn này.
“Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17.4.2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã góp thêm cơ hội mở rộng cửa cho các DN hướng đến lĩnh vực, khu vực nông nghiệp, nông thôn vốn đông đúc dân cư. Hiện khoa học & công nghệ đã góp hơn 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhưng cao nhất (38%) trong sản xuất giống cây, vật nuôi…” - PGS-TS.Phạm Công Hoạt ( Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN) cho biết.
Theo nhận định của Bộ KH&ĐT, Nghị định 210 trước kia không đi vào cuộc sống cơ bản là do nguyên nhân thiếu nguồn “vốn mồi” từ ngân sách trung ương. Để hiện thực hóa cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ KH&ĐT đã tổng hợp báo cáo Thủ tưởng Chính phủ hỗ trợ 1.200 tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện nghị định này từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2019.
Hiện thực hóa cam kết
Có 129 dự án đầu tư vào nông nghiệp nông thôn
Theo Sở KH&ĐT, hiện Quảng Nam có 129 dự án đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, trong đó có 7 dự án đăng ký đầu tư, sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có trên 26 DN liên kết sản xuất lúa giống, đậu xanh, giống cây trồng, chăn nuôi… Dự kiến, sẽ có 139 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký 5.224 tỷ đồng, đầu tư vào nông nghiệp nông thôn (ngoài các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh), bao gồm: 12 dự án sản xuất và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 14 dự án chế biến, bảo quản nông sản, 23 dự án chăn nuôi gia súc, 11 dự án giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, 21 dự án dược liệu, 29 dự án sản xuất rau quả, nấm, 6 dự án nuôi trồng thủy sản, 4 dự án cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, 7 dự án trồng rừng gỗ lớn, 7 dự án tích tụ ruộng đất và 5 dự án đa mục tiêu.(T.D)
Kế hoạch sẽ khuyến khích 80.000 – 100.000 DN đầu tư, kinh doanh hiệu quả với 3.000 – 4.000 DN có quy mô lớn và 6.000 – 8.000 quy mô vừa vào năm 2030. Song, sau một năm thực thi Nghị định 57 vẫn còn quá nhiều hạn chế, vướng mắc đã khiến chính sách “dè dặt” đi vào thực tế.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống, hệ thống văn bản hướng dẫn cấp trung ương cơ bản đầy đủ thì việc ban hành các văn bản ở địa phương đang rất chậm. Theo thống kê, chỉ có 20/63 tỉnh thành phố đã ban hành chính sách đặc thù của địa phương về hỗ trợ doanh nghiệp, 4/63 tỉnh thành ban hành quyết định chủ trương đầu tư về danh mục dự án khuyến khích đầu tư, 5/63 tỉnh thành ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh và 6/63 tỉnh thành ban hành định mức hỗ trợ chi tiết. Chưa có tỉnh nào ban hành cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai.
“Đây là những bất cập chung như nhiều đại biểu Quốc hội ví von chính sách này là một loại quả đẹp nhưng không ăn được. Mỗi cấp chính quyền địa phương phải thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao để chính sách này sớm đi vào cuộc sống...” – ông Thống nói.
Cơ chế, chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn nhằm phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông sản không thiếu. Nhưng để chính sách trở thành “bà đỡ” thực sự cho nông nghiệp phát triển, cần tiếp tục hoàn thiện, đặc biệt ở khâu tổ chức thực hiện tại các địa phương. Ông Chu Hồng Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) cho hay chính sách, pháp luật khuyến khích, hỗ trợ đã tạo điều kiện cho người sử dụng đất tập trung, tích tụ đất đai theo quy mô lớn. Doanh nghiệp bắt đầu tham gia đầu tư đã yên tâm hơn. Tuy nhiên, quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra chậm, đất đai manh mún đang là yếu tố làm chậm quá trình chuyển dịch nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, giảm hiệu quả sử dụng đất, năng suất lao động.
Có thể dễ dàng nhận thấy một khi sản xuất nông nghiệp được tổ chức lại với DN “nòng cốt”, đồng nghĩa với việc sẽ tạo ra sản lượng nông sản lớn. Ông Vũ Duy Hưng – đại diện Vụ Quản lý DN (Bộ NN&PTNT) khuyến nghị đơn giản hóa thủ tục vay vốn cả thế chấp và tín chấp, sớm xác lập quyền tài sản trên đất nông nghiệp, mở rộng và nới các tiêu chuẩn để cơ sở sản xuất nông nghiệp tiếp cận được nguồn vốn. Các địa phương cần thực sự vào cuộc trong việc thực hiện Nghị định 57, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện và đặc thù của địa phương, tăng cường thông tin, tuyên truyền hơn nữa về chính sách khuyến khích DN đầu vào nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện cho DN tiếp cận được các hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước.