Kinh tế Quảng Nam năm 2019: Có tăng trưởng, nhưng chậm hơn dự kiến

TRẦN HỮU 12/12/2019 11:06

Sáng 11.12, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị lần thứ 18, khóa XXI nhằm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 14, ngày 3.12.2018 của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2019; bàn phương hướng năm 2020; bàn chương trình công tác năm 2020; thông qua báo cáo kết quả thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy năm 2019; bàn chương trình kiểm tra, giám sát năm 2020. Hội nghị dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng và Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh.

Kinh tế nông nghiệp năm 2019 gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi hoành hành.Ảnh: T.H
Kinh tế nông nghiệp năm 2019 gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi hoành hành.Ảnh: T.H

Có 2/16 chỉ tiêu chưa đạt

Theo báo cáo của Tỉnh ủy, năm 2019, kinh tế của Quảng Nam dù có tăng trưởng, nhưng thấp hơn dự kiến. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng khoảng 3,81% so với năm 2018. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch nhưng có phần chậm so với năm 2018. Thu nội địa đạt 100% kế hoạch HĐND tỉnh đề ra. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn dự kiến đạt 23.144 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra; trong đó, thu nội địa dự kiến đạt 18.544 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu đạt 4.600 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người hơn 66 triệu đồng (tăng gần 4 triệu đồng/người so với năm 2018).

Tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng, có 2/16 chỉ tiêu chưa đạt theo kế hoạch đề ra là tốc độ tăng trưởng kinh tế và chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới. Trong năm 2019, kinh tế của tỉnh gặp khó khăn do nguồn thu từ Nhà máy Sản xuất và lắp ráp ô tô Trường Hải giảm, sản xuất năng lượng từ các nhà máy thủy điện gặp khó khăn vì hạn hán. Trong khi đó, bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi nhưng chưa được khống chế. Về xã hội, nổi lên tình trạng người dân phản đối các khu xử lý rác thải, lò đốt rác thải; xuất hiện một số ổ, nhóm tội phạm trộm cắp tài sản, cho vay nặng lãi, tổ chức đánh bạc hoạt động có tính chất chuyên nghiệp diễn ra (trong đó có cả cán bộ, đảng viên vi phạm).

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Đặng Phong, năm 2019, ngoài gặp bất lợi do thời tiết, dịch tả lợn châu Phi hoành hành, thì việc nhập khẩu xe ô tô tăng gấp 7 lần đã chia sẻ thị phần ô tô sản xuất trong nước, khiến nguồn thu từ Nhà máy Sản xuất và lắp ráp ô tô Trường Hải giảm. Số thu từ Nhà máy Sản xuất lắp ráp ô tô Trường Hải chiếm hơn 70% tổng thu nội địa vào năm 2015, thì đã giảm xuống dưới 50% trong năm 2019. Tuy nhiên, ông Phong dự báo năm 2020, tình hình sẽ khởi sắc hơn, các chỉ tiêu tăng trưởng là có thể đạt được do năm này đưa vào hoạt động nhiều dự án.

Cơ cấu toàn diện

Nhiều định hướng lớn của Tỉnh ủy đã đi vào đời sống như Nghị quyết số 02 về công tác giảm nghèo bền vững; Nghị quyết số 03 về cải cách hành chính; Nghị quyết số 05 về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng tây của tỉnh; Kết luận số 25 về định hướng và giải pháp triển khai các nhóm dự án trọng điểm vùng đông nam...

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh - ông Vũ Văn Thẩm cho biết, tỉnh đầu tư nhiều cho xây dựng kết cấu hạ tầng, nhưng lại rất ít đầu tư trực tiếp cho sản xuất. Ông Thẩm so sánh: nếu đem 10 tỷ đồng đầu tư trực tiếp cho sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi thì sẽ hiệu quả hơn khi đem đầu tư kênh thủy lợi. Đến nay, tỉnh vẫn chưa phát triển gì về nông nghiệp công nghệ cao. “Do vậy, cần có nghị quyết chuyên đề phát triển đột phá, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng con vật nuôi. Đồng thời chuyển giao ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất” – ông Thẩm nói.

Về con số giảm nghèo có độ chênh lệch giữa năm 2019 và 2020, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Huỳnh Tấn Triều giải thích, năm 2019 giảm hơn 5.000 hộ nghèo, trong khi 2020 đưa chỉ tiêu chỉ giảm nghèo 2.500 hộ vì tỷ lệ giảm nghèo sẽ giảm dần theo quy mô, khác với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Sở dĩ năm nay tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh là do đã giao chỉ tiêu cụ thể về cho từng địa phương và xem đây như một trong những tiêu chí để xét danh hiệu thi đua với người đứng đầu địa phương, đơn vị. “Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nên số hộ nghèo toàn tỉnh hiện nay còn 25.689 hộ (chiếm tỷ lệ 6,06%; giảm 5.848 hộ nghèo so với năm 2018, tương ứng giảm 1,51%), vượt 843 hộ so với chỉ tiêu của Trung ương và của tỉnh giao năm 2019” – ông Triều nói.

Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phân tích thêm những hạn chế trong phát triển các lĩnh vực kinh tế, nhất là việc tái cơ cấu ngành sản xuất nông nghiệp còn rất chậm chạp, khó mang tính đột phá. Biểu hiện rõ nhất là triển khai trồng rừng gỗ lớn, phát triển vùng dược liệu như đã quy hoạch. Việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục về đất đai, kế hoạch sử dụng đất. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Công tác thu hồi đất, giao đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án, công trình.

Về nhiệm vụ sắp đến, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường yêu cầu Tỉnh ủy cần tập trung chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp; tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án phát triển hạ tầng, các dự án trọng điểm, mang tính đột phá, có sức lan tỏa cao, các dự án trọng điểm vùng đông nam. Ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi và xây dựng nông thôn mới; xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

TRẦN HỮU