Thiết bị giúp phát hiện 13 loại ung thư chỉ vơí 1 giọt máu
(QNO) - Toshiba Corp đã phát triển công nghệ mới để phát hiện 13 loại ung thư từ 1 giọt máu với độ chính xác 99%, theo Japantimes.
Toshiba đã phát triển phương pháp chẩn đoán cùng với Viện Nghiên cứu Trung tâm Ung thư quốc gia và Đại học Y Tokyo, và hy vọng sẽ thương mại hóa nó trong một vài năm sau khi bắt đầu thử nghiệm diện rộng vào năm 2020.
Phương pháp này giúp phát hiện ung thư sớm và điều trị cho bệnh nhân từ giai đoạn đầu, trang Japantimes nhấn mạnh.
Toshiba khẳng định với chỉ 1 giọt máu, thiết bị có thể phát hiện ra các bệnh ung thư ở dạ dày, thực quản, phổi, gan, đường mật, tụy, ruột, buồng trứng, tuyến tiền liệt, bàng quang, ung thư vú cũng như sarcoma và glioma.
Đài Truyền hình NHK đưa tin, phương pháp phát hiện ung thư của thiết bị này là xác định chủng loại và nồng độ phân tử microRNA tiết ra từ các tế bào ung thư có trong máu.
Có khoảng 2.500 loại microRNA. Do số lượng một số microRNA được tạo ra trong các tế bào ung thư khác với những gì được tạo ra trong các tế bào khỏe mạnh, các nhà nghiên cứu đã hy vọng phát hiện ra sự khác biệt có thể sàng lọc ung thư.
“So sánh với các đơn vị nghiên cứu khác, chúng tôi có lợi thế về mức độ chính xác trong phát hiện ung thư, thời gian cần thiết để phát hiện và chi phí thấp” - ông Ko Ko Hashimoto, nhà khoa học tại Phòng Thí nghiệm - nghiên cứu Toshiba, Frontier, nói tại một cuộc họp báo.
Các sàng lọc ung thư hiện tại như chẩn đoán và kiểm tra bằng tia X, máy nội soi đều phụ thuộc vào các phán đoán trực quan, điều này gây khó khăn cho việc phát hiện các khối u nhỏ và ung thư giai đoạn 0. Việc áp dụng phương pháp mới cũng cho phép tiết kiệm thời gian và chi phí hơn vì không cần phải thực hiện một loạt xét nghiệm khác cho nhiều loại ung thư khác nhau.
Dự kiến, Toshiba sẽ phát triển một con chip và thiết bị nhỏ để có thể đưa ra kết quả trong vòng chưa đầy 2 giờ và giá cả cho mỗi lần xét nghiệm chỉ dưới 20.000 yên (khoảng 4,2 triệu đồng).
Toshiba cho biết, bước tiếp theo của thiết bị xét nghiệm ung thư này là duy trì độ chính xác của máy xét nghiệm - hiện nay đã đạt 99%. Để làm được điều đó, Toshiba cần nhiều mẫu vật hơn.
Toshiba đang hướng vào lĩnh vực y tế. Trong chiến lược kinh doanh 5 năm tới, bắt đầu từ tháng 4 năm nay, Toshiba coi nghiên cứu y học, trong đó có phân tích hệ gen và chẩn đoán tế bào, là những lĩnh vực phát triển chủ đạo, bên cạnh các giải pháp công nghệ số, pin và tự động hóa sử dụng trí tuệ nhân tạo.