Thế giới ứng dụng công nghệ xử lý rác thải
(QNO) - Nhiều thành phố lớn trên thế giới đi tiên phong trong xử lý rác thải nhờ vào công nghệ.
Sản xuất điện năng từ rác thải
Tại TP.Copenhagen, Đan Mạch, nhiều nhà máy xử lý rác thành năng lượng đã đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả rất cao. Chỉ riêng nhà máy Copenhill vừa được khánh thành, có khả năng chuyển đổi 450.000 tấn rác thành điện năng, đủ cung cấp cho 30.000 hộ gia đình và sưởi ấm cho 72.000 gia đình.
Nhà máy vẫn tạo ra khí thải CO2 từ việc đốt rác nhưng là ở mức rất thấp. Tuy nhiên, Copenhill vẫn lập kế hoạch thu gom, lưu trữ và thương mại hóa lượng CO2 này. Những nhà máy xử lý, tái chế rác thải như thế không những thân thiện với môi trường mà còn giúp Đan Mạch giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Thị trưởng Copenhagen - Frank Jensen nói với CNN: “Việc đốt rác thải hiệu quả cung cấp cho khu vực sưởi ấm 99% các tòa nhà ở Copenhagen. Vì vậy chúng tôi sẽ loại bỏ ô nhiễm từ các loại nhiên liệu hóa thạch, giúp Copenhagen đạt được mục tiêu thành phố với lượng CO2 trung tính đầu tiên của thế giới vào năm 2025”.
Hệ thống thu gom rác thải thông minh
Dân số đô thị tiếp tục gia tăng, nhiều thành phố đang phải vật lộn đối phó vấn nạn rác thải để tránh những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài đến môi trường và sức khỏe người dân, thậm chí góp phần đẩy nhanh tiến trình biến đổi khí hậu.
Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy thế giới thải ra hơn 2 tỷ tấn chất thải rắn tại các đô thị trên toàn cầu mỗi năm.
Tại nhiều thành phố trên thế giới như ở Singapore và Hàn Quốc, một hệ thống thu gom và phân loại rác thải sử dụng đến cả trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa.
Các thùng rác thông minh, chạy bằng năng lượng mặt trời được lắp đặt trên khắp các đường phố. Mỗi chiếc đều được trang bị máy đầm cho phép thùng chứa đựng rác hết công suất. Khi rác đầy, các cảm biến đặt ở thùng rác sẽ cảnh báo cho người thu gom chất thải để tránh tình trạng rác thải tràn thùng, gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị.
Sự chung tay của cộng đồng
Theo Liên hiệp quốc, đến năm 2050, 68% dân số thế giới sẽ sống ở các khu vực đô thị, gây áp lực cho cơ sở hạ tầng thành phố hiện có.
Thông thường, các thành phố điều những loại xe khác nhau để thu gom các loại chất thải khác nhau. Ví như, một xe tải thu gom nhựa để tái chế, một xe để gom chất thải thực phẩm... Nhưng không gian chật hẹp và đông đúc ở nhiều thành phố không cho phép sự hoạt động của nhiều xe thu gom rác thải như thế.
Do vậy, các nhà máy tái chế tại thủ đô Oslo của Na Uy đã thiết kế một mô hình phân loại thông minh để tránh điều này. Kể từ năm 2012, cư dân thành phố được yêu cầu sử dụng các túi màu khác nhau cho các loại chất thải khác nhau.
Xe thu gom tất cả túi rác cùng một lúc và đưa chúng đến một nhà máy phân loại quang học nhờ vào ứng dụng công nghệ đọc quang học tinh vi, sẽ giúp các dây chuyền của nhà máy tái chế tự động phân loại các bao rác thải tùy theo màu sắc khá chuẩn xác.
Tại Oslo, người dân rất có ý thức trong việc cùng chung tay giảm lượng rác thải của mỗi hộ gia đình và tăng số lượng được tái sử dụng và tái chế. Năm 2018, 37% chất thải gia đình được tái chế, tăng từ 10% năm 2004.