Sức bật từ du lịch cộng đồng

NGUYỄN SỰ - QUỐC TUẤN 27/11/2019 15:11

Làm sao để dư địa về cảnh quan, làng nghề, văn hóa ở khu vực nông thôn các tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) được khai thác, biến thành các giá trị tương xứng thông qua phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm? Nói như ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch Hội đồng vùng KTTĐMT nhiệm kỳ 2019-2020, khu vực nông thôn, miền núi của cả miền Trung nói chung và của vùng KTTĐMT nói riêng, nếu khai thác tốt tiềm năng du lịch thì vừa phát triển được nông nghiệp, nông thôn, miền núi vừa thực hiện được nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới. Điều này cũng giúp khai thác tối đa các giá trị của vùng, nhất là bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống, tài nguyên thiên nhiên và giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ mai sau.

Rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) luôn đón một lượng khách lớn trải nghiệm hàng ngày. Ảnh: S.T
Rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) luôn đón một lượng khách lớn trải nghiệm hàng ngày. Ảnh: S.T

Tại một hội thảo mới đây, các chuyên gia, nhà quản lý đã chia sẻ từ nhiều góc nhìn với mong muốn hình thành một vùng du lịch dựa vào cộng đồng có thương hiệu và nâng tầm nông nghiệp, nông thôn khu vực này.

PGS-TS. Trần Đình Thiên - Thành viên tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, thành viên nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung: Phát triển du lịch còn nhiều khiếm khuyết

Sự phát triển du lịch của các tỉnh thành thuộc vùng KTTĐMT đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa. Nó mang lại cho du lịch của vùng thương hiệu quốc tế và mức độ hấp dẫn điểm đến ngày càng tăng. Hơn bất cứ vùng nào trong cả nước, miền Trung trỗi dậy mạnh mẽ bằng du lịch biển, bằng các đô thị du lịch biển với đẳng cấp ngày càng cao. Du lịch biển với các trụ cột là những đô thị du lịch biển trên thực tế đóng vai trò là tuyến - tọa độ phát triển du lịch giành được sự ưu tiên chính sách (Nhà nước) và nỗ lực đầu tư (tư nhân) cao độ.

Tuy nhiên, từ một góc nhìn khác, không khó để nhận thấy sự ưu tiên như vậy, dù rất đúng đắn về mặt chiến lược và bước đi nhưng cũng đồng nghĩa với một thực tế rằng cách phát triển du lịch vùng còn những điểm “khuyết”. Đó là, vùng nông thôn miền Trung rộng lớn, với tiềm năng phát triển to lớn, đặc biệt là rất dồi dào nguồn tài nguyên và lợi thế phát triển du lịch, có thể giúp tạo và nâng cấp hơn nữa “sự khác biệt và tính đẳng cấp” của ngành du lịch mang nhiều bản sắc của miền Trung. Miền Trung có nền nông nghiệp đặc sắc (đặc hữu, đặc sản), có vùng nông thôn đậm bản sắc văn hóa - lịch sử - môi trường - sinh thái nhưng chưa được thúc đẩy phát triển và khai thác - phát huy có hiệu quả từ góc độ “du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm của vùng”.

Thêm vào đó, mức độ liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng (ví dụ như Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ) và thậm chí giữa các địa phương trong phạm vi một tỉnh còn lỏng lẻo cũng tạo thành một yếu tố cản trở sự phát triển du lịch vùng. Sự kết nối giao thương liên vùng, nội vùng, nội tỉnh để tạo liên kết phát triển của khu vực nông thôn rộng lớn, lấy vùng KTTĐMT làm tọa độ quy chiếu, chưa được đặt ra đúng tầm. Do thiếu nguồn lực, do tầm nhìn, do cách tiếp cận ưu tiên phát triển và cả do sự chi phối của các quan hệ lợi ích…

Du khách trải nghiệm làm nông dân tại làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP.Hội An). Ảnh: S.T
Du khách trải nghiệm làm nông dân tại làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP.Hội An). Ảnh: S.T

Có thể nói, cơ hội mới cho phát triển du lịch miền Trung là rất lớn. Tất nhiên, khó khăn và thách thức phát triển đặt ra cũng không nhỏ, thậm chí chứa đựng những nguy cơ và rủi ro. Trong bối cảnh đó, để giải quyết đúng và hiệu quả bài toán phát triển cho giai đoạn tới, vùng KTTĐMT cần có cách tiếp cận phát triển mới, theo đúng tinh thần “đổi mới mô hình”, nghĩa là phải thay đổi căn bản, triệt để và mang tính hệ thống chứ không thể chỉ là “chỉnh sửa”, “cơi nới” cục bộ…

Nông thôn hòa nhập vừa dễ, vừa khó. Nông thôn của chúng ta mang nhiều yếu tố cổ truyền, cái hay/ dở đều có cả nhưng trong cái “dở” vẫn có cái hay riêng của nó làm du khách tò mò khám phá. Vì vậy phải làm sao chắt lọc lại để thể hiện tinh hoa, đặc sắc của cộng đồng. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn rất khó nhưng lợi ích mang lại rất to lớn, không chỉ đem lại thu nhập cho người dân mà còn nâng tầm văn hóa con người lên.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương: Du lịch nông nghiệp phải gắn với xây dựng nông thôn mới

Theo tôi, thời gian tới các địa phương cần rà soát, quy hoạch, định hướng, xây dựng kế hoạch và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp – nông thôn theo hướng liên kết vùng.

Trong đó, cần chú trọng quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp gắn với chính sách xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở khảo sát lại toàn diện thực trạng phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp - nông thôn hiện có, xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp với các tour, tuyến, điểm du lịch.

Đồng thời xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù theo định hướng “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP” nhằm tạo ra các sản phẩm đặc thù, độc đáo của các địa phương để hấp dẫn, lôi cuốn du khách đến tham quan, trải nghiệm, đặc biệt là để du khách thực sự muốn “được chi tiêu”. Muốn như vậy, các sản phẩm du lịch cần phát triển có trọng tâm và theo chiều sâu, thậm chí là xây dựng các tiêu chí để đánh giá, xếp hạng.

Cùng với đó, tập trung khai thác các giá trị đặc thù về cảnh quan, môi trường, văn hóa, lịch sử của nông thôn các vùng, miền để tạo thành những sản phẩm du lịch đặc sắc, phát triển du lịch chiều sâu theo hướng sinh thái, bảo vệ sức khỏe. Chú trọng bảo tồn không gian văn hóa, di tích lịch sử, sinh thái và tiết kiệm đầu tư thông qua việc sử dụng các nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường. Xu hướng phát triển du lịch nông nghiệp trên nền tảng phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao và khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống sẽ là lựa chọn tối ưu.

Vấn đề quan trọng là cần xem xét, cải thiện các cơ chế, chính sách nhằm phát triển du lịch ở nông thôn, đặc biệt là các chính sách liên quan đến các thủ tục quản lý người nước ngoài, quản lý lưu trú, quản lý doanh thu và thu nhập, giao thông và kinh doanh, thu gom và xử lý chất thải nông thôn… Cần có chính sách hỗ trợ các hộ kinh doanh du lịch, người dân địa phương trực tiếp làm du lịch được tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch nông nghiệp.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn cần thêm những sản phẩm độc đáo để thu hút khách. TRONG ẢNH: Cánh đồng hoa hướng dương ở xã Điện Quang, TX.Điện Bàn. Ảnh: S.T
Du lịch nông nghiệp, nông thôn cần thêm những sản phẩm độc đáo để thu hút khách. TRONG ẢNH: Cánh đồng hoa hướng dương ở xã Điện Quang, TX.Điện Bàn. Ảnh: S.T

Các chính sách đầu tư hạ tầng cũng cần được quan tâm như hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn, hệ thống điện, cấp thoát nước, bãi đỗ xe, trung tâm hướng dẫn, trưng bày cung cấp thông tin du lịch, bảng giới thiệu, bản đồ hướng dẫn, điểm dừng chân… Phải tăng cường kết nối và phát huy vai trò của các công ty lữ hành trong phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn. Đồng thời cũng cần sự hỗ trợ tích cực của các công ty lữ hành trong việc định hướng tiêu dùng, hoàn thiện sản phẩm đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh mục tiêu về tăng trưởng khách, mục tiêu tăng chi tiêu của khách đối với các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất tại chỗ cũng cần được chú trọng, trong đó chi tiêu cho mua sắm các sản phẩm nông nghiệp của địa phương là một trong những thước đo đánh giá hiệu quả của hoạt động du lịch nông nghiệp. Để làm được điều này, cần sự liên kết chặt chẽ của các ngành nông nghiệp, công thương, công nghiệp chế biến và du lịch.

PGS-TS. Phạm Trung Lương - Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam (VETEA): Cần hiểu đúng và đồng nhất khái niệm du lịch cộng đồng

Du lịch nông thôn là khái niệm rất rộng, nhưng trọng tâm ở đây chính là du lịch cộng đồng và lấy giá trị văn hóa của làng xã, cảnh quan sinh thái nông nghiệp để khai thác. Chúng ta cũng đang hiểu nhiều cách khác nhau về khái niệm du lịch cộng đồng và một khi hiểu khác nhau thì hành động cũng bị phân tán, từ đó khó lòng tạo sức bật cho du lịch cộng đồng.

Du lịch cộng đồng đã manh nha xuất hiện từ đầu thế kỷ 20, ở nước ta du lịch cộng đồng được hiểu là loại hình mang lại cho du khách các trải nghiệm về văn hóa, cuộc sống trong đó cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp và được hưởng lợi ích kinh tế, xã hội từ hoạt động du lịch và cùng có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, môi trường, bản sắc văn hóa cộng đồng.

Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới hiện nay có tiêu chí nâng cao mức sống cho người dân thì việc phát triển du lịch cộng đồng đúng hướng sẽ rất phù hợp trong việc gắn với xây dựng nông thôn mới. Du lịch cộng đồng đúng nghĩa cần tránh hình thức “bóc lột” từ các doanh nghiệp du lịch đối với người dân hoặc chỉ được chia sẻ một vài lợi ích không đáng kể. Người dân địa phương phải là chủ thể đứng ra tổ chức khai thác và thụ hưởng thành quả từ các giá trị cảnh quan, sinh thái, văn hóa trên chính mảnh đất của mình.

Các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn ở trong vùng KTTĐMT cần xem lại mình đã đạt đến mức độ nào của du lịch cộng đồng để tìm giải pháp điều chỉnh, phát triển theo hướng bền vững, có lợi cho nông dân, nông thôn. Trong thuật ngữ về du lịch, ở mức độ cộng đồng địa phương còn thụ động thì đó mới chỉ là du lịch tham quan cộng đồng; ở mức độ tham gia thì gọi là du lịch có sự tham gia của cộng đồng và khi nào đạt mức độ cao nhất thì chính là du lịch dựa vào cộng đồng.

Du lịch cộng đồng phải rất bình đẳng, nghĩa là nếu phát triển bài bản thì doanh nghiệp du lịch là đối tác của cộng đồng chứ không phải bóc lột cộng đồng và điều quan trọng nữa là phải tôn trọng văn hóa thiên nhiên của địa phương. Chia sẻ lợi ích hài hòa, doanh nghiệp du lịch hưởng lợi từ việc mang khách đến, giữa cộng đồng với nhau cũng phải có sự chia sẻ, hợp lý tùy theo đóng góp trong chuỗi du lịch này. Đó chính là cách chúng ta phát huy tốt nhất những giá trị di sản văn hóa, cảnh quan nông nghiệp, làng nghề vùng nông thôn và nguồn lực của chính cộng đồng.

Ông Trần Hữu Thùy Giang - Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế: Đồng bộ giải pháp liên kết phát triển du lịch vùng

Có thể khẳng định, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, liên vùng. Do vậy, trong phát triển du lịch không nên quan điểm địa giới hành chính giữa các địa phương mà phải có sự thống nhất liên kết, như mối liên kết “ba địa phương - một điểm đến” của Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.

Ngành du lịch Thừa Thiên Huế rất chủ động trong các mối liên kết, hợp tác từ quốc tế (Kyoto, Gifu - Nhật Bản) đến các địa phương khắp cả nước như khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam với Sài Gòn, Hà Nội. Tuy nhiên, các liên kết mới chỉ dừng lại ở mức độ vừa phải, chủ yếu trong khối cơ quan quản lý nhà nước, tập trung mạnh cho khối liên kết “ba địa phương một điểm đến”. Đối với vùng KTTĐMT, thực sự chỉ dừng lại trên lý thuyết, chưa có những hợp tác, liên kết cụ thể về phát triển du lịch.

Theo tôi, để có sự liên kết, hợp tác mang lại kết quả thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển du lịch vùng KTTĐMT nói chung và cụm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam nói riêng thì thời gian tới cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: Phải hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển vùng như thị thực thu hút khách quốc tế, quỹ phát triển du lịch vùng, cửa hàng miễn thuế… nhằm tạo ra sự hấp dẫn, thu hút các địa phương tham gia hợp tác, liên kết vùng. Việc liên kết phải dựa trên lợi thế, điểm mạnh của từng địa phương nhằm phát huy giá trị, lợi thế đó để phát triển, tránh trường hợp “mạnh ai nấy làm”.

Đồng thời thúc đẩy liên kết về đồng bộ hạ tầng chung của vùng như đường ven biển; sản phẩm dùng chung là “Con đường di sản miền Trung”, “3 địa phương - một điểm đến”; xúc tiến quảng bá chung cho một điểm đến đối với vùng KTTĐMT; thành lập quỹ xúc tiến chung. Đặc biệt, cần nỗ lực huy động, thu hút các thành phần khác tham gia liên kết phát triển du lịch, nhất là cộng đồng doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư chiến lược, các cơ sở đào nguồn nhân lực du lịch để phối hợp, kết nối từ các nhiệm vụ chiến lược đến xây dựng tour tuyến thống nhất, hợp tác xuyên suốt đối với phát triển toàn vùng...

Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng: Tạo chuỗi giá trị cho du lịch nông thôn

Du lịch sinh thái, làng quê, làng nghề được Đà Nẵng xác định là 1 trong 3 loại hình trụ cột của du lịch thành phố, cùng với du lịch biển và du lịch hội nghị - hội thảo kết hợp mua sắm. Dù Đà Nẵng có tỷ lệ đô thị hóa cao nhưng chúng tôi luôn nhận thức và mong muốn phát triển văn hóa bản địa để tạo ra sự khác biệt, nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến. Yếu tố văn hóa, yếu tố con người tạo nền tảng từ chính nông nghiệp, nông thôn.

Đối với liên kết vùng Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam ngày càng chuyên nghiệp, chặt chẽ nhưng vẫn cần tiếp tục gắn kết hơn. Trong tháng 10 vừa rồi, ngành du lịch Đà Nẵng có phối hợp với các bên liên quan tổ chức sự kiện Raid Amazones tại TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên, trải qua gần 3 tháng chúng tôi không tìm đâu ra địa điểm theo như yêu cầu của ban tổ chức cuộc thi, đó là thi đấu 4 môn (chạy bộ trên đường đất, đạp xe đạp, kayah, bắn cung) trên đường làng, đường đất. Sau đó chúng tôi xử lý bằng cách phối hợp với Quảng Nam để đồng tổ chức sự kiện ở nhiều vùng quê Quảng Nam rất thành công. Sự kiện Raid Amazones đã được tổ chức nhiều lần nhưng lần nào đi tìm địa điểm cũng rất khó. Có thể nói cảnh quan, văn hóa, làng quê - làng nghề là những yếu tố tạo ra sự khác biệt. Đó là một câu chuyện đơn cử để thấy liên kết vùng quan trọng ra sao trong phát triển du lịch dựa vào cộng đồng.

Hiện nay, du lịch Đà Nẵng cũng như khu vực đô thị ở vùng KTTĐMT đang phát triển rất mạnh, từ đó cần nguồn cung rất lớn về nông sản, hoa quả… Vậy nên cần tính toán tiếp cận phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng nông nghiệp tạo ra sản phẩm đạt chuẩn để cung cấp đầu vào cho chính nhu cầu của hoạt động du lịch. Nếu muốn phát triển du lịch cộng đồng bài bản cần có chính sách nâng cao nhận thức và nhân lực về du lịch ở khu vực nông thôn, giúp người dân được đào tạo, tập huấn, học nghề, tham gia làm du lịch. Ngoài liên kết vùng thì cần chính sách về liên kết ngành giữa du lịch - nông nghiệp - thương mại để tạo ra chuỗi cung ứng.

Ông Võ Phùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam: Sự trùng lặp sẽ khiến du lịch cộng đồng nhàm chán

Các sản phẩm du lịch đừng bao giờ trùng nhau, nếu có thì cũng phải điều chỉnh đến mức thấp nhất, không thể để một khách du lịch đến hai điểm nhưng cùng xem một sản phẩm y hệt nhau. Điều này không những làm du khách mất hứng thú mà còn làm giảm giá trị của chính sản phẩm du lịch khi vô tình tạo ra sự so sánh trong lòng du khách.

Đơn cử với bài chòi, không thể suốt dọc 9 tỉnh miền Trung sở hữu di sản nghệ thuật này phục vụ cùng một lối biểu diễn. Trong bài chòi phải sáng tạo, nhất là nội dung. Hay với rối nước, có ở nhiều nơi nhưng tại Hội An các nghệ sĩ biểu diễn đã biết đưa dân ca Quảng Nam vào, tạo cảm nhận khác biệt cho khán giả.

Một trong những yếu tố thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển và thu hút du khách là việc du khách phải được trải nghiệm thực tế đúng như đời sống của người bản địa. Khi xây dựng tour tuyến du lịch, các điểm du lịch không nên ôm đồm mà cần tập trung nâng cấp các lợi thế của mình rồi kết nối với các điểm khác có sản phẩm giống mình nhưng đặc sắc hơn. Việc hợp tác trên vừa làm giảm sự cạnh tranh không cần thiết giữa các điểm đến, thúc đẩy hoàn thiện chuỗi điểm đến trong vùng vừa góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cốt lõi phục vụ du khách.

Chúng ta cũng cần tính tới vấn đề quảng bá chuyên nghiệp du lịch nông nghiệp, nông thôn bởi vùng này có một khoảng cách lớn so với kinh nghiệm, năng lực quảng bá du lịch ở đô thị. Không thể mỗi làng, mỗi sản phẩm tự quảng bá mà cần tập trung ở một cơ quan đầu mối mới làm được. Nếu đã xác định du lịch là “mũi nhọn” thì chúng ta phải tập trung, đầu tư nhiều thứ gồm: Sản phẩm, hạ tầng cảnh quan, ý thức... Tôi cho rằng ngành du lịch là ngành rất khó, nếu không quan tâm những thứ nhỏ nhặt nhất thì sẽ làm mất giá cho điểm đến ngay.

NGUYỄN SỰ - QUỐC TUẤN