Lẽ sống và niềm tin
Khi thấy tin đưa về phim tài liệu Lớp học trên nóc Ông Ruộng của Đài Truyền hình Việt Nam nhận giải nhất giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2019, tôi lục tìm để xem lại. Đó là câu chuyện cảm động về các thầy cô bám bản, bám trường ở nóc Ông Ruộng (thuộc trường tiểu học Trà Vân, xã Trà Vân, Nam Trà My). Cùng với giải cho phim, thầy Lưu Văn Hóa cùng một cô giáo ở Nghệ An được bình chọn là hai nhân vật ấn tượng trong các tác phẩm đoạt giải. Thầy Hóa là một trong ba thầy cô ở nóc Ông Ruộng, thầy có 20 năm làm giáo viên ở vùng cao này.
Câu chuyện của những người thầy bám bản là không lạ trên dãy Trường Sơn. Nhưng, xem vẫn thấy rưng rưng. Ở đó, không chỉ là bày cái chữ, hay các thứ thuộc về biển kiến thức mênh mông của sự học; ở đó, là lo cho các em từ bữa ăn, cái cặp sứt quai đến lối đi đầy bùn đất sụt lún bữa mưa về. Hơn 10 năm trước, tôi cũng từng gặp các thầy cô giáo như thế, trên điểm trường ở nóc Măng Lùng của Nam Trà My. Họ sống cùng nhau và cùng lũ nhóc. Họ rất trẻ và tôi đoan chắc chính điều đó níu chân họ ở lại vùng cao ấy, với chút mơ mộng và dấn thân của tuổi trẻ, của những người lặm chữ nghĩa. Đó là niềm hạnh phúc về sự cống hiến, về ước mơ tươi đẹp họ cùng đám con nít lít nhít ở trên dãy Trường Sơn vẽ lên.
Truyền thông sẽ luôn có những thước phim đụng đến xúc cảm hoặc những bài báo dễ lấy nước mắt vì chất liệu sinh động từ cuộc sống của thầy và trò ở đó. Bởi ở núi, khốn khó và thiếu thốn mọi thứ về vật chất, nhưng tình yêu thương và sự tử tế thì luôn đong đầy.
Chúng ta quen với nếp nghĩ đã mòn nhẵn, rằng là thầy cô, nghĩa là họ phải hy sinh; giống như cha mẹ, phải hy sinh cho con cái vậy. Nếp nghĩ có phần ích kỷ ấy khiến chúng ta đặt để cao hơn, thi vị hóa những hy sinh đó, buộc họ phải hành xử bất kể lúc nào cũng không được tì vết. Chính điều đó trở thành áp lực vô hình lên cuộc sống của thầy cô, mà quên mất rằng, họ cũng có quyền đòi hỏi nhiều thứ như người khác (kể cả được quyền sai lầm).
Với những gì hiện thấy ở trường học cũng như bao lo toan của thầy cô, làm sao người thầy có đủ sức lực, trí lực và thời gian để tập trung cho việc giáo dục nhân cách làm người thay vì chỉ truyền đạt kiến thức như một cái máy. Làm tròn vai một nhà giáo dục thực thụ thôi, chứ chưa nói đến chuyện giáo dục khai phóng nghe to tát, đã là quá khó khăn với thầy cô trong trào lưu đổi mới – cải cách xoành xoạch của ngành giáo dục rồi.
Hôm nay, sẽ có rất nhiều hoa và những lời chúc tụng cho lòng biết ơn với người thầy. Dù ngày mai, bạn vẫn sẽ tiếp tục đọc những bản tin về một ai đó làm hoen ố thanh danh nghề giáo; thì đó không bao giờ hàm nghĩa đại diện cho điều gì cả. Vì tôi tin, niềm kính trọng và tin yêu với người thầy trong mỗi người vẫn ở đâu đó. Nó sẽ nhen lên điều tốt đẹp cho cuộc sống, như người thầy trên nóc Ông Ruộng kia, suốt mấy chục năm chẳng có gì cho mình, ngoài nụ cười của những đứa trẻ lấm lem...