Viết tiếp trang sử hào hùng
Bài học về tinh thần đoàn kết, tương trợ giữa đồng bào các dân tộc huyện Trà My (nay là Bắc Trà My và Nam Trà My) trong lao động sản xuất, đánh đuổi kẻ thù xâm lược để giành độc lập, tiếp tục được các thế hệ kế cận của vùng đất “cao sơn ngọc quế” nhắc nhớ, chung tay viết nên những trang sử mới về hành trình đưa quê hương phát triển.
Đoàn kết chống kẻ thù
Ngày 28.10.1949, Đảng bộ huyện Trà My được thành lập với 67 đảng viên - khẳng định sự chuyển biến rõ nét trong phong trào cách mạng, về công tác xây dựng Đảng, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc trong huyện.
Từ khi được thành lập, Đảng bộ Trà My đã tập trung lãnh đạo công tác xây dựng Đảng và tổ chức học tập, quán triệt chính sách dân tộc của Đảng cho cán bộ, đảng viên. Thông qua đó, nâng cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, chống lại âm mưu chia rẽ của kẻ thù, với tinh thần “Đoàn kết, bình đẳng, tương trợ” và thấu suốt phương châm “Kiên nhẫn, thận trọng, chắc chắn”.
Một trong những kết quả nổi bật của năm đầu thành lập, đó là công tác phát triển đảng viên, theo đó, số lượng đảng viên người dân tộc thiểu số không ngừng tăng lên.Nhiều chi bộ đảng mới được thành lập như Chi bộ Nú, Zút, Kót... Việc đẩy mạnh xây dựng phát triển đảng ở vùng dân tộc thiểu số Trà My đã được Đại hội Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng tháng 2.1950 biểu dương, khen ngợi.
Sau thời gian hoạt động lâm thời, tháng 3.1951, Đảng bộ Trà My tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ I tại xã Trà Giang với 30 đại biểu tham dự; đồng chí Trần Huệ được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Đại hội kêu gọi nhân dân nêu cao tinh thần đoàn kết, sẵn sàng đấu tranh không cho địch mở rộng địa bàn hoạt động; kêu gọi tăng gia sản xuất; chú trọng công tác xây dựng Đảng, tăng cường đội ngũ cán bộ, đảng viên đi sâu hoạt động ở các vùng trọng yếu của huyện.
Theo ông Huỳnh Tấn Sâm - nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My, là địa bàn nối liền giữa đồng bằng Quảng Nam, Quảng Ngãi với chiến trường Tây Nguyên, vùng Trà My được Ban cán sự miền Tây Quảng Nam tập trung xây dựng thành địa bàn chiến lược do Khu ủy 5 trực tiếp chỉ đạo. Phong trào cách mạng tại Trà My từ đó phát triển lên một tầm cao mới; điển hình là tháng 2.1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, bộ đội địa phương phối hợp với lực lượng vũ trang Liên khu 5 tấn công đồn Ngok Spanh thu được thắng lợi lớn. Từ chiến thắng này đã cổ vũ mạnh mẽ đồng bào vùng lên đánh đuổi thực dân Pháp.
Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, niềm vui chưa được bao lâu thì cùng cả nước, Đảng bộ và đồng bào các dân tộc Trà My bước vào cuộc chiến mới chống lại đế quốc Mỹ. Nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình cách mạng, tháng 3.1963, Tỉnh ủy quyết định tách Trà My thành hai khu, sau đổi tên thành huyện Nam Trà My và Bắc Trà My. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Trà My và Bắc Trà My đã tích cực giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất và chiến đấu, đóng góp lương thực, mở đường hành quân từ miền núi xuống đồng bằng phục vụ cho cách mạng.
“Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và lao động sản xuất, năm 1978, huyện Trà My - lúc bấy giờ được hợp nhất hai huyện (vào tháng 5.1975), vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là niềm tự hào, sự cổ vũ, động viên lớn lao, là động lực mạnh mẽ để Đảng bộ, quân và dân Trà My cùng chung tay khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ quê hương trong thời kỳ mới” - ông Sâm cho hay.
Chung tay xây dựng quê hương
Với những thành tích xuất sắc đã đạt được trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 huyện Nam - Bắc Trà My vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: 11 xã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang; 60 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 1 cá nhân là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…
Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước được Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra, các kỳ đại hội trong giai đoạn từ 1986 - 2003, Đảng bộ huyện Trà My xác định nhiệm vụ trọng tâm phải ổn định và phát triển sản xuất theo hướng ưu tiên sản xuất lương thực, phát triển nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; kết hợp phát triển kinh tế - văn hóa với quốc phòng, an ninh; chuyển mạnh từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường.
Ngày 1.8.2003, huyện Trà My một lần nữa được chia tách thành hai huyện Nam - Bắc Trà My nhằm tạo điều kiện thuận lợi khai thác các tiềm năng, lợi thế để phát triển. Ngay sau khi chia tách, Đảng bộ hai địa phương đã khẩn trương kiện toàn bộ máy tổ chức, ổn định tình hình, tập trung lãnh đạo khắc phục khó khăn để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, từng bước thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo chương trình kế hoạch đề ra.
Trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương luôn phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết, nhất trí, không ngừng đổi mới, lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, giành nhiều thành tựu quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Với điểm xuất phát ban đầu là vùng khó khăn nhất của tỉnh, đến nay Nam - Bắc Trà My đã từng bước có sự phát triển và đã đạt được những thành tựu đáng mừng.
Đặc biệt, chương trình giảm nghèo đem lại nhiều hiệu quả với những cách làm sáng tạo, phù hợp như phong trào “3 cán bộ, công chức giúp một hộ thoát nghèo” của huyện Nam Trà My, hay mô hình “Cán bộ, đảng viên đồng hành với hộ nghèo” của huyện Bắc Trà My đã góp phần khích lệ, động viên các hộ nghèo chủ động vươn lên trong cuộc sống. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo hai huyện đã giảm xuống dưới 40%.
Trong công tác xây dựng Đảng, hai địa phương tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ huyện và các cấp đảng ở cơ sở. Nhiệm vụ phát triển đảng viên được quan tâm cả về số lượng và chất lượng; không còn thôn trống chi bộ, nóc trắng đảng viên, tất cả thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị đều có tổ chức đảng. Đến nay Đảng bộ hai huyện có 91 cơ sở đảng trực thuộc, với 4.168 đảng viên. Trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt cả về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
“Càng tự hào về truyền thống cách mạng, thế hệ trẻ chúng tôi càng thấy rõ trách nhiệm với tương lai phát triển của quê hương Trà My. Nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Trà My trong giai đoạn mới là phải phát huy cao độ truyền thống cách mạng, ý chí, nghị lực, đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, viết tiếp những trang sử mới, làm rạng rỡ thêm truyền thống của quê hương anh hùng” - bà Huỳnh Thị Thùy Dung, Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My nói.
Nhiều đổi thay trong đời sống của đồng bào
Ẩn sâu trong ký ức của ông Đinh Mươk - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh, những năm cuối thập niên 90, vùng đất Trà My vẫn bộn bề gian khó. Như nhiều địa phương miền núi khác, thời điểm đó, mặc dù chính sách của Nhà nước đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số khá nhiều nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Điện - đường - trường - trạm vẫn chỉ tạm bợ, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Năm 2003, sau khi được chia tách thành hai huyện Nam - Bắc Trà My, bộ mặt nông thôn miền núi của hai huyện đã có nhiều khởi sắc, nhất là về hạ tầng giao thông đi lại, cũng như hình thành các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả từ cây dược liệu. “Ngoài 2 loại dược liệu chủ lực là sâm Ngọc Linh và quế Trà My, ở hai địa phương còn có các dược liệu khác có giá trị kinh tế cao như đảng sâm, chè dây, giảo cổ lam, sơn tra,… góp phần nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào. Đây được xem là thế mạnh cần tiếp tục được quan tâm, mở rộng trong thời gian đến” - ông Mươk nói.
Cũng theo ông Mươk, mặc dù đời sống người Trà My đã có nhiều đổi thay, nhưng quá trình phát triển vẫn chưa đồng đều. Sâm Ngọc Linh, dù mang giá trị kinh tế rất cao nhưng cũng chỉ có ở một số xã của huyện Nam Trà My, khiến tỷ lệ nghèo vẫn còn ở mức cao. Vì thế, bên cạnh phát huy các mặt đã làm được, ông Mươk mong muốn lãnh đạo Nam - Bắc Trà My cần có thêm kế sách mới, chiến lược cụ thể trong phát triển kinh tế - xã hội, bám sát các nội dung Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy. Đồng thời, chú trọng đến công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, đảm bảo ổn định đời sống cho đồng bào địa phương.