Ong Việt làm gì?
Bạn làm doanh nghiệp kinh doanh buôn bán, nay tính chuyện khởi nghiệp từ nông nghiệp muốn tìm sự tư vấn hướng phát triển. Một số chuyên gia được hỏi, đã chỉ cho bạn 4 chữ cần phải quan tâm là: O + V+ L + G, đó là 4 chữ cái viết tắt gồm: Organic, VietGAP, LocalGAP, và GlobalGAP.
Không khó để truy cập nội dung những khái niệm đó trên internet. Tuy nhiên, người viết bài này đã tìm kiếm giúp bạn đỡ mất công tóm lược, đại ý:
Organic là sản phẩm hữu cơ được trồng mà không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón tổng hợp, bùn thải, sinh vật biến đổi gen, hoặc bức xạ. Động vật cho thịt, gia cầm, trứng và các sản phẩm sữa không dùng thuốc kháng sinh hoặc chất tăng trưởng. Sản phẩm hữu cơ được sản xuất từ những nông trại chú trọng việc sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo, bảo tồn nguồn đất và nước để nâng cao chất lượng môi trường, môi sinh cho thế hệ tương lai.
VietGAP là tiêu chuẩn riêng của Việt Nam trong Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành vào 28.1.2008.
LocalGAP, tiêu chuẩn mới mà GlobalGAP đồng ý xây dựng chung với Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, công bố mã số (GLN) của nhà sản xuất Việt Nam đạt chứng nhận LocalGAP để các nhà bán lẻ khắp thế giới truy cập, xác thực tiêu chuẩn và mua hàng.
GlobalGAP, là tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu, gồm một bộ tiêu chuẩn (tập hợp các biện pháp kỹ thuật) về thực hành nông nghiệp tốt được xây dựng để áp dụng tự nguyện cho sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch cho các nông sản (bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản).
Dù được nghe tóm gọn vắn tắt thế nhưng theo bạn tôi, nếu đem ra tuyên truyền, phổ biến và vận động thực hiện các tiêu chuẩn như trên bằng các khái niệm, thuật ngữ tiếng Anh e rằng bà con nông dân sẽ khó nhớ. Bạn đề nghị tìm cách diễn đạt trong một câu nôm na để dễ tiếp cận hơn, chẳng hạn: O+ V+ L+G = Ong Việt Là Gì/Ong Việt Làm Gì/Ong Việt Là Giỏi.
Theo bạn, sẽ gần gũi với người Việt khi dùng hình ảnh con ong cần mẫn chăm chỉ xây tổ, rồi bay đi hút nhụy hoa làm nên những giọt mật sạch sẽ, thơm tho, bổ ích cho sức khỏe con người. Con ong cũng sống hòa hợp với thiên nhiên, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Là gì, tức là phải xác định rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Làm gì, tức là sản xuất bằng phương pháp hữu cơ, thân thiện với môi trường, thực hành nông nghiệp tốt đạt tiêu chuẩn Việt Nam và toàn cầu. Còn việc giỏi là phải phát triển bền vững, vươn ra thị trường rộng lớn.
Có thể cách nghĩ của bạn tôi chưa thật sự hoàn hảo, nhưng quả là một gợi ý hay cho cách truyền thông cộng đồng. Truyền thông muốn hiệu quả thì phải nói làm sao cho đối tượng hướng tới nắm bắt được. Muốn bà con nông dân hiểu, nắm bắt nhanh và thực hiện, mà dùng những ngôn từ, thuật ngữ, khái niệm rổn rảng xa lạ rất khó vào. Đây cũng là hạn chế thường thấy trong cách tuyên truyền của báo chí, kể cả những chuyên gia tư vấn về khuyến nông.
Hỏi thêm bạn vì sao không mau chóng thành lập doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cao? Vì còn nhiều rào cản lắm, nhất là môi trường chung quanh còn tình trạng “trồng rau hai luống, nuôi heo hai chuồng” (tức làm ra thứ an toàn và sạch thì để ăn, còn thứ có dùng thuốc độc thì đem bán). Trong bối cảnh đó, nếu đơn độc làm nông nghiệp an toàn sẽ khó thành công. Lại nữa là việc xây dựng thương hiệu, đã có công ty đăng ký nhãn Ong Việt Nam rồi, bạn nói phải lấy tên gọi khác, với câu chuyện khác, không phải kinh doanh mật ong mà sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn của 4 chữ đã được tư vấn. Hy vọng, những giọt mật cho đời được bắt đầu chắt chiu từ khát vọng ấy!