Chọn nguyên liệu thay thế nhựa
Trước thực trạng rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường đáng báo động như hiện nay, nhiều nơi đã bắt đầu hạn chế sử dụng, tiến tới loại bỏ đồ nhựa dùng một lần, túi ny lon.
Tiên phong từ các mô hình kinh tế
Để tiến tới “bài trừ” các chất thải nhựa khó phân hủy gây ô nhiễm môi trường, TP.Hội An là địa phương đi đầu của tỉnh trong cuộc vận động “Nói không với túi ny lon”; hỗ trợ giỏ nhựa cho tiểu thương khi trao đổi buôn bán. Các mô hình triển khai thí điểm có sức lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực cho nhiều địa phương khác cùng thực hiện. Trong khi đó, hệ thống thương mại Co.op mart Việt Nam, trong đó có Co.opMart chi nhánh Tam Kỳ; Saigon Co.op; các siêu thị Big C Đà Nẵng, Big C Hà Nội chủ động sử dụng các loại lá tự nhiên để gói hàng, bọc thực phẩm thay thế túi ny lon nhằm bảo vệ môi trường. Một số doanh nghiệp áp dụng tốt mô hình kinh tế tuần hoàn, như doanh nghiệp đồ uống có 99% phế thải, phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tạo ra thức ăn chăn nuôi, phân bón... Ngoài ra, còn có mô hình khu công nghiệp sinh thái thí điểm tại Đà Nẵng và Cần Thơ. Đặc điểm của các mô hình này là hướng đến sự “cộng sinh” để tận dụng chất thải của nhau trong sản xuất.
Từ tháng 9.2019, Cơ quan Hợp tác Quóc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án Trường Sơn Xanh đã hỗ trợ đầu tự hợp phần “Cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua chuỗi giá trị mây tre đan và cây dược liệu nhằm tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Quảng Nam”. Dự án này được thực hiện bởi Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, các địa phương được hưởng lợi gồm Đông Giang, Núi Thành, Tây Giang, Nam Giang và Phước Sơn. Ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho hay, ngoài cải thiện sinh kế cho đồng bào vùng cao, mục tiêu kép mà dự án hướng đến là bảo vệ một cách tốt nhất môi trường sống, giảm phát thải trong quá trình sản xuất thông qua chuỗi giá trị mây tre và cây dược liệu. “Trong điều kiện biến đổi khí hậu, khí thải nhà kính diễn biến khá phức tạp, việc hiệp hội chủ trương sử dụng lâm sản ngoài gỗ, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thân thiện với môi trường cũng nhằm tiến tới dần “sa thải” các đồ dùng rác thải sinh hoạt khó phân hủy và gây gia tăng ô nhiễm” - ông Ngọc nói.
Cần lan tỏa rộng hơn
Theo báo cáo của Liên hiệp quốc, mỗi năm toàn cầu thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh bề mặt trái đất 4 lần, có khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới song phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp. Chất thải nhựa trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội. Còn thống kê của Tổ chức Việt Nam sạch và xanh cho thấy, Việt Nam là một trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm.
Gần đây, Bộ Tài nguyên - môi trường đã triển khai nhiều cuộc phát động ở phạm vi quốc gia về đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thay thế, có thể làm được từ vật liệu như mây tre, các loại cỏ, cây khác. Đơn cử, nhiều địa phương, hệ thống cơ sở kinh doanh thực phẩm ăn uống đã dùng lá chuối, lá dong riềng để làm bao bì gói thay thế túi ny lon. Tại TP.Hồ Chí Minh, một hệ thống siêu thị Thái Lan bắt đầu hợp tác với doanh nghiệp sản xuất bao bì (tái chế) từ thu gom toàn bộ rác thải là những hộp giấy, thùng các tông đã qua sử dụng.
Tại Quảng Nam hiện nay mới ở thời điểm khuyến cáo, phát động người dân thay đổi thói quen sử dụng nguyên liệu thay thế đồ dùng nhựa, túi ny lon. Điển hình, tại các cuộc hội nghị, hội thảo tổ chức ở phạm vị cấp tỉnh, đều sử dụng chai thủy tinh. Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, các mô hình giảm sử dụng đồ nhựa triển khai gần đây chỉ mang tính phong trào, tự nguyện là chính, thiếu giải pháp mang tính đồng bộ từ cấp trung ương đến địa phương. Các mô hình triển khai thí điểm, hay từng ngành phát động “Nói không với túi ny lon”, “Nói không với rác thải nhựa” thực sự thay đổi nhận thức của người dân, song còn phân tán, đơn lẻ.
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam phát sinh 2,5 triệu tấn rác thải là bao bì, túi ny lon không được tái chế, tái sử dụng buộc phải chôn lấp, đó là chưa kể lượng rác thải nhựa đổ ra biển. Từ sự cố người dân không cho Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam vận chuyển rác thải vào khu xử lý ở xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) gần 2 tháng vừa qua, đã bộc lộ lỗ hổng lớn trong quy trình thu gom - vận chuyển - tập kết - xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh hiện nay. TS. Nguyễn Hoàng Nam (Viện Chiến lược, chính sách và môi trường) đánh giá, hiện Việt Nam đã có một số chính sách liên quan đến kinh tế tuần hoàn, nhưng còn phân tán. Do đó, việc xây dựng một luật riêng về kinh tế tuần hoàn sẽ tạo sự kết nối tốt hơn, dẫn dắt doanh nghiệp và cộng đồng cùng thực hiện, tránh tình trạng hô hào chung chung, hay mỗi ngành thực hiện một cách riêng lẻ.
Đánh giá về mô hình phát triển kinh tế bản địa, kết hợp sử dụng nguyên liệu thay thế đồ nhựa do Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam thực hiện trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Gang - ông Lê Hoàng Linh cho rằng, trong điều kiện chưa tìm ra nguồn nguyên liệu thay thế tốt hơn, thì việc chọn chuỗi giá trị mây tre đan được xem như biện pháp đảm bảo sinh kế và bảo vệ môi trường bền vững hiện nay.