Rưng rưng một thời đã xa
Những chứng nhân năm nào cùng bước qua khói lửa bom đạn ác liệt trên mảnh đất quê nhà Điện Thắng (Điện Bàn) đã có cuộc hội ngộ trong buổi ra mắt tập sách “Tuổi trẻ Điện Thắng - Một thời để nhớ”. Những kỷ niệm đã được ôn lại, sẻ chia cho thế hệ trẻ nghe về một thời bi hùng mà rưng rưng xúc cảm.
Đã 44 năm từ ngày chiến tranh lùi xa, những cán bộ, chiến sĩ từng hy sinh cả tuổi thanh xuân để chiến đấu bảo vệ mảnh đất Điện Thắng thân yêu có thể vơi đi khắc khoải trong tâm khảm khi cuốn sách “Tuổi trẻ Điện Thắng - Một thời để nhớ” sau một thời gian phôi thai ý tưởng và tổ chức bản thảo đã chính thức ra mắt vào cuối tuần qua. Buổi ra mắt tập sách được tổ chức tại Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, với sự tham dự của các vị tướng lĩnh, cán bộ, du kích Điện Thắng một thời và đông đảo đoàn viên thanh niên địa phương; ngay trước thềm kỷ niệm 55 năm ngày anh Trỗi hy sinh (15.10).
Gói ghém hoa lửa quê nhà
Không chỉ khắc họa chi tiết những dấu mốc, sự kiện oai hùng của cuộc chiến, tập sách còn cho người đọc thấy hình ảnh thân thương, mộc mạc của đất và người Điện Thắng đã chở che bao thế hệ. Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, người hỗ trợ biên tập nội dung bản thảo cho cuốn sách chia sẻ, với khả năng, thời gian chuẩn bị có hạn cùng với sự phôi phai của thời gian, có thể cuốn sách sẽ đâu đó thiếu sót một vài nhân vật từng cống hiến, hy sinh cho quê nhà Điện Thắng trong thời kỳ này nhưng tựu trung “Tuổi trẻ Điện Thắng - Một thời để nhớ” đã cho ta cái nhìn tương đối trọn vẹn về sự khốc liệt và ngoan cường của vùng đất, con người Điện Thắng anh hùng.
Ba chương trong cuốn sách ghi dấu hình tượng thanh niên Điện Thắng trong giai đoạn 1954 - 1975 phơi phới niềm tin đi theo lý tưởng cách mạng bất chấp bao hiểm nguy, mất mát như câu thơ của nhà thơ Thanh Thảo “Tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?…”. Câu chuyện về những anh hùng Lê Tự Nhất Thống, Lê Quyến hay chiến sĩ Phan Dính có người tuổi đời chưa đến hai mươi qua lời kể của những nhân chứng quá đỗi bình dị và thân thương, họ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Bà Nguyễn Thị Cùng - nguyên Bí thư Đoàn xã Điện Thắng, cán bộ Huyện đoàn Điện Bàn giai đoạn 1971 - 1972 nói, cuốn sách mang lại sự sẻ chia và tri ân những đồng chí, đồng đội thanh niên du kích cùng cán bộ hoạt động đoàn ngày ấy. Qua đây, hy vọng các bạn trẻ biết thêm ít nhiều về lớp người đi trước để xây dựng, kiến thiết đất nước, quê hương phồn vinh, hạnh phúc.
Hồi ức người trong cuộc
Cũng trong dịp ra mắt sách “Tuổi trẻ Điện Thắng - Một thời để nhớ”, Thị đoàn Điện Bàn đã giới thiệu sổ tay biên tập các “Địa chỉ đỏ trên địa bàn thị xã Điện Bàn”, sổ tay dày 260 trang giới thiệu “địa chỉ đỏ” trên địa bàn thị xã và sẽ được trang bị cho tất cả cơ sở đoàn - hội - đội tại địa phương để làm tư liệu tuyên truyền về truyền thống anh hùng của quê hương.
Hội ngộ tại buổi ra mắt sách, những nhân chứng đi qua khói lửa chiến tranh chia sẻ nhiều câu chuyện cảm động về nỗi da diết nhớ thương đồng đội đã nằm lại đất mẹ, về dằng dặc hồi ức những ngôi nhà, bà mẹ đã chở che, bao bọc và cả câu chuyện về tình yêu nguồn cội, tình yêu rung động đầu đời trong quá trình chiến đấu. “Quên sao được hình ảnh mẹ Kiểu nấu từng tô cháo hành nuôi chúng tôi những ngày nằm hầm bí mật. Quên sao được những lời an ủi, động viên, chăm sóc của mẹ khi có đồng đội bị sốt rét, thương hàn nằm lả người thập tử nhất sinh suốt cả tháng trời. Chỉ tiếc rằng mẹ mất sớm sau ngày hòa bình đất nước còn quá khó khăn, vất vả đến khi có điều kiện kinh tế tốt hơn thì mẹ chẳng còn để tri ân” - bà Nguyễn Thị Tân, nguyên Bí thư Xã đoàn Điện Thắng năm 1970 bùi ngùi chia sẻ.
Cũng trong hồi ức của bà Nguyễn Thị Cùng, Nguyễn Thị Tân hay ông Nguyễn Hữu Tiền vẫn luôn hiện hữu nỗi nhớ thương về tình yêu lứa đôi của đồng đội mãi mãi dang dở vì bom đạn khói lửa. Đó là mối tình của chàng trai tên Tiến quê ở Thanh Hóa là bộ đội tăng cường đơn vị 76 của Mặt trận 44 Quảng Đà với nữ Xã đội phó Trương Thị Hú đã phải dở dang khi vào tháng 9.1971 chị Hú hy sinh. Hay chuyện hẹn thề giữa nữ Xã đội phó Ngô Thị Cúc với một chàng trai Hải Phòng cũng không đến được cuối con đường khi cả hai đều hy sinh trên mảnh đất Điện Thắng thân yêu...