Cải thiện năng lực ươm tạo khởi nghiệp địa phương
Ngoài nội lực của start-up thì một điều quan trọng khác để hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển bền vững là kinh nghiệm quản lý, vận hành tổ chức ươm tạo của đội ngũ cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp địa phương.
Ươm tạo và hỗ trợ
Thúc đẩy và phát triển bền vững khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) đang là mục tiêu trọng tâm của cả nước. Với khu vực miền Trung, nơi “sinh sau đẻ muộn” về hoạt động này càng cần sự định hướng và hỗ trợ đắc lực hơn để bắt kịp so với hai đầu đất nước. Đà Nẵng được xem là địa phương tiên phong trong khu vực tích cực thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp và xây dựng được một hệ sinh thái tương đối hoàn thiện để trở thành một mô hình có nhiều điểm phù hợp để các tỉnh lân cận học hỏi.
Theo ông Phạm Đức Nam Trung – Giám đốc điều hành Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES): “Hệ sinh thái của Đà Nẵng đã bắt đầu đi vào giai đoạn kích hoạt thế hệ khởi nghiệp tiềm năng cũng như kết nối với hệ sinh thái khác cả trong, ngoài nước. Một trong những kinh nghiệm quan trọng nhất của Đà Nẵng là phải có được đội ngũ nhân sự được huấn luyện và biết thích ứng với điều kiện địa phương”.
Theo ông Phạm Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Sở KH-CN, Tổ trưởng Tổ công tác hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quảng Nam, từ cuối năm 2018 đến nay, địa phương đã cử nhiều học viên tham dự 3 khóa đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ khởi nghiệp địa phương khu vực miền Trung tổ chức ở Đà Nẵng, ngoài ra còn đề nghị tổ chức một khóa mở rộng riêng biệt cho Quảng Nam để phù hợp với đặc thù của địa phương.
Ông Hồ Quang Dũng – Giám đốc đối ngoại DNES chia sẻ: “Thực sự ở nhiều vùng quê của miền Trung, nhắc đến khái niệm khởi nghiệp là thứ vẫn còn mơ hồ. Có lần chúng tôi đến huyện Núi Thành để chia sẻ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp nhưng thực sự vẫn có khác biệt rất lớn trong suy nghĩ về khởi nghiệp tại đây ở cả cán bộ hỗ trợ lẫn start-up”.
Ông Vũ Xuân Trường - Giám đốc Quỹ đầu tư Flying Fish Investment cho hay: “Đa phần dự án KNĐMST muốn thành công phải trải qua nhiều lần khởi nghiệp nhưng ở các tỉnh miền Trung dự án khởi nghiệp không nhiều nên buộc chúng tôi phải hỗ trợ song song để dần tích lũy kinh nghiệm cho start-up xong rồi mới hướng đến KNĐMST”.
Cải thiện năng lực
Trên thực tế, đội ngũ quản lý và hỗ trợ khởi nghiệp ở cấp huyện, thành phố hiện nay vẫn còn rất mỏng, chủ yếu ở dạng kiêm nhiệm bên cạnh chuyên môn chính và được tổ chức theo hình thức câu lạc bộ nhỏ lẻ.
Theo ông Vũ Xuân Trường, một thực trạng chung của hầu hết cán bộ hỗ trợ KNĐMST ở các địa phương nằm ở việc họ chỉ nghĩ trong phạm vi của đơn vị mình. “Mọi người cứ nghĩ nguồn lực của mình có hạn mà quên mất hoạt động start-up cần sự kết nối trong tỉnh, liên tỉnh với nhau đôi khi một buổi hội thảo, sự kiện khởi nghiệp chỉ cần kết nối để họ được gặp nhau đã là có ích” - ông Trường phân tích.
Hiện nay mục tiêu tổng thể của khởi nghiệp Quảng Nam sẽ hướng đến hoàn thiện 130 sản phẩm, phát triển 100 mới sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn gắn với OCOP. Ông Hồ Quang Dũng cho rằng: “Việc đào tạo cán bộ nguồn trực tiếp hỗ trợ khởi nghiệp sẽ hiệu quả hơn nhiều khi nó đi kèm với việc hình thành các định hướng kế hoạch đúng đắn từ chính quyền địa phương đặc biệt ở cấp tỉnh và huyện”.
Theo ông Phạm Đức Nam Trung, nhiệm vụ của DNES trong phát triển hệ sinh thái KNĐMST địa phương là hỗ trợ gián tiếp thông qua đầu tư phát triển các trung tâm về các mặt tài chính, nhân sự, kỹ năng chứ không hỗ trợ trực tiếp cho các start-up. Thông qua điều này, DNES hy vọng sẽ tích lũy được kinh nghiệm tổ chức sự kiện và xây dựng cộng đồng khởi nghiệp địa phương cũng như kỹ năng căn bản dành cho người hỗ trợ và ươm tạo khởi nghiệp, đặc biệt là KNĐMST.
Nâng cao năng lực
Trong khuôn khổ nhiệm vụ 4 - Đề án 844 mang tên “Nâng cao năng lực cá nhân quản lý, vận hành tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức đầu tư vốn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” của Bộ KH&CN, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng bước đầu đã triển khai hai khóa huấn luyện cho hơn 100 học viên đến từ 5 tỉnh, thành gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi với tỷ lệ tham gia đầy đủ và hoàn thành chương trình ở mức hơn 80%. Tỷ lệ hài lòng với chương trình của học viên ở mức hơn 75%. Tham gia các khóa đào tạo trên, học viên được cung cấp kiến thức chuyên sâu về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, chuyển giao quy trình ươm tạo dự án và các kỹ năng trong việc quản lý, vận hành tổ chức hỗ trợ đầu tư cho khởi nghiệp. Ngoài ra học viên còn được phát hành cẩm nang quản lý, vận hành tổ chức hỗ trợ và tổ chức đầu tư vốn cho khởi nghiệp sáng tạo trong đó có mô hình PPP - hợp tác công tư độc đáo hiện đang được Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng áp dụng.
Theo ông Nguyễn Phạm Hà Minh - Giám đốc Dự án SIHUB 2020, lợi thế cạnh tranh của hoạt động khởi nghiệp không thể tách rời và khu biệt bởi lợi thế cạnh tranh của cộng đồng kinh tế tư nhân. Ở một mức độ khái quát hơn, về thực chất đó chính là lợi thế cạnh tranh của kinh tế vùng nên đòi hỏi năng lực hoạch định của cơ quan quản lý nhà nước và năng lực của cán bộ hỗ trợ, ươm tạo khởi nghiệp địa phương cũng góp phần không nhỏ nếu muốn hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương phát triển bền vững. (QUỐC TUẤN)