Nhiều giải pháp giảm nghèo ở Tây Giang

BHƠRIU QUÂN 03/10/2019 09:52

Là huyện miền núi, giáp biên giới, phần lớn dân tộc Cơ Tu sinh sống, hộ nghèo chiếm tỷ cao nên công tác giảm nghèo luôn được các cấp ủy, chính quyền từ thôn đến huyện Tây Giang quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Việc sắp xếp, bố trí dân cư tập trung gắn với hỗ trợ nhà ở từng bước giải quyết khó khăn ban đầu cho hộ nghèo.Ảnh: B.QUÂN
Việc sắp xếp, bố trí dân cư tập trung gắn với hỗ trợ nhà ở từng bước giải quyết khó khăn ban đầu cho hộ nghèo.Ảnh: B.QUÂN

Từ năm 2016 đến năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của huyện Tây Giang giảm từ 46,32% (năm 2016) xuống còn 43,14% (năm 2018). Mặc dù kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, nguồn lực huy động còn hạn chế, chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra nhưng con số giảm 3,18% trong 3 năm thực hiện giảm nghèo khẳng định sự nỗ lực rất lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giảm nghèo ở huyện Tây Giang.

Đồng hành cùng người dân

Từ thực hiện các chính sách giảm nghèo đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, nhiều cấp ủy, chính quyền từ thôn đến huyện tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Nhiều cán bộ xã đã chủ động xuống thôn họp, lấy ý kiến người dân xác định danh mục cây con giống phù hợp để hỗ trợ và giao cấp xã làm chủ đầu tư, xây dựng dự án, mô hình thực hiện. Các ngành ở huyện phối hợp thẩm định, kiểm tra hiệu quả của các chương trình hỗ trợ tại hộ dân. Thực tế khi triển khai hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi từ nguồn vốn 30a đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, số hộ nghèo bình quân hàng năm giảm dần, năm 2018 hộ nghèo giảm 206 hộ, giảm 5,26% so với năm 2017.

Trong những năm qua, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền và đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động các hộ nghèo phấn đấu thoát nghèo bền vững của Mặt trận và các hội đoàn thể nên các chủ trương, chính sách đối với hộ nghèo ở Tây Giang được triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả. Ngoài các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên cũng được các cấp, các ngành ở huyện quan tâm. Việc triển khai thực hiện các quyết định, nghị quyết liên quan của trung ương và tỉnh tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận dần các dịch vụ việc làm, học nghề, tham gia đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Nhiều em sau khi hết thời hạn lao động ở nước ngoài tiếp tục xin việc làm ổn định tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tạo thu nhập ổn định, từng bước xóa đói giảm nghèo. Từ năm 2016 đến nay, huyện Tây Giang tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động 572 lao động; trong đó, đào tạo nghề lao động nông thôn 243 lao động, giải quyết việc làm 281 lao động; vận động xuất khẩu lao động đi thị trường Malaysia 29 lao động, Hàn Quốc 1 lao động, Nhật Bản 3 lao động, Ả Rập-Xê Út 18 lao động nhưng chưa đủ điều kiện xuất cảnh.

Nhiều giải pháp

Ông Hồ Minh Long - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tây Giang cho hay, hiện nay sự chênh lệch thu nhập giữa các hộ, nhóm hộ, các vùng còn lớn. Bên cạnh đó cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa thật sự phù hợp với hộ nghèo, còn mang tính bao cấp hoặc chưa phù hợp với nhu cầu và phong tục tập quán của người dân, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số như vấn đề cho vay, vấn đề cấp vốn và thời hạn thu hồi vốn vay... dẫn đến cộng đồng chưa nhận thức rõ kết quả của công tác xóa đói giảm nghèo. Tình trạng người lao động chưa qua đào tạo, thiếu kiến thức làm ăn, chưa có ý thức tham gia học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo vẫn còn cao. Trước những khó khăn trong việc thực hiện giảm nghèo ở địa phương, ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang chia sẻ, trong thời gian đến, các cấp ủy đảng, chính quyền cần bám sát mục tiêu giảm hộ nghèo và số hộ nghèo được phân công giúp đỡ thoát nghèo. Việc điều tra, rà soát phải chặt chẽ, khách quan, đúng đối tượng, cần chú ý đến số hộ đã có đơn đăng ký thoát nghèo theo Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh. Vận động, thuyết phục hộ dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo thay đổi nhận thức, khắc phục tình trạng lười lao động, ngại xa nhà, xa quê, xa rừng để đi làm ăn xa phát triển kinh tế; vận động hộ nghèo có điều kiện (đất đai, lao động,…) đăng ký tham gia phong trào thoát nghèo bền vững.

Năm 2019, huyện Tây Giang phấn đấu giảm 224 hộ nghèo, dưới 37,66% (giảm từ 4,5 - 5,5% so với năm 2017). Hiện nay, các cấp, các ngành và địa phương trên địa bàn huyện đang tổ chức triển khai thực hiện công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2019. Nhiều xã khẳng định lần này sẽ điều tra, rà soát chặt chẽ và cương quyết sẽ loại bỏ danh sách ban đầu đối với hộ gia đình cố tình trốn tránh, cung cấp thông tin không trung thực; hộ gia đình trong độ tuổi lao động nhưng lười biếng (sống bám vào chế độ, chính sách hỗ trợ, chế độ bệnh binh, thương của bố, mẹ,…); hộ gia đình là hộ người cao tuổi tuy có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng (con cái) có điều kiện kinh tế khá nhưng không chăm sóc, nuôi dưỡng để được hưởng hộ nghèo, cận nghèo…

BHƠRIU QUÂN