Sức mạnh đoàn kết

ĐĂNG NGUYÊN - HẠ NGUYÊN 26/09/2019 11:01

Sống quần cư trong một cộng đồng, bất kể công việc gì diễn ra cũng đều nhận được sự chung tay, góp sức của dân làng. Truyền thống văn hóa độc đáo này được bảo lưu, trở thành sức mạnh tổng hợp, giúp đồng bào vùng cao vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Đồng bào vùng cao tổ chức ngày hội kết đoàn. Ảnh: NGUYÊN NGUYÊN
Đồng bào vùng cao tổ chức ngày hội kết đoàn. Ảnh: NGUYÊN NGUYÊN

Ông Chơrum Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho hay, cùng với các dân tộc anh em trên dãy Trường Sơn, Nam Giang cũng là một trong những địa phương có nhiều đóng góp cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong đó, tiêu biểu là những cuộc đấu tranh của các vị tộc trưởng dòng họ Kaphu trong phong trào Cần Vương (1885); cuộc nổi dậy của nhân dân Nam Giang xuống đồn Bốt Six, rồi tới Hội An buộc Công sứ Pháp Đuy-cơ-rê phải chấp nhận chấm dứt mở các cuộc hành quân lên vùng cao, bắt dân đi xâu và ngăn cản việc đi lại mua bán giữa các đồng bào các dân tộc huyện Nam Giang với thương lái Bến Giằng. Hay cuộc đấu tranh đánh địch tại ngọn núi Công C’neng do các ông Tr’gia, Tr’ging đứng đầu với chiến công vang dội, ghi danh vào lịch sử địa phương trong cuộc kháng chiến chống lại kẻ thù. Từ việc chú trọng tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc đã ghi dấu những “cột mốc” giữa mối tình non ngàn, tạo thế trận vững chắc, xóa bỏ hiềm khích thù hận giữa các dân tộc, mở ra trang sử mới: đoàn kết một lòng, ăn thề kết nghĩa anh em. “Chính nhờ sức mạnh của tình đoàn kết và lòng tự hào dân tộc đã gắn kết đồng bào vùng cao Nam Giang ngày càng gần nhau, keo sơn vững chắc, chiến thắng mọi âm mưu của kẻ thù” - ông Nhiên khẳng định.

Ông Hồ Văn Điều - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nói, bước ra từ khói lửa chiến tranh, người vùng cao càng đoàn kết, giúp nhau xây dựng đời sống mới trên quê hương của mình. Từ các dự án, chính sách của Nhà nước, mà dấu ấn lớn nhất là Chương trình 135, đã giúp diện mạo miền núi ngày càng khởi sắc, đổi thay rõ rệt. Những năm gần đây, nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai, như nông thôn mới và một số nghị quyết quan trọng của tỉnh, chính đồng bào vùng cao đã tình nguyện hiến hàng nghìn héc ta đất để nhường chỗ xây dựng các công trình dự án dân sinh, từ trường học, trạm y tế, cho đến nhà sinh hoạt cộng đồng. Tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia với cộng đồng luôn được đồng bào gìn giữ như một khí chất cố hữu từ bao đời.

Đậm nét cho tinh thần sẻ chia cộng đồng, phải kể đến sự chung tay, góp sức của đồng bào cho các công trình xây dựng mục tiêu nông thôn mới. Vì mục tiêu chung, đồng bào sẵn sàng nhường đất ở, đất vườn, góp công để hoàn thành các hạng mục đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, làm công viên vui chơi cho trẻ… Từ tinh thần cộng đồng, nhiều tấm gương điển hình dần được xuất hiện, cổ vũ các phong xung kích, tình nguyện ở mỗi bản làng vùng cao hướng về cuộc sống mới. Như bà Bríu Thị Đuônh, người phụ nữ Cơ Tu ở thôn Cha’lăng (xã Ch’Ơm, Tây Giang) đã tình nguyện hiến hơn 1ha đất vườn để chính quyền địa phương xây dựng mặt bằng dân cư mới cho hàng chục hộ dân địa phương có nơi ở ổn định. Hay tấm gương ông Hồ Văn Vàng, dân tộc Ca Dong, nhường hơn 6.000m2 đất rẫy cho bà con ở khu tái định cư Khe Chữ (xã Trà Vân, Nam Trà My) làm nhà sau sự cố lở đất vào cuối năm 2017, mà không đòi hỏi một đồng bồi thường của Nhà nước. Nói như bà Bríu Thị Đuônh, nhường đất để làm đường cho dân làng đi, để bà con có nơi dựng nhà ở thì không việc gì phải tiếc, phải đòi hỏi. Bởi từ lâu bà luôn xem người làng đều như con cháu trong nhà. Tấm lòng đôn hậu, vì cộng đồng, với họ chỉ đơn giản như thế...

ĐĂNG NGUYÊN - HẠ NGUYÊN