Ông quản điều ở làng Hóa Khuê Đông

LÊ THÍ 23/09/2019 13:25

Một nông dân bình thường ở làng Hóa Khuê Đông đã trở thành Chánh quản cơ hương binh trong đạo quân của Nghĩa hội Quảng Nam sau một chiến công bất ngờ trên sông Cổ Cò. Ông đã trở thành biểu tượng cho tinh thần quyết chiến của nghĩa quân với chiếc khăn điều (đỏ) bất ly thân và trở thành liệt sĩ của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam.

Tiền hiền làng An Hải, nơi Quản Điều được thờ cúng vào mùng 10 tháng Tám âm lịch.
Tiền hiền làng An Hải, nơi Quản Điều được thờ cúng vào mùng 10 tháng Tám âm lịch.

Làng Hóa Khuê Đông

Làng Khóa Khuê Đông nay thuộc phường Khuê Mỹ và một phần phường Hòa Hải thuộc quận Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng). Làng nằm ở phía bờ đông của sông Hàn, gọi là Hóa Khuê Đông nhằm phân biệt với làng Hóa Khuê Tây ở phía bờ tây sông Hàn nay thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Hóa Khuê Đông và Hóa Khuê Tây được hình thành dưới thời các chúa Nguyễn (1558 – 1775) do tách ra từ làng Hóa Khuê dưới thời nhà Lê. Hóa Khuê là làng cổ của xứ Quảng, trải dài từ sân bay Đà Nẵng đến tận núi Non Nước (Ngũ Hành Sơn) ngày nay, là một trong 66 làng của huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong và được ghi cụ thể trong sách Ô châu cận lục của Dương Văn An viết năm 1555.

Tên Hóa Khuê có mặt trong hầu hết thư tịch cổ có đề cập đến các làng xã của Quảng Nam. Phần lớn tài liệu đều ghi là Hóa Khuê thỉnh thoảng có sách lại ghi là Hóa Quê. Sự sai lệch này có lẽ do cách phát âm của người Quảng (cũng như làng Quản Khái bên cạnh làng Hóa Khuê đôi khi cũng bị gọi là Quản Cái). Việc chia tách làng Hóa Khuê thành hai làng có lẽ do sự bất tiện vì bị chia cắt bởi con sông Hàn nhưng việc chia tách thực hiện vào thời điểm cụ thể nào thì không rõ; song tên hai làng được ghi trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn được viết năm 1776. Lúc này cả hai làng đều thuộc tổng Lỗ Giáng, huyện Hòa Vang.

Sách Địa bạ triều Gia Long (1814) cho biết có hai xã có tên Hóa Khuê là Hóa Khuê Đông (thuộc tổng An Lựu Hạ, huyện Diên Khánh) và Hóa Khuê Trung Tây (thuộc tổng Bình Thái Hạ, huyện Hòa Vang).

Trong sách Đồng Khánh địa dư chí soạn trong khoảng 1887 - 1890 chỉ tìm thấy một địa danh có liên quan là xã Hóa Khuê Trung Tây, thuộc tổng Bình Thới Hạ, huyện Hòa Vang mà thôi.

Nguyễn Phước Tương trong Xứ Quảng - Vùng đất và con người dẫn thông tin từ Tạp chí của Hội Đô thành hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Huế) cho biết vào năm 1916 dưới thời Khải Định thì Hóa Khuê Đông trở thành làng Quế Đông thuộc tổng An Lưu, huyện Hòa Vang. Sau Cách mạng Tháng 8, xã Quế Đông trở thành một phần của xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang. Suốt thời kỳ Việt Nam Cộng hòa (1954 - 1975) Hóa Khuê Đông luôn là một phần của xã Hòa Hải, quận Hòa Vang.

Sau 1975 xã Hòa Hải vẫn thuộc huyện Hòa Vang cho đến năm 1997 khi TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam chia tách thành hai đơn vị hành chính, thì Hòa Hải mới thuộc quận Ngũ Hành Sơn. Năm 2005 phần đất của Hóa Khuê Đông cũ thuộc Hòa Hải kết hợp với một phần đất của Bắc Mỹ An hợp thành phường Khuê Mỹ ngày nay (chữ Khuê trong Khuê Mỹ có gốc gác từ chữ Hóa Khuê ngày trước).

Ông Quản Điều

Ông Quản Điều, tên là Nguyễn Văn Diêu. Nguyễn Văn Diêu tuy là một nông dân bình thường của làng Hóa Khuê Đông, huyện Diên Phước nhưng đã có một chiến công là một mình, chỉ với chiếc cuốc đã đập vỡ đầu tên lính Pháp với đầy đủ vũ khí.

Chuyện kể, vào một sáng cuối thu 1885, khi Nguyễn Văn Diêu đang vác cuốc thăm đồng thì thấy một tên lính Pháp chạy xuồng máy trên sông Cổ Cò với mục đích là tìm hiểu đoạn sông này để chuẩn bị cho tàu Pháp tiến quân vào đánh chiếm lại Vĩnh Điện, Thanh Chiêm vốn là tỉnh thành Quảng Nam nơi đang do quân của Nghĩa hội cai quản.

Nguyễn Văn Diêu đã ẩn mình dưới nước, lấy cỏ lác phủ lên. Khi chiếc xuồng đi chậm qua, Nguyễn Văn Diêu đã chỉ bằng một nhát cuốc chớp nhoáng, đập vỡ đầu tên lính Pháp. Xong ông mang đầu tên lính cùng với khẩu súng và lưỡi lê đến nạp cho quân thứ Giang Châu do Huỳnh Bá Chánh chỉ huy đang đóng ở đoạn giữa Cẩm Lệ và Đò Xu (thuộc làng Trung Lương). Mười ngày sau, Nguyễn Văn Diêu được Nghĩa hội phong chức Chánh Chưởng cơ hương binh, kèm với chức vụ này còn một kỷ vật là chiếc khăn nhiễu bịt đầu màu đỏ có thêu 4 chữ “Trảm nhứt khuyển ưng” nghĩa là “đã giết một con chó”.

Từ ngày đó, đi đâu và lúc nào Nguyễn Văn Diêu cũng bịt chiếc khăn điều trên đầu như một vật bất ly thân vì vậy nhân dân trong vùng gọi ông là “Quản Điều”. Quản Điều Nguyễn Văn Diêu đã tổ chức nhiều đội hương binh ở vùng Hóa Khê, Quản Khái để làm đội quân chiến đấu vòng ngoài cho quân thứ Giang Châu của Nghĩa hội đóng bản doanh tại khu vực nằm giữa Đò Xu và Cẩm Lệ. Quản Điều đã chỉ huy nhiều trận đánh trên sông làm cho giặc Pháp phải thất điên bát đảo, đặc biệt là những trận đánh bằng “thảo long”, dùng rơm quấn trên những cọc tre đóng trên sông để đốt cháy tàu giặc. Giặc Pháp rất hận Quản Điều vì đội quân của ông thường sử dụng loại vũ khí đặc biệt là mỏ xảy, một nông cụ có cán dài bằng tre và đầu nhọn bằng sắt để xáp trận, lại thường xuyên vào ban đêm về đốt chợ Hà Thân nhằm cắt đứt nguồn cung cấp lương thực thực phẩm cho quân Pháp.

Khoảng tháng 3.1887, giặc dồn lực lượng vây làng Hóa Khuê Đông. Quản Điều chạy về làng bên Quản Khái. Giặc đốt phá làng suốt ngày. Đến chiều tối, khi thấy tình hình tạm yên Quản Điều về lại làng cũ để tìm hiểu tình hình, trên đầu vẫn vấn chiếc khăn điều vì vậy bị giặc phát giác và vây bắt. Giặc Pháp đem chém và  bêu đầu ông trên cột cờ ở chợ Hà Thân bên bến đò Hà Thân (nay thuộc phường An Hải). Đó là ngày 7 tháng 3 năm Đinh Dậu (31.3.1887). Đến buổi tối ngày thứ 3, khi giặc bớt cảnh giác, đồng đội của ông mới cướp được đầu của ông về chôn chung với xác ông ở Hóa Khuê Đông. Ngày nay ở Hòa Hải còn mộ của Quản Điều Nguyễn Văn Diêu, ngôi mộ đơn sơ với dòng chữ trên bia: “Hóa Đông hiển khảo, tiền hương binh Chánh Quản cơ Nguyễn quý công, tự Quỳnh Phủ, thụy Dõng Cáng, chi mộ”.

Chiếc khăn điều định mệnh có 4 chữ “Trảm nhứt khuyển ưng” được con cháu của ông thờ cho mãi đến năm 1947 mới bị cháy mất sau một trận càn đốt phá của giặc Pháp khi mặt trận Đò Xu bị vỡ.

Quản Điều Nguyễn Văn Diêu trở thành một trong hai nhân thần của làng An Hải (nơi có chợ Hà Thân) và được thờ cúng hàng năm tại tiền hiền của làng trong dịp tế kỳ yên của làng vào ngày 10 tháng Tám âm lịch.

LÊ THÍ