Biết đi đường nào?

P.L.C.N 18/09/2019 13:08

Câu chuyện sinh viên bỏ dở ngành đang học chuyển sang ngành khác sau một thời gian theo học có lẽ không mới và cũng không hiếm, nhất là từ khi các trường đại học, cao đẳng “trăm hoa đua nở”.

Nhưng việc mới đây, một sinh viên ở TP.Hồ Chí Minh chọn lại ngành sư phạm sau nửa chặng đường theo học ngành y đa khoa đã khiến nhiều người suy ngẫm về chuyện chọn ngành, chọn nghề của người trẻ, dù sinh viên này đã trả lời rất rõ với truyền thông rằng: “Nghề nào cũng có những bất lợi riêng. Nếu thích, mình có thể vượt qua nhưng nếu không thích mà vẫn phải đối đầu với những bất lợi ấy thì không thể sống vui vẻ với nó được”, và đơn giản là bạn ấy “không thấy hứng thú”. Nói thêm, 3 năm qua, kết quả học tập của sinh viên này ở Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh đạt khá tốt chứ không phải là do “không học nổi”. Có người khen sinh viên này dũng cảm, bản lĩnh, khi từ bỏ ngành mình cho là không hợp để đến với ngành yêu thích; có người tiếc nuối thời gian, công sức và tiền bạc mà bạn ấy và gia đình đã bỏ ra 3 năm qua.

Tại sao trước mỗi kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng hàng năm, phụ huynh, học sinh thường nhận được rất nhiều sự tư vấn, mà vẫn có không ít học sinh loay hoay chọn ngành, chọn nghề. Có học sinh và phụ huynh không nghe tư vấn và cũng không xem cẩm nang tuyển sinh, vì cho rằng, trường đại học bây giờ cũng gần như một đơn vị kinh doanh, nên ra sức quảng cáo, tiếp thị, PR để thu hút sinh viên theo học, còn kết quả học tập như thế nào, tương lai ra sao thì “để mai tính”.

Còn thí sinh, không phải ai cũng chọn đúng nghề phù hợp với sở thích, sở trường và đam mê của bản thân; có hiểu biết về nghề mình chọn và chọn nghề mà dự báo xã hội hoặc thị trường sẽ có nhu cầu. Nhiều học sinh đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề rất lúng túng vì dường như các em được học rất nhiều kiến thức để có thể thi đỗ vào ngành/ nghề nào đấy nhưng lại không được định hướng nghề nghiệp; không biết sở trường, thế mạnh của mình là gì; cũng không có thông tin đầy đủ và chính xác về nghề mình chọn nên đã “đi lạc”.

Mất hai – ba năm để chọn lại đúng nghề mình yêu thích, có lẽ là cái giá không quá đắt, nhưng nếu ngay từ đầu, các thí sinh đã chọn đúng, thì không phải lãng phí như vậy. Mới đây, một sinh viên quê Quảng Nam đang theo học lớp báo in Khoa Báo chí Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng, sau khi đọc bản tin một tờ báo in đóng cửa, đã nhờ tôi tư vấn có nên học tiếp ngành này hay không. Sinh viên này có kể thêm, sở dĩ trước đây em chọn học báo chí vì thấy nhà báo rất “oai”, bây giờ tiếp xúc với các môn học, mới cảm thấy không phù hợp với bản thân. Tôi thật tình cũng không biết khuyên em như thế nào, chỉ khuyên là cần cân nhắc kỹ để có quyết định dứt khoát và đúng đắn. Bởi, một khi đã chọn sai nghề, thì hậu quả kèm theo là rất lớn, như lãng phí tiền bạc, thời gian, chất xám và nhất là khả năng thất nghiệp rất dễ xảy ra...

P.L.C.N