Trường học... "quốc tế"

T.M 27/08/2019 11:12

Một học sinh mầm non của trường “quốc tế” bị nhốt vào tủ quần áo khiến dư luận bàn tán trong mấy ngày qua. Hành động nhốt vào tủ quần áo thật ra không có gì là ghê gớm so với nhiều vụ động chân động tay của các bảo mẫu ở nhà trẻ tư nhân xảy ra cách đây chưa lâu mà dư luận từng nóng sốt.

Nhưng chi tiết tăng thêm phần bức xúc cho phụ huynh trong vụ nhốt học sinh vào tủ quần áo có lẽ là mức đóng học phí (khoảng 20 triệu đồng/tháng/học sinh) và chữ “quốc tế” được gắn vào tên trường với vẻ “sang chảnh” nhưng gượng ép, thiếu rõ ràng về cơ sở pháp lý. Nhiều người vẫn chưa hết đau lòng về một học sinh cũng của trường “quốc tế” tử vong trên xe đưa đón nên vụ nhốt học sinh vào tủ quần áo cứ như thêm một sự minh họa sống động về thực trạng nhốn nháo của “thị trường” giáo dục.

“Quốc tế” như hai trường học kể trên được đánh bóng là có điều kiện vật chất đủ đầy, là đẳng cấp, là phương pháp dạy dỗ tiên tiến, là mô hình giáo dục ưu việt... Nhưng liệu những ưu việt đó có giúp học sinh có được bài học đầy xúc cảm về sự bình đẳng, về giá trị thật của nhiều loại vật chất trong một môi trường xã hội lộn xộn cả lên vì đồng tiền; và nhiều phụ huynh, học sinh phải bươn bả mà vẫn không đủ khả năng để tìm đến cái chữ? “Quốc tế” liệu có thật tâm khi dạy những bài học nhân văn để học sinh đối xử tử tế với thiên nhiên, với con người xung quanh khi trước mắt con trẻ là sự đặc quyền, tình trạng sử dụng quá mức cần thiết nguồn tài nguyên, hay sự xum xoe của nhiều loại dịch vụ dành cho giới nhà giàu? Và “quốc tế” có là tấm gương về sự trung thực khi những chi tiết điều tra trong 2 vụ việc kể trên đều phơi bày sự gian dối trước phụ huynh và pháp luật?

Chọn một môi trường học tập chất lượng, thuận tiện cho con mình là mong mỏi chính đáng của nhiều phụ huynh. Mong mỏi đó nếu không được đáp ứng trong hệ thống trường công do quy định phân luồng học sinh theo địa bàn thì nhiều người tìm đến trường tư là điều dễ hiểu. Đặc biệt, trong bối cảnh phương pháp giáo dục phổ thông cứ mãi “đuổi hình bắt bóng”, nặng nề thành tích thì mô hình giáo dục tiên tiến, có yếu tố nước ngoài trở thành sự lựa chọn của nhiều gia đình khá giả. Mô hình này được kỳ vọng sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện, hội nhập và đáng được triển khai, nhân rộng ở nhiều nơi để người dân có thêm sự lựa chọn. Nhưng “quốc tế” như đã nói có đúng thực chất, có tương xứng với mức học phí mà người dân phải chi trả? Và có nên xem đó là một phần của “thị trường” giáo dục tồn tại chủ yếu là do cạnh tranh?

Sau những vụ việc kể trên cho thấy, hiện vẫn còn một khoảng trống trong quản lý đối với mô hình giáo dục “quốc tế”. Nhiều người cho rằng, khoảng trống này cần phải nhanh chóng được lấp đầy để nền giáo dục có thêm một bạn đường, chứ không phải có thêm một kẻ lợi dụng sự mệt mỏi trên hành trình cải cách giáo dục.

T.M