Thành phố… buồn!
Hồi trước 1975 có một bài hát theo điệu boléro thật ão não mang tên như cái tít bài này của nhạc sĩ Lam Phương. Nghe kể ông viết bài này hồi năm 1970 và đạt kỷ lục cao nhất về tác quyền khi đó. “Thành phố buồn, lắm tơ vương. Cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn. Và con đường ngày xưa lá đổ. Giờ không em sỏi đá u buồn”… Bài hát diễn tả một tình yêu đổ vỡ.
1. Bây giờ, Đà Lạt - nơi ra đời bài hát, suốt vài năm lại đây luôn ngập lụt khi có mưa. Mỗi lúc đó, ông bạn tôi, cư dân Đà Lạt lại sửa lời và hát: “Thành phố buồn, nước mênh mang. Cơn mưa đầu đã lút lưng quần. Và con đường ngày xưa lá đổ. Giờ không dưng rác bẩn dâng đầy”…
Ông bạn tôi kể, Đà Lạt giờ đã mất nhiều khu rừng, nhà cửa xây ken dày, lấn các dòng chảy, bê tông hóa khắp nơi, nên không những nhà cửa, khu dân cư mà cả nhiều vườn rau cũng ngập úng vào mùa mưa. Quy hoạch của Đà Lạt đã bị phá vỡ, nên từ vài năm nay dân thành phố cao nguyên này đã quen với chuyện ngập úng…
Còn ở thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc, nơi được xưng tụng là “Đảo ngọc” giờ được dân gian gọi là “Đảo ngập!”. Chỉ sau vài ngày mưa đầu tháng 8 vừa qua, hình ảnh trên internet cho thấy các bà nội trợ lội nước sâu lên trên bụng trên đường đi chợ về. Chính quyền phải huy động hàng ngàn người giúp dân sơ tán khỏi vùng ngập. Nhiều người dân cho biết việc xây dựng lấn các sông suối, rác thải tràn ngập các dòng chảy. Tình trạng ngập từ nhiều năm nay, nên không còn là chuyện lạ nữa! Có tờ báo còn mô tả là Phú Quốc “thất thủ” trước những cơn mưa lớn kéo dài. Nhiều bạn đọc nêu nguyên nhân là do nạn phá rừng, xây dựng tràn lan và bất cập về quy hoạch trong nhiều năm qua.
Đó là chuyện ngập ở thành phố cao nguyên và ở đảo. Còn ở đồng bằng thì sao? Có lẽ cũng không cần nhắc lại chuyện ngập nước trầm kha ở các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vinh, Huế, Tam Kỳ… chỉ sau vài trận mưa lớn và nước cũng rút đi rất chậm sau đó, mà ai cũng thấy rõ nguyên nhân cơ bản là hệ thống thoát nước bất cập khi mở rộng đô thị, xây dựng bùng phát, các ao hồ và vùng thấp để điều hòa nước tự nhiên đã bị san lấp… Nói chung là quy hoạch thiếu nghiên cứu các điều kiện tự nhiên, thiếu các dự báo cần thiết về trung và dài hạn của các nhà chuyên môn. Đặc biệt là trong quy hoạch và xây dựng đô thị, các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm chưa được quan tâm đúng mức. Các hạn chế này không chỉ gây thiệt hại trước mắt và còn để lại hậu quả lâu dài và lãng phí to lớn. Chẳng hạn làm đường xong lại đào lên xây cống thoát nước, nhưng vẫn không đồng bộ và khớp nối hợp lý!
2. Ngập nước là một vấn nạn của đời sống đô thị, nhưng rất tiếc khi các đô thị, các khu dân cư mới đang được xây dựng ở nước ta, việc xây dựng các công trình thoát nước lại thiếu được lưu ý. Do nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất vẫn là vai trò của quản lý Nhà nước chưa được coi trọng, mà giao khoán cho các nhà đầu tư, vốn chỉ đặt nặng lợi ích cục bộ theo từng dự án. Đi đến các khu đô thị mới này, bằng mắt thường vẫn có thể thấy ngay chúng thiếu hẳn các quy hoạch về thoát nước, về các công trình ngầm mang tính tổng thể của các vùng đô thị. Các khu đô thị như vậy ở dọc Quốc lộ 1 và các tỉnh lộ trên địa bàn Quảng Nam là những ví dụ!
Và ta thiếu hẳn việc nghiên cứu, học hỏi của những đô thị đi trước trên thế giới!
Đọc tiểu thuyết của Victor Hugo, ai cũng thấy hệ thống cống thoát nước dưới thủ đô Paris xây dựng hơn một thế kỷ trước đã vĩ đại như thế nào! Hệ thống có chiều dài đến 2.500km và vào mùa khô nó là một bảo tàng mang tên Paris Sewer Museum (Bảo tàng cống ngầm Paris). Hệ thống này đảm bảo sự tuần hoàn nước cho thành phố, chống nguy cơ ngập úng do nước sông Seine dâng lên trong mùa mưa và cho du khách tham quan vào mùa hè.
Ở Hà Lan, Đan Mạch… người ta xây dựng các công viên, sân vận động nhưng dùng làm nơi cho nước ngập tự nhiên khi có mưa bão để giữ an toàn cho các đô thị. Còn tại Tokyo (Nhật) các biện pháp phòng chống chống lũ tiêu biểu nhất là Metropolitan Area Outer Underground Discharge Channel (Kênh xả nước ngầm ngoài khu vực đô thị), được xem là hệ thống chống ngập dưới lòng đất lớn nhất thế giới. Trung tâm của hệ thống này là hồ điều tiết khổng lồ nằm sâu hơn hai chục mét dưới lòng đất, rộng bằng một sân vận động và cao 25m, với 59 cọc bê tông khổng lồ nặng 500 tấn làm bệ đỡ cho trần hầm. Ngoài hồ chứa, hệ thống còn có 5 cột nước hình trụ (cao 65m, đường kính 32m) nằm sâu dưới lòng đất. Các cột nước này được nối với nhau bằng hệ thống ống ngầm dài nhiều cây số và nối thẳng vào hồ chứa để dẫn nước vào đây mỗi khi có mưa lớn hoặc bão. Hệ thống này còn có hàng chục máy bơm cực mạnh để đẩy khoảng 200 tấn nước thẳng ra sông Edo, giải quyết bài toán ngập trên mặt đất. Hệ thống này còn là điểm tham quan lý thú cho du khách đến Tokyo khi thời tiết thuận lợi…
“Tầm nhìn” quy hoạch cho các công trình ngầm ở các khu đô thị thuộc loại “cò con” hay mini của Việt Nam thật khó sánh với các nơi vừa kể, nhưng đó vẫn là một bài học cho tất cả chúng ta khi nhìn về tương lai! Nếu được như vậy, thì người dân ở các đô thị như Đà Lạt, Phú Quốc hay Tam Kỳ và các khu dân cư mới sẽ đỡ khổ hơn khi thời tiết bất lợi! Khi đó sẽ không còn các “thành phố buồn” hay “đảo ngập” như lời nói trong dân gian!