Sân chơi ca hát tuổi thơ
Liên hoan tiếng hát “Giai điệu tuổi thần tiên” tỉnh Quảng Nam năm 2019 vừa khép lại với những ấn tượng về giai điệu và sắc màu mà các em thiếu niên - nhi đồng ở các địa phương mang về TP.Tam Kỳ. Tuy nhiên, sân chơi này cũng bộc lộ một số hạn chế về định hướng thẩm mỹ cho phong trào ca hát của tuổi thơ xứ Quảng…
Sắc màu tuổi thơ
Nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian TP.Đà Nẵng, thành viên hội đồng giám khảo đánh giá, liên hoan là một sân chơi ca hát khá quy mô dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, tiếp nối phong trào “Hoa phượng đỏ” nhiều năm trước. “Đây thực sự là môi trường tốt để các cháu thiếu nhi được vui chơi, ca hát, nhảy múa thoải mái trong mùa hè của riêng mình. Nhiều địa phương đã có sự quan tâm đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất để mang đến những chương trình, tiết mục đầy sắc màu tuổi thơ, làm sôi động không khí của liên hoan” - Nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh nói.
Nhìn một cách tổng quát sân khấu liên hoan “Giai điệu tuổi thần tiên” năm nay, các địa phương như TP.Hội An, Tam Kỳ, huyện Thăng Bình, Phú Ninh hay các đơn vị miền núi Phước Sơn, Đông Giang, Tiên Phước… vẫn giữ được “truyền thống” về đầu tư chọn lựa tiết mục, chủ đề, dàn dựng, biên đạo bám sát yêu cầu mà ban tổ chức đưa ra cũng như phù hợp tâm lý, tình cảm lứa tuổi thiếu niên nhi đồng. Chương trình của Hội An khiến người xem, đặc biệt là các em nhỏ thích thú với những tiết mục được gắn kết nhau, tạo nên chủ đề thống nhất, lung linh với những điệu múa, làn điệu dân ca bài chòi lời mới trong sáng, hồn nhiên như là đang chơi đùa trên đồng cỏ, ngoài sân đình chứ không phải là diễn.
Các em thiếu nhi TP. Tam Kỳ với lợi thế giọng hát được rèn luyện kỹ càng qua nhiều mùa ca hát được tổ chức ở cấp thành phố cùng với “bà đỡ” là Nhà thiếu nhi, đã mang đến các tiết mục ca hát rất ngọt ngào, hòa quyện thành một dàn đồng ca mùa hè đầy sôi động. Chương trình của huyện Tiên Phước, Phước Sơn, Đông Giang với sắc màu đặc trưng từ trang phục, chủ đề và đạo cụ… đã tạo nên nét đẹp riêng biệt tại sân chơi này, qua đó cũng phản ánh được phần nào sự quan tâm của những người có trách nhiệm với phong trào hoạt động, vui chơi của tuổi thơ, trong đó có sân chơi ca hát.
Lại chuyện trẻ em hát nhạc người lớn
Tuy nhiên, vẫn còn đó khá nhiều đơn vị dường như tham gia cho có phong trào dẫn đến chương trình thiếu chủ đề, tính định hướng thẩm mỹ nghèo nàn. Cá biệt, một số chương trình đã vô tình biến các cháu thiếu nhi thành người lớn bởi các tiết mục vượt quá tầm lứa tuổi… Đó là sự dễ dãi trong việc định hướng thẩm mỹ ca hát cho tuổi thơ ở một số địa phương, kể cả đồng bằng và miền núi. Sự chắp vá, được chăng hay chớ thể hiện khá rõ qua những chương trình dự thi có quá ít sự đầu tư về chọn lựa ca khúc, tạo chủ đề, trang bị đạo cụ và trang phục biểu diễn cho các em khi lên sân khấu. Rõ ràng, ở tuổi các em, chưa đủ thanh giọng lẫn tinh thần, tình cảm để thể hiện thành công những bài hát như “Bánh trôi nước” (Hồ Hoài Anh phổ thơ Hồ Xuân Hương) mà các đơn vị huyện Nam Trà Mỹ hay thị xã Điện Bàn dàn dựng tham gia liên hoan. “Bánh trôi nước” đòi hỏi phải lả lơi trong trang phục, uyển chuyển đến tế nhị trong động tác múa và lúng luyến trong ánh mắt… nên sẽ quá sức các em. Những bài hát như “Giấc mơ trưa”, “Quê tôi”, “Hát gọi mặt trời”, “Dòng sông nối hai miền di sản” hay “Bèo dạt mây trôi”, “Về ăn cơm”… xuất hiện khá dày trên sân khấu liên hoan chứng tỏ việc người lớn đã vô tình để các em lớn trước tuổi của mình.
Biên đạo múa Nguyễn Thị Thu Ba - thành viên ban giám khảo cho rằng: “Việc định hướng thẩm mỹ ca múa cho các em ở các sân chơi như thế này rất quan trọng. Bởi vì, nếu chúng ta dễ dãi để các em tự chọn lựa bài hát rồi tìm nhạc beat và vũ điệu trên mạng và tổ chức tập luyện đi thi thì sẽ tạo nên một sản phẩm nghệ thuật không đúng tầm lứa tuổi, làm ảnh hưởng đến việc cảm thụ âm nhạc của tuổi thơ”. Biên đạo múa Thu Ba cho rằng, trước khi diễn ra các sân chơi ca hát thiếu nhi, ban tổ chức nên có văn bản hướng dẫn về chủ đề, tiêu chí, chất lượng, số lượng tiết mục ca hát cũng như phạm vi ca khúc được lựa chọn… để địa phương nắm bắt và triển khai một cách hiệu quả.
Tuổi thơ trong thế giới hiện đại đang bị tác động rất lớn bởi môi trường sống xung quanh. Đặc biệt, intenet, mạng xã hội và các làn sóng giải trí đang phát triển mạnh theo nhiều chiều hướng khác nhau. Gia đình và xã hội cần chung tay tạo nên môi trường vui chơi, ca hát, học hành lành mạnh để nuôi dưỡng tâm hồn các em. Âm nhạc dành cho thiếu nhi không hề thiếu về số lượng và cả chất lượng bài hát được các em yêu thích. Chúng ta cần lựa chọn hoặc ít nhất cũng hướng cho các em biết lựa chọn những bài hát phù hợp lứa tuổi để từng bước rèn luyện giọng hát cũng như bồi đắp tình cảm trong lời ca và giai điệu tuổi thơ.
Hãy dành cho các em sự trong sáng cần thiết từ việc tạo dựng những sân chơi nghệ thuật phù hợp lứa tuổi mình để từ đó các em bước đi tự tin, vững chãi trong những chặng đường kế tiếp.