Lực tải của phố

QUỐC TUẤN 13/08/2019 10:16

Áp lực từ dân nhập cư có lẽ là khái niệm còn xa lạ với hầu hết đô thị ở miền Trung. Đã từ lâu, nơi đây chỉ quen với việc các cư dân rời xứ mưu sinh nhưng dần dà điều đó thay đổi và các đô thị cần có phương án để thích nghi với điều này.

Giá đất trong một số thời điểm tại các đô thị ở khu vực miền Trung cao hơn nhiều so với thực tế khiến người có nhu cầu về nhà ở chật vật. Ảnh: Q.T
Giá đất trong một số thời điểm tại các đô thị ở khu vực miền Trung cao hơn nhiều so với thực tế khiến người có nhu cầu về nhà ở chật vật. Ảnh: Q.T

1. Đầu tuần rồi, ngồi cà kê với một người anh quen nhau thời còn đại học mới biết sau bao năm anh ấy vẫn ở trọ. Là kỹ sư, đã hơn 5 năm làm việc tại Đà Nẵng, anh dành dụm được một khoản kha khá với ý định tìm mảnh đất cắm dùi gắn bó lâu dài với thành phố bên sông Hàn nhưng đến nay vẫn trắc trở. “Chỗ mô trong thành phố giờ họ cũng hét giá trên trời, có khu toàn đất trống chỉ lác đác vài căn nhà ở xa tít ngoại ô mà hỏi dạm họ cũng hô tiền tỷ” - ông anh chậc lưỡi than thở.

Theo thống kê sơ bộ từ cuộc tổng điều tra dân số 2019, Đà Nẵng cũng mới chỉ có hơn 1,2 triệu dân, xấp xỉ TP.Cần Thơ và còn thấp hơn khá nhiều các tỉnh khác trong khu vực. Trong khu vực Trung Bộ, ngoài nhóm ngành dịch vụ - du lịch tương đối phát triển và “dễ thở” khi kiếm việc, hầu hết nhóm ngành khác nhất là các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao vẫn còn ít ỏi nên rất khó trở thành “thỏi nam châm” thu hút lao động tay nghề cao, trí thức như hai đầu đất nước. 

Đô thị cổ Hội An có sức hút lớn với người nhập cư có điều kiện khá giả. Ảnh: Q.T
Đô thị cổ Hội An có sức hút lớn với người nhập cư có điều kiện khá giả. Ảnh: Q.T

Dù hầu hết đô thị ở khu vực duyên hải miền Trung đều được nâng cấp và chuyển mình khá năng động nhưng tỷ lệ gia tăng dân số cơ học vẫn rất thấp. Đà Nẵng là địa phương duy nhất trong khu vực lọt vào top 10 các tỉnh, thành trên cả nước có tỷ lệ tăng dân số bình quân/năm cao nhất (giai đoạn 2009 - 2019) với tỷ lệ 2,45%. Dù có thêm Điện Bàn trở thành đô thị vào năm 2015 tuy nhiên tỷ lệ đô thị hóa của Quảng Nam (hơn 33%) vẫn mới chỉ xấp xỉ mức trung bình của cả nước (34,4%). Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết: “Trung bình mỗi năm dân số ở Điện Bàn tăng thêm khoảng 10 nghìn người và điều này tạo ra áp lực cho việc giải quyết hạ tầng, nhà ở, trường lớp cho dân cư”. Tỷ lệ gia tăng dân số này so với các đô thị khác trên cả nước là không lớn nhưng cũng đã khiến địa phương phần nào chật vật, cho thấy lực tải của các đô thị mới trong khu vực gặp nhiều vấn đề.

2.  Hội An là một trong những đô thị “hút” dân nhập cư nhất trong khu vực hiện nay. Chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng không riêng gì trong trung tâm, các khu vực ngoại ô như Cẩm An, Cẩm Thanh… cũng rất được dân tứ xứ “chuộng” để an cư. Từ một “thị xã dưỡng già” hiu hắt những năm 90 thế kỷ trước, Hội An giờ trở thành điểm đến ưa chuộng của những người rủng rỉnh về tiền bạc trong đó có cả người ngoại quốc. Sinh hoạt trong các dãy trọ ọp ẹp hoặc các tòa chung cư là cảnh tượng đặc trưng mà người ta hay mường tượng khi nhắc đến dân tứ xứ ở hầu hết đô thị khác. Nhưng ở Hội An dân nhập cư thông thường lại sống trong những căn villa thuê, mua lại hoặc những căn nhà nhỏ xinh với vườn tược sum suê mang đặc trưng bản địa. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện những lo ngại về dân nhập cư ảnh hưởng đến du lịch địa phương. Một lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Quảng Nam trăn trở: “Nét văn hóa truyền thống của cư dân Hội An chính là một trong những nhân tố làm nên thương hiệu du lịch của di sản này. Việc du nhập văn hóa ngoại lai có sự ứng xử khác biệt với văn hóa bản địa có thể tác động tiêu cực đến hình ảnh của đô thị cổ”.

Ngoại trừ TP.Đà Nẵng, các địa phương còn lại của vùng duyên hải miền Trung từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận trong một thập kỷ qua đều có tỷ lệ tăng dân số rất thấp, hầu hết quanh ngưỡng 0,5% thậm chí như Bình Định còn không tăng, cho thấy hàng năm vẫn có một lượng cư dân nhất định xa xứ mưu sinh ở các đô thị lớn ngoài khu vực. Thế nhưng những kêu ca của thị dân về nước sạch, rác thải, hạ tầng… tại nhiều thành phố của khu vực Trung Bộ vẫn xuất hiện nhan nhản. Trong tương lai gần, khi Đà Nẵng, Hội An hay một đô thị nào đó ở vùng duyên hải này đủ “hấp lực”, lượng dân số cơ học sẽ tăng nhanh. Từ bây giờ, cần những tính toán căn cơ về lực tải đô thị để phố không bị động cho ngày sau.

QUỐC TUẤN